Lý Sơn: Mộ gió, Âm linh tự và 'thiên đường du lịch mới' ở Việt Nam

Chẳng ai có thể ngờ được ánh sáng điện lưới quốc gia đã khiến hòn đảo tiền tiêu Lý Sơn thay da đổi thịt nhanh đến vậy sau vài năm.

Những tàu cao tốc đưa người và hàng hóa ra đảo Lý Sơn

Những tàu cao tốc đưa người và hàng hóa ra đảo Lý Sơn

Lý Sơn: Tỏi, mộ gió và Âm linh tự

Trải qua biết bao biến thiên của lịch sử, của đời người, cuộc sống của người dân trên đảo Lý Sơn bây giờ đã có nhiều đổi thay đến ngỡ ngàng. Trong một chuyến công tác tại đây, chúng tôi đã ghi lại những niềm phấn khởi không chỉ của người dân, mà là sự thay đổi trong ấm no của vùng đảo như ám tiêu chắn trước cửa ngõ biển Đông của Quảng Ngãi.

Tượng đài Hải Đội Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn

Trên hòn đảo tiền tiêu của tổ quốc này, có rất nhiều gia đình nhiều đời bám biển, cha truyền con nối với biển một niềm tin sắt son nhất. Nhà trưng bày Đội Hoàng Sa Bắc Hải nằm ngay giữa trung tâm huyện lỵ. Ở đó, nơi vẫn còn nhiều hiện vật còn lại của những đoàn binh phu từng vượt gió đạp sóng ra đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Những vật dụng rất đỗi gần gũi được trưng bày trang trọng trong tủ kính. Cùng với đó là rất nhiều tư liệu khẳng định bờ cõi của đất Việt trên biển, như ảnh biển chủ quyền Việt Nam ở Hoàng Sa chụp năm 1930; bản đồ “Phía đông Ấn Độ và những vùng lân cận” xác định rõ quần đảo Hoàng Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam, xuất bản tại Luân Đôn (Anh) năm 1969...

Niềm xúc cảm càng dâng cao khi chúng tôi đến Đình làng An Vĩnh (thôn Đông, xã An Vĩnh) - nơi tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa hằng năm vào tháng 3 âm lịch, Âm linh tự và mộ lính Hoàng Sa với những ngôi mộ gió của những người đi mãi không về.

Bài vị của những Hùng Binh Hoàng Sa năm xưa trong đình làng An Vĩnh

Cách Đình làng An Vĩnh không xa là nhà thờ Phạm Quang Ảnh, người được ngư dân Lý Sơn thờ cúng như một Thành hoàng. Nhà thờ hiện nay do ông Phạm Quang Tỉnh, hậu duệ đời thứ 5 trông coi. Bên chén trà buổi sáng, ông Phạm Quang Tỉnh và người anh Phạm Quang Xã bồi hồi kể về lịch sử, về những kỷ vật của tổ tiên chỉ được giở ra mỗi năm một lần vào dịp “tế xuân” của dòng tộc với niềm tự hào khôn tả.

Lý Sơn là hòn đảo tiền tiêu của tổ quốc. Nghề đi biển đánh bắt và chế biến hải sản đã là truyền thống từ bao đời. Người dân hết đời này sang đời khác chỉ gắn bó với biển vì biển là nguồn sống mang lại miếng cơm manh áo cho người dân, tiền học hành cho con em đến trường. Tuy nhiên, nghề biển cũng lấy đi những mất mát, đau thương không thể bù đắp được bằng hiện vật. Song vị mặn mòi của biển khơi đã thấm vào từng thớ đất, con người nơi đây nên việc bám biển sống là niềm tin bất di bất dịch. Dù những ngôi mộ gió ở Lý Sơn vẫn không ngừng tăng lên.

Lý Sơn còn nổi tiếng với nghề trồng tỏi, tỏi Lý Sơn đã trở thành một món quà không thể thiếu mỗi khi du khách đến thăm đảo. Đây là một trong những sản vật mà Lý Sơn "may mắn" gây dựng được thương hiệu.

Tỏi cô đơn Lý Sơn nổi tiếng cả nước (Ảnh: Minh Hoàng)

Một người đàn ông khi gặp chúng tôi bên mép biển đã hồ hởi khoe: “Các anh thấy hòn đảo của chúng tôi có đẹp không? Có đáng được gọi là thiên đường du lịch không?”. Chúng tôi gật gù, ông ra chiều rất đắc ý. Ông cho biết, nghề chính trên đảo chỉ là đi biển và làm du lịch. Chuyện làm du lịch thì chúng tôi đã thấy. Còn chuyện đi biển thì sao?! Ông xởi lởi: “Ở đảo mà không đi biển thì đâu phải là dân đảo! Ở đây phần lớn là những người theo nghiệp biển, có người tới 4-5 đời rồi các anh ạ! Biển với chúng tôi là một mà!”. Thế rồi ông Phải dẫn chúng tôi đến với những lão ngư đã sống một đời với biển.

Những ngư dân lặn bắt nhum biển trên đảo Bé

Còn rất nhiều câu chuyện của các lão ngư khác ngồi xung quanh chúng tôi, mà chúng tôi chẳng thể nào viết hết ra trong phóng sự này. Khi cuộc rượu của các lão ngư đang đến hồi hưng phấn, thì phía biển Đông mây đen kéo tới. Chẳng ai bảo ai, nhanh như sóc, các lão ngư ở cái tuổi thất thập ấy đã dẫm chân vào mép nước, kẻ đóng cọc, người kéo dây đưa ghe lên bờ để khỏi bị sóng đánh dạt. Và rồi chỉ trong buổi chiều ngắn ngủi ấy, mấy kẻ trẻ tuổi chúng tôi đã được chứng kiến bài học vỡ lòng của người dân trên đảo, để khi ngồi viết những dòng chữ này, chúng tôi cứ tha thiết mãi không thôi về sức sống của con người nơi đầu sóng. Họ là những ngọn đèn trên biển nước tiền tiêu, để canh giữ biển trời đất nước suốt bao đời nay…

Lý Sơn nay đã khác

Chẳng ai có thể ngờ được ánh sáng điện lưới quốc gia lại có thể về đến đất đảo nhanh đến vậy từ khi bắt đầu kéo cáp ngầm từ đất liền ra đảo. Mấy chục năm qua người dân Lý Sơn chưa bao giờ có được. Không có điện, chẳng làm được gì. Chính vì thế dù điều kiện tự nhiên vô cùng ưu đãi để vùng đất đảo này có thể phát triển du lịch biển với vô số cơ sở, thế nhưng chỉ vì không có điện mà người dân đành bó tay chịu. Bao nhiêu năm qua, người dân Lý Sơn chỉ biết ngậm ngùi nhìn dòng điện ở phía đất liền với sự thèm muốn vô hạn.

Trước đây mỗi ngày người dân huyện đảo sử dụng nguồn điện thiếu thốn chỉ 6h mỗi buổi tối đêm sáng, đêm tắt và phải chia sẻ cho các đảo trong cùng huyện đảo, khi người dân xã An Vĩnh có điện thắp sáng thì xã An Hải chịu cảnh mất điện. Điện có được từ trạm phát điện chạy dầu diesel. Riêng người dân xã đảo An Bình sử dụng điện từ hệ thống pin năng lượng mặt trời thiếu ổn định. Suốt mấy chục năm, hơn 5.000 hộ dân với 22.000 nhân khẩu ở địa phương này vẫn phải chịu cảnh thiếu điện trầm trọng. Tối trên đất đảo Lý Sơn chỉ cách đây vài năm vẫn tối đen, có chăng chỉ là vài ba cái bóng điện phát sáng từ những chiếc máy phát điện chạy xăng, mà xăng dầu ngày càng đắt đỏ nên người dân chỉ biết sử dụng thật tiết kiệm.

Điện lưới quốc gia đã về tới Lý Sơn vài năm qua, và đời sống ở huyện đảo này đổi thay chóng mặt

Những rồi, tất cả hàng chục ngàn người dân huyện đảo Lý Sơn, người dân cả nước đều vui mừng khôn xiết vì điện lưới quốc gia đã đến Lý Sơn. Trong suy nghĩ của mỗi người, một tương lai bừng sáng đang hiện ra rõ rệt hơn bao giờ hết ở xứ đảo đầy nắng gió và mưa bão này. Những ngôi nhà hai tầng, ba tầng mọc lên san sát, truyền hình cáp được khá nhiều hộ dân sử dụng, có trường học để trẻ em trên đảo đến lớp và rất nhiều khối cơ sở vật chất được xây dựng phục vụ đời sống người dân.

Chúng tôi đến thăm giếng cổ của người Chăm được xây dựng cách đây gần chục thế kỷ, nước vẫn trong và mát ngọt như thuở nào, mặc cho dấu vết của thời gian đã làm rêu phong bờ giếng.

Cuộc sống của cư dân nơi đây cũng không khác gì trong đất liền, cũng có những nhà hang rộng rãi, những quán cà phê nhạc xập xình, chợ búa bán đủ loại nhưng nhiều nhất vẫn là tỏi và các loài hải sản như bào ngư, tôm cá, mực một nắng và ốc vú nàng là hai thứ đặc sản của đảo không nơi nào sánh được. Ngoại trừ những thứ hải sản, các loại mặt hàng khác có giá cao hơn so với đất liền bởi khoảng cách biển trời nhưng không đến nỗi quá đắt đỏ.

Du khách đến với Lý Sơn ngày càng đông

Trao đổi với chúng tôi, bà Phạm Thị Hương, Phó chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn cho biết: “Nhiều năm qua nguồn điện của huyện đảo rất yếu, nên việc phát triển kinh tế, đặc biệt là ngành du lịch của huyện đảo gặp rất nhiều khó khăn. Khi điện lưới quốc gia về với huyện đảo, nhiều ngành nghề khác liên quan tới điện đã được phát triển mạnh. Chính quyền địa phương đang áp dụng nhiều cơ chế ưu đãi kêu gọi các nhà đầu tư cùng nhân dân phát huy nội lực đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ, du lịch sinh thái biển để huyện đảo Lý Sơn trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong tương lai!”.

Được biết huyện đảo Lý Sơn đã được Chính phủ phê duyệt quy hoạch đảo du lịch của quốc gia. Niềm mong chờ bấy lâu nay của người dân đảo tỏi đang dần thành hiện thực, chắc chắn khi đó cuộc sống của người dân trên đất đảo này sẽ đổi thay tích cực hơn.

Đêm Lý Sơn yên bình, chỉ có những tiếng sóng vỗ dạt dào vào các ghềnh đá, như tiếng ru của biển tự ngàn xưa. Các đảo thu mình lại trong giấc ngủ sau một ngày chào đón khách. Xa xa, ánh sáng của những chiếc thuyền câu mực ban đêm lóng lánh như những đàn đom đóm lập lòe giữa đêm biển đen đặc.

Minh Ngọc

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/ly-son-mo-gio-am-linh-tu-va-thien-duong-du-lich-moi-o-viet-nam-79324.html