Lý Thường Kiệt 'Tiên phát chế nhân' khiến kẻ địch kinh hoàng khiếp sợ

Ít có chiến công nào vang dội, giành thắng lợi ngay trên đất kẻ thù như kế hoạch tập kích châu Ung, châu Khiêm, châu Liêm của Lý Thường Kiệt.

"Ngồi yên đợi giặc không bằng đem quân ra trước, chặn thế mạnh của giặc" – câu nói bất hủ của ông trùng với binh pháp “Tiên phát chế nhân” (ra tay trước để khống chế kẻ địch).

Nhiều mưu lược, có tài làm tướng

Sách Việt điện u linh của Lý Tế Xuyên xuất bản vào khoảng năm 1329 chép: “Ông họ Lý tên Thường Kiệt, người phường Thái Hòa bên hữu kinh Thăng Long; (…). Ông nhiều mưu lược, có tài tướng soái, lúc nhỏ phong tư tuấn nhã, có tiếng khen ra ngoài, được sung làm chức Hoàng môn ký hầu”.

Đại Việt sử ký toàn thư cũng có những nhận xét tương tự: “…Thường Kiệt người phường Thái Hòa thành Thăng Long, nối đời làm quan, nhiều mưu lược, có tài làm tướng”. Văn bia đền Ngọ Xá (Thanh Hóa) do Nhữ Bá Sĩ soạn năm 1876 thì viết: “Thái úy người phường Thái Hòa hữu thành Thăng Long, họ Lý tên Thường Kiệt, còn gọi là Tuấn, tự Thường Kiệt hoặc khi xuất thân lấy tên tự để gọi.

Năm ông mới 13 tuổi (…) hỏi chí hướng của ông, ông thưa rằng: về văn học chỉ cần biết chữ để ký tên là đủ, còn võ phải học được như Vệ Thanh, Hoắc Khứ (tướng lĩnh nhà Hán trong lịch sử Trung Quốc) là đi vạn dặm lập công to, giữ được ấn hầu, làm vẻ vang cho cha mẹ, ấy là sở nguyện. (…) Ông lo học đạoTôn Ngô, đêm đọc sách, ngày luyện cung mã đến các phép xây doanh trại, bày trận địa đều tinh thông cả”.

Bia Cự Việt quốc thái úy Lý công thạch bi minh tự dựng khoảng năm 1159 viết: “…Từ tuổi ấu thơThái úy đã có phong tư thanh khiết, vẻ mặt sáng sủa. Năm Giáp thìn niên hiệu Thiên Phù Duệ Vũ thứ năm (1124) vua Nhân Tông yêu mến phong thái kỳ tú của Thái úy, biết Thái úy là người thông minh lanh lợi, nên tuyển vào trong tử cấm.

Thái úy cầm giáo mác mà múa trên nệm gấm, hát khúc Hồi phong mà lả lướt liễu mềm, người các nước đến thăm, không ai là không chú ý ngắm xem. Năm Đinh mùi đời vua ThầnTông (1127) Thái úy được tuyển vào chầu ở nơi nội cấm, chức vị bao trùm cả sáu bộ Thượng thư. Các việc chính sự ở trong cung cấm và việc xây dựng của thợ thuyền, vua đều ủy thác cho Thái úy cả.

Đến như các phép viết chữ, tính toán, bắn cung, cưỡi ngựa, thuốc men, kinh mạch, không nghề nào là Thái úy không tinh thông; đến như việc bói toán, binh pháp, chơi bài, đánh cờ, không việc nào là Thái úy không nghiên cứu (…)”. Những ghi chép trên cho thấy, Lý Thường Kiệt quả thực là con nhà võ tướng, có tài cầm quân, tinh thông mưu lược. Mưu trí ấy không chỉ dừng lại trong sách vở “tầm chương trích cú” mà đã được ông ứng dụng vào thực tế chiến đấu, đem lại chiến thắng vẻ vang.

Đại Việt ra tay trước

Năm 1070, Tể tưởng nhà Tống là Vương An Thạch chú ý đến phương Nam và muốn lập công ở ngoài biên, tâu lên vua Tống rằng: "Giao Chỉ vừa đánh Chiêm Thành bị thất bại, quân không còn nổi một vạn, có thể lấy quân Ung Châu sang chiếm Giao Chỉ".

Tán thành với đề xuất này, năm 1073, vua Tống Thần Tông phái Thẩm Khởi làm Quảng Tây Kinh lược sứ lo việc xuất quân. Thẩm Khởi đặt các doanh trại, sửa đường tiếp tế, phủ dụ 52 động thuộc Ung Châu sung công các thuyền chở muối để tập thủy chiến. Thẩm Khởi sau đó làm trái ý vua Tống, bị điều đi nơi khác và Lưu Di thay chức.

Lưu Di được lệnh tăng cường binh lực, tiếp tục điểm dân, tích lương, đóng chiến thuyền, luyện tập thủy binh và cấm người Đại Việt sang đất Tống buôn bán vì sợ bị do thám. Đặc biệt, nhà Tống đã biến Ung Châu thành một căn cứ xuất phát để đánh Đại Việt và giao cho Tô Giám, một viên tướng dày dặn kinh nghiệm trong cuộc chiến chống Nùng Trí Cao trước đây chỉ huy căn cứ này.

Năm 1072 vua Lý Thánh Tông qua đời, Thái tử Càn Đức mới 7 tuổi lên thay, tức là vua Lý Nhân Tông. Thái phi Ỷ Lan làm nhiếp chính, được sự phò tá của các đại thần Lý Thường Kiệt, Lý Đạo Thành nên tình hình quốc gia vẫn khá ổn định.

Tuy Tống cố gắng giữ bí mật, nhưng tình báo của Đại Việt vẫn nắm được ý đồ của quân Tống. Đặc biệt, năm 1073, một tiến sĩ nhà Tống là Từ Bá Tường vì không được trọng dụng nên đã thông báo với nhà Lý. Bởi thế Đại Việt đã nắm được khá đầy đủ tình hình chuẩn bị chiến tranh của nhà Tống. Lúc này số quân Tống đang tập hợp ở các căn cứ Ung, Khâm, Liêm khoảng 10 vạn đang huấn luyện,song chưa thể đánh ngay được vì số quân này là tân binh Hoa Nam vừa mới tuyển.

Nhà Tống sẽ rút 45 ngàn cấm binh thiện chiến ở phương bắc đưa xuống chiến trường phía nam để lập đạo quân chủ lực, thì việc đó làm chưa xong. Trước tình hình đó, Thái úy Đại Việt là Lý Thường Kiệt cho rằng: “Ngồi yên đợi giặc sao bằng đánh trước để bẻ gãy mũi nhọn của nó!”.

Chủ trương thực hiện một chiến lược đánh đòn phủ đầu, Tiên phát chế nhân, ông quyết định mở trận tiến công quy mô sang đất Tống. Đại Việt đã huy động 10 vạn quân sang đánh phá căn cứ châu Ung của Tống. Đạo quân của triều đình ở phía Đông do đích thân Lý Thường Kiệt chỉ huy, gồm cả thủy lục quân tiến vào đất Tống nhằm tới châu Khâm.

Còn đạo quân của các thủ lĩnh dân tộc thiểu số ở phía Tây đặt dươísự chỉ huy của Tôn Đản chia làm 4 mũi tiến vào đất Tống: Lưu Kỷ từ Quảng Nguyên (Cao Bằng), Hoàng Kim Mãn từ Môn Châu (Đông Khê - Cao Bằng), Thân Cảnh Phúc từ Quang Lang (Lạng Sơn) và Vi Thủ An từ Tô Mậu (Quảng Ninh) và nhắm tới châu Ung.

Nghệ thuật độc đáo trong chiến tranh giữ nước

Đánh giá về chiến dịch này của Lý Thường Kiệt, Đại tá TS Nguyễn Thành Hữu cho rằng: Nhằm đảm bảo quyền chủ động chiến lược, đẩy địch vào thế bị động và dẫn tới thất bại, Lý Thường Kiệt chủ trương “tiên phát chế nhân”- tiến công địch trước.

Đây là tư tưởng chiến lược rất táo bạo, nhưng đúng đắn, tạo sự bất ngờ và phù hợp với điều kiện nước ta lúc bấy giờ. Bởi lẽ, nếu biết được âm mưu của nhà Tống mà ta chỉ bí mật chuẩn bị để đợi giặc đến thì khó có thể chủ động đánh bại được kẻ thù và nếu có giành thắng lợi cũng sẽ chịu nhiều tổn thất. Vì vậy, chủ động tiến công đánh bại ý chí xâm lược của địch ngay trên đất nước chúng để bảo vệ giang sơn, xã tắc, gây bất ngờ, hoảng loạn đối với địch là nét độc đáo trong lịch sử dân tộc.

(còn nữa)

Gia Hà

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-plus/ly-thuong-kiet-tien-phat-che-nhan-khien-ke-dich-kinh-hoang-khiep-so-d107012.html