Lý và tình

Người Việt mình duy tình, hay bảo nhau là “một trăm cái lý không bằng một tý cái tình”. Mà ‘chữ tình” mạnh thật. Chẳng thế mà nhiều người vợ nhẫn nhịn, một mực yêu thương, chờ đợi những ông chồng phóng túng, hay “rẽ ngang rẽ tắt”, cuối cùng đã kéo được chồng về với gia đình.

Hay nhiều thiếu niên lầm lạc đã hối cải nhờ sức mạnh cảm hóa của tình yêu thương vô bờ bến nơi cha mẹ, anh chị em, nơi thầy cô, bạn hữu, có khi của cả những người bị họ làm hại nhưng đã rộng lòng tha thứ...

Nói về chữ tình, không thể không nhắc đến câu chuyện gần đây ở Hà Nội: Gia đình bé trai bị tử vong do tôn cứa cổ đã xin chính quyền xá tội cho người đạp xích lô chở tôn đậu xe bên đường - nguyên nhân dẫn đến cái chết thương tâm của cậu bé. Mất đứa con trai 10 tuổi là nỗi đau tột cùng với người làm cha, làm mẹ; nhưng họ đã vượt lên sự đớn đau của bản thân, vượt qua sự thù hận thường tình để mở lòng, thông cảm với cảnh ngộ của người đạp xích lô nghèo - một cựu chiến binh có công với đất nước, chỉ vô tình gây nên tai nạn. Để có thể thấu cảm và vị tha như thế, ắt phải là người rất nhân hậu, rất trọng tình.

Những ngày gần đây, báo chí cứ sôi lên với vụ “thu lại tiền cứu trợ để chia đều” ở vùng lũ Quảng Bình. Thông tin ban đầu gây phẫn nộ cao độ trong công luận, nhiều nhà hảo tâm buồn lòng khi biết “đoàn cứu trợ vừa đi, thôn đã đến thu lại tiền”. Nhưng sau đó, một vài phương tiện thông tin đại chúng lại có ý bênh vực, rằng “thu lại tiền cứu trợ là bất đắc dĩ’, rằng các trưởng thôn không tư lợi chút nào, chỉ hành động vì cộng đồng. Ngay cả vị lãnh đạo xã cũng phân trần cho các trưởng thôn: Các đoàn từ thiện luôn mong muốn trao quà cho những hộ khó khăn nhất, buộc lòng địa phương phải chiều ý họ. Cứ tập trung vào những hộ ấy, thành ra, rất nhiều hộ khó khăn khác không được nhận quà cứu trợ.

Vẫn biết rằng, thực tế muôn hình vạn trạng, người cán bộ cơ sở luôn phải đối mặt với những tình huống chẳng sách nào nêu ra. Lời vị lãnh đạo nọ đã phản ánh sự bất cập trong công tác cứu trợ.

Vẫn biết rằng ở nhiều làng quê Việt Nam, mặt bằng kinh tế các nhà là “một chín một mười”, lúc thiên tai thì nhà ai cũng khó; chỉ là, nhà này khó hơn một ít, nhà kia đỡ hơn chút xíu.

Nhưng nói gì thì nói, đã đưa đoàn từ thiện đến trao quà cho một hộ gia đình rồi lại đến thu lại tiền cứu trợ của họ mà không họp bàn, không nhận được sự đồng ý bằng văn bản của tất cả các hộ dân là không đúng lý. Các vị trưởng thôn nọ đã hăng hái tạo lập “sự công bằng”, quá tập trung vào việc giữ “tình làng nghĩa xóm” mà quên đi một điều: Tính pháp lý trong hành động. Đoàn cứu trợ trao quà cho hộ nào thì món quà đó là của riêng nhà ấy, trưởng thôn đâu có quyền thu tài sản riêng của người dân để đem chia lại. Việc ấy, cứ cho là mục đích đúng (thực ra cái đúng ở đây là rất phiến diện) thì cách làm vẫn là sai. Xã hội sẽ ra sao nếu ai cũng lấy mục đích biện minh cho những hành động tùy tiện, không đúng pháp luật.

Trọng tình không có nghĩa là lờ đi cái lý. Trong xã hội pháp quyền, chữ Lý được thượng tôn. Dẫu có trọng tình thì vẫn phải nhớ, Lý-Tình cần cân bằng, để mọi việc làm “trọn lý vẹn tình”.

Hà Nguyễn

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/goc-nhin/ly-va-tinh-20161028221255008.htm