M&A - cơ hội sống còn trước sức ép cạnh tranh và hội nhập

Dù là bị thâu tóm hay 'tự bán mình', M&A dần được các nhà kinh tế và giới kinh doanh xem như một trong những cơ hội phát triển sống còn của doanh nghiệp.

Ảnh minh họa.

Không phải ngẫu nhiên mà những năm gần đây, thị trường M&A ngày càng trở nên sôi động và thu hút sự quan tâm lớn của không chỉ giới doanh nhân mà còn cả các bộ ngành hữu quan. M&A không chỉ đơn giản là mang đến cơ hội tài chính cho bản thân những cổ đông hiện hữu hay đem về nguồn thu thuế cho ngân sách. Ở tầm xa hơn, M&A đang mở ra những cơ hội lớn cho các thương hiệu Việt khi hội nhập, với sức cạnh tranh mạnh mẽ, bền vững hơn.

Thông tin về thị trường M&A Việt Nam bắt đầu được dõi theo từ đầu những năm 2000, khi tổng giá trị các thương vụ M&A cả năm còn chưa quá vài chục triệu USD. Từ con số 50 triệu USD của năm 2002, thị trường M&A bất ngờ có bước nhảy vọt vào năm 2011 khi tổng giá trị các thương vụ M&A lên đến 4,7 tỷ USD, gấp 2,7 lần năm 2010.

Theo các nhà phân tích, thời điểm này, nhiều doanh nghiệp trong nước lâm vào khó khăn. Ở phía đầu vào thì lãi suất ngân hàng vượt mức 20%/năm, còn đầu ra thì đình đốn đã khiến không ít doanh nghiệp lao đao, phải tìm lối thoát thông qua M&A để chống đỡ khủng hoảng.

Trong những năm gần đây, cùng với chủ trương thúc đẩy cổ phần hóa của Chính phủ, thị trường M&A đã tiếp tục tăng dần đều về giá trị, đến năm 2016 đã vượt 5,8 tỷ USD. Tất nhiên, cùng với đó là những tiếc nuối về sự ra đi của những doanh nghiệp Việt “một thời vang bóng”.

Tuy nhiên, theo thống kê của Công ty Quản lý quỹ đầu tư Auxesia Holdings thì riêng trong năm 2016, giao dịch M&A nội địa đã chiếm đến 46%, còn lại là tỷ trọng của dòng tiền ngoại. Điều này cho thấy một sự trỗi dậy mạnh mẽ của dòng vốn đầu tư trong nước, mà đằng sau đó là nhu cầu sáp nhập lại để lớn mạnh hơn trước sức hấp dẫn lẫn sức ép của làn sóng hội nhập.

Làm sao để được giá?

Từ phía người bán, làm thế nào để có được mức giá cao nhất là một câu hỏi thường trực trong mỗi thương vụ M&A. Hãy bắt đầu từ 2 thương vụ khá nổi tiếng là sự kiện của Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ và câu chuyện tự “bán mình” của Công ty Diana.

Nói về cơ duyên đưa đẩy cổ phần của Hoàn Mỹ vào tay các nhà đầu tư ngoại, nhà sáng lập Hoàn Mỹ, bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng cho rằng đây là một bài học lớn minh chứng cho thất bại điển hình của một doanh nhân khi phát triển doanh nghiệp quá nhanh, lại chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng.

Ngòi nổ của những rắc rối về quản trị tài chính đã khiến Hoàn Mỹ cần có nhà đầu tư mua bớt một phần vốn để giải quyết khủng hoảng. “Nhiều nhà đầu tư phát giá vô cùng thấp vì họ đều biết chúng tôi không còn con đường nào khác khi nợ nần ngân hàng chồng chất”, ông Tùng tự nhận xét. Thật vậy, ở thời điểm được bán cho 2 cổ đông lớn đầu tiên vào cuối năm 2009, Hoàn Mỹ chỉ được định giá 30 triệu USD. Nhưng chỉ hơn một năm sau đó, với tên tuổi lớn của của những cổ đông này, một phần lớn vốn của Hoàn Mỹ ngay lập tức được bán lại cho đối tác Ấn Độ với mức định giá doanh nghiệp tăng vọt lên đến 100 triệu USD.

Nếu như bà Mã Thanh Loan, Tổng giám đốc Công ty Quản lý Quỹ Auxesia Holdings nói một cách hình ảnh rằng “Hoàn Mỹ cưới gấp quá không chọn được đối tác tương xứng”, thì TS. Trần Đắc Sinh, nguyên Chủ tịch HĐQT Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM cho rằng trong trường hợp này, dù doanh nghiệp sau M&A chưa đầu tư gì thêm cho tài sản nhưng cách thức quản trị với sự tham gia của cổ đông tên tuổi đã khác đi nhiều. Từ đó làm giá trị doanh nghiệp thay đổi tích cực.

Xa hơn thương vụ của Hoàn Mỹ, luật sư Bùi Ngọc Hồng từ Công ty Tư vấn LNT & Partners nêu kinh nghiệm tư vấn M&A cho thấy giá trị doanh nghiệp cũng sẽ tự động giảm xuống trong mắt nhà đầu tư nếu không chứng minh được sự minh bạch và đầy đủ trong các quyết định của Hội đồng quản trị đương nhiệm. Từng có thương vụ bị “gãy” giữa chừng chỉ vì doanh nghiệp khiến nhà đầu tư nghi ngại trước một khoản chi có tên là “chi để giải quyết nhanh quyết toán thuế”, vị luật sư nhớ lại.

Trong khi đó, câu chuyện "tự bán mình” của Công ty Diana cho đối tác Unicharm của Nhật Bản lại được Tạp chí The Assets đánh giá là thương vụ thành công nhất Châu Á năm 2011, với mức giá 184 triệu USD.

Theo ông Lê Minh Trung, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ & Phát triển doanh nghiệp, trong trường hợp này, Diana hoàn toàn nằm ở thế chủ động với những bước đi bài bản. Trước tiên là bán một phần vốn cho nhà đầu tư chiến lược Goldman Sachs (20%) - 1 trong 3 tập đoàn tài chính lớn nhất của Mỹ - để được hỗ trợ cơ cấu lại doanh nghiệp, minh bạch hóa tài chính, đầu tư thêm dây chuyền sản xuất sản phẩm mới. Từ đó dần đưa giá trị doanh nghiệp tăng lên. Đến lúc “bán mình” cho Unicharm thì Diana đã có tiếng nói với sức nặng đáng kể trên bàn đàm phán.

Ảnh minh họa.

Ngừng lấn cấn với suy nghĩ “cha truyền con nối”

M&A ngày nay vừa là câu hỏi lớn và cũng là mâu thuẫn của không ít ông chủ doanh nghiệp khi gọi vốn cổ phần. Một mặt vừa muốn được nhà đầu tư rót vốn, một mặt lại lo sợ bị thâu tóm bởi dòng tiền ngoại. Nhưng nếu nhìn vào khía cạnh tích cực của M&A thì tự chủ động bán mình với giá cao để doanh nghiệp có cơ hội vươn ra biển lớn vẫn là lựa chọn khôn ngoan của không ít doanh nhân.

Sau thương vụ M&A “để đời”, bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng tin rằng quan điểm kế thừa doanh nghiệp kiểu cha truyền con nối có lẽ đang gặp thách thức không nhỏ. Nhưng để doanh nghiệp lớn mạnh hơn, phục vụ nhiều hơn cho xã hội thì M&A là con đường khả dĩ lúc này. “Sau khi bán Hoàn Mỹ, tôi thanh thản hơn vì thấy bệnh viện phục vụ được ngày càng nhiều bệnh nhân, với tên tuổi và uy tín ngày càng lớn”, ông chủ của Tập đoàn Hoàn Mỹ chia sẻ.

Nhà sáng lập của Diana cũng từng nói “một công ty đang phát triển gia nhập một đế chế để toàn cầu hóa là điều bình thường. Tôi chỉ nỗ lực làm sao để khi nhắc đến Diana, người tiêu dùng hiểu ngay đó là nhãn hiệu toàn cầu có xuất xứ từ Việt Nam”.

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng M&A là một xu thế gần như tất yếu của vòng xoáy kinh tế đương đại. Theo đó, hoặc doanh nghiệp phải hòa vào dòng chảy ấy hoặc chấp nhận bị các đối thủ lớn đè bẹp, đối mặt với rủi ro mất dần thị phần và dần ra đi “không kèn, không trống”.

Theo Phương Hiền/Báo điện tử Chính phủ

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/ma-co-hoi-song-con-truoc-suc-ep-canh-tranh-va-hoi-nhap-63650.html