Ly nước mắm & Cốc dầu ô liu

Ba nhà văn, nhà thơ Việt Nam là Hữu Thỉnh, Lê Minh Khuê và Nguyễn Quang Thiều từng có một chuyến đi nhớ đời cùng nhau sang thành phố Boston (Massachusetts, Mỹ) năm 1993.

Nhận lời mời của Trung tâm William Joiner, ba nhà văn nghèo khăn gói sang thăm nước Mỹ, trong túi mỗi người chỉ có chừng 100 USD.

Lúc ấy chưa có Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, ba nhà văn phải đi máy bay sang Thái Lan để làm thủ tục. Khi họ tới Đại sứ quán Mỹ tại Bangkok của Thái Lan thì gặp trục trặc. Thư mời gửi Hữu Thỉnh chỉ đề bút danh, không đề họ tên đầy đủ Nguyễn Hữu Thỉnh, do đó, Đại sứ quán Mỹ tại Thái Lan từ chối cấp visa cho Hữu Thỉnh.

Hình ảnh nhà thơ Hữu Thỉnh (trái) và tác giả Wayne Karlin trong chiến tranh Việt Nam

Hình ảnh nhà thơ Hữu Thỉnh (trái) và tác giả Wayne Karlin trong chiến tranh Việt Nam

Vô cùng lo lắng, Hữu Thỉnh bàn với Nguyễn Quang Thiều, cần liên lạc gấp với người mời là nhà văn Kevin Bowen để gửi giấy mời khác cho Hữu Thỉnh, với tên họ đầy đủ như trong hộ chiếu. Nguyễn Quang Thiều giao tiếp được bằng tiếng Anh nên được cử đi liên lạc với bên Mỹ.

Nguyễn Quang Thiều đi tìm một nơi có dịch vụ điện thoại quốc tế, gọi điện cho nhà văn Kevin Bowen. Liên lạc xong với Kevin Bowen, Nguyễn Quang Thiều đã tiêu mất hơn 30 USD. Ai nấy đều xót ruột, bởi số tiền đó quá lớn đối với cả ba nhà văn, nhà thơ, trong khi chặng đường đến Mỹ còn quá dài, mỗi USD tiêu đi là cộng thêm một mối lo âm thầm.

Cuối cùng, họ cũng đặt chân được tới nước Mỹ. Quả thực là choáng ngợp, mọi thứ đều lộng lẫy, sạch sẽ, sáng bóng và đẹp, nhưng cái gì cũng đắt xanh mắt. Ba nhà văn, nhà thơ được Kevin Bowen đón về nhà mình ở suốt cả tháng trời để tiết kiệm chi phí. Đoàn nhà văn, nhà thơ Việt Nam được ở trong một gia đình người Mỹ, chứng kiến sinh hoạt thường ngày của người Mỹ, những vui buồn, lo toan, thói quen, văn hóa đều rất thực, rất sống động, gây ấn tượng mạnh mẽ, là nguồn tư liệu quý giá cho những trang viết của họ về người Mỹ, văn hóa Mỹ và nước Mỹ.

Các nhà văn khác người Mỹ trong Trung tâm William Joiner là: Bruce Weigl, Larry Heinemann, George Evans và Wayne Karlin cũng đi đón ba nhà thơ, nhà văn Việt Nam tại sân bay quốc tế Logan (thành phố Boston), sau đó, trong suốt thời gian ba người Việt Nam lưu trú tại nhà Kevin Bowen, họ thường xuyên đến đàm đạo, đưa ba đồng nghiệp Việt Nam đi thăm thú nhiều nơi trên nước Mỹ.

Lúc đó, nhà văn Nguyễn Quang Thiều còn ở tuổi ngoài 30, khá trẻ và năng động, còn nhà thơ Hữu Thỉnh từng là một người lính trong cuộc chiến chống đế quốc Mỹ, còn nữ nhà văn Lê Minh Khuê từng là phóng viên chiến trường trong cuộc chiến với Mỹ. Ba nhà văn, nhà thơ đều được Trung tâm William Joiner mời, thông qua Hội Nhà văn Việt Nam, để tiếp xúc với các nhà văn Mỹ, cũng từng tham chiến tại Việt Nam. Lê Minh Khuê mang trong balô của mình vào chiến trường hai cuốn sách của hai nhà văn Mỹ là Jack London và Hemingway, tranh thủ đọc sách ngay trong những lúc dừng chân bên đường mòn Hồ Chí Minh. Đó là một trải nghiệm đáng ngạc nhiên, bởi trong lúc chiến đấu với đế quốc Mỹ, nữ phóng viên chiến trường đã đọc sách của nhà văn Mỹ. Vậy, 18 năm sau chiến tranh, khi đặt chân đến nước Mỹ lần đầu tiên, gặp các nhà văn Mỹ, từng là cựu binh, từng cầm súng bắn người dân nước mình, cảm xúc của nữ nhà văn - phóng viên chiến trường ra sao? Lê Minh Khuê lúc ấy chỉ chia sẻ rằng, bà đã học được kỹ năng sống sót trong chiến trường chính từ hai nhà văn Mỹ đó.

Nhà văn Wayne Karlin chia sẻ trong một bút ký của mình rằng, ông đã rất muốn chứng kiến cảm xúc của các nhà thơ, nhà văn Việt Nam trong phút đầu tiên đặt chân tới nước Mỹ. Do đó, cùng với nhà văn Bruce Weigl, ông đã xin phép được vào tận cửa ra máy bay để đón đoàn Việt Nam.

Ông viết: “Nguyễn Quang Thiều xuất hiện đầu tiên ở cửa máy bay, trẻ trung, nước da bánh mật, nụ cười vui mừng nở rộng dưới hàng ria mép khi nhìn thấy Bruce Weigl và anh giơ hai ngón tay làm biểu tượng chữ V (Victory: Chiến thắng) về phía chúng tôi. Hai nhà thơ, nhà văn đi sau Thiều cũng mỉm cười. Trưởng đoàn, nhà thơ Hữu Thỉnh trông khá mảnh khảnh, rất đẹp trai ở tuổi 50, mỉm cười sung sướng khi nhìn thấy Bruce Weigl. Lê Minh Khuê dáng mỏng manh với gương mặt đáng yêu đến ám ảnh. Bà là một nhà văn viết truyện ngắn và tiểu thuyết gia, người từng cống hiến tuổi thanh xuân của mình tại đường mòn Hồ Chí Minh, dưới mưa bom Mỹ, một phụ nữ thầm lặng trong chiến tranh, hằng đêm tẩy đi những dấu vết phá hoại mà chúng tôi gây nên, trả lại nguyên trạng đất đai, cứ như chưa hề có bom cày xới. Bà chào chúng tôi, nhưng bộc lộ mình ít hơn hai người đàn ông trong đoàn. Bà mỉm cười ấm áp, nhưng tôi nhận ra một nỗi buồn đóng kín trong đôi mắt bà. Khi tôi đỡ hộ bà chiếc túi, nó quá nhẹ đến mức tôi ngạc nhiên và tôi cũng nhận ra cùng lúc đó, tôi đang nhìn nước Mỹ quê hương mình qua đôi mắt của bà, qua những bước đi đầu tiên xuyên qua sân bay, thấy những gương mặt Mỹ với nụ cười rộng mở trên các panô quảng cáo trên tường sảnh ga đến... Tiếng động cơ máy bay cất và hạ cánh tại sân bay Boston liệu có gợi nhớ đến tiếng động cơ máy bay và bom nổ ở đường mòn Hồ Chí Minh, nơi bà đặt chân đến lần đầu khi còn là cô bé 15 tuổi, để rồi đường mòn đó đưa bà đến nước Mỹ, nơi đã đưa cả máy bay và bom đạn đến đất nước bà? Và tôi cũng tự hỏi, bà nhìn thấy gì qua gương mặt tôi?”.

Sau những cảm xúc khá mãnh liệt từ những phút đầu tiên, các nhà văn hai phía Việt Nam và Mỹ trở nên bình tĩnh hơn, gần gũi với nhau như những người bạn. Họ ôn lại những kỷ niệm trong chiến trường, để soi lại trải nghiệm từ một không gian khác, từ độ lùi thời gian, từ tình cảm khác, đã dần dần hàn gắn và chữa lành những vết thương âm thầm trong tâm hồn của những cựu binh ở hai phía chiến tuyến...

Rồi cũng đến lúc phải chia tay. Trong bữa tiệc chia tay, Nguyễn Quang Thiều đã để một chai nước mắm Thái Lan trong vắt trên bàn, gần nơi Hữu Thỉnh ngồi. Sau khi mọi người đã cùng ngồi vào bàn, Hữu Thỉnh ra hiệu cho Wayne Karlin đưa ly rượu của mình cho ông và ông rót nửa ly nước mắm, đưa cho Wayne Karlin. Mùi nước mắm xộc lên, Karlin vẫn cố đưa lên miệng dốc cạn, vị nước mắm mặn chát, nhất là mùi nước mắm thì suốt đời ông không quên được. Nó là cái vị mạnh mẽ nhất gợi nhớ thẳng tới Việt Nam. Hữu Thỉnh rót tiếp nước mắm vào ly và đưa cho George Evans. Ông này ngửi thấy mùi nước mắm thì e ngại đưa mắt nhìn Wayne Karlin. Wayne Karlin nhún vai ra ý bảo, đây là bữa ăn chia tay, có lẽ truyền thống của Việt Nam là phải uống với nhau một ly nước mắm khi chia tay, sẽ nhớ nhau suốt đời chăng? Và thế là George Evans đành nhắm mắt cạn ly nước mắm. Hữu Thỉnh rót tiếp một ly nước mắm đưa Nguyễn Quang Thiều. Thiều cầm ngay và nốc cạn. Nhưng ngay lập tức, Thiều chạy ra bồn, nôn ọe và kêu: “Mẹ kiếp! Nước mắm”. Lúc đó, cả Hữu Thỉnh và mọi người quanh bàn mới nhận ra rằng, Hữu Thỉnh đã rót nhầm nước mắm vào ly vì tưởng đó là rượu mạnh. Ai nấy đều bật cười. Nhưng đó là kỷ niệm quá mạnh mẽ. Nó như một huyền thoại và khó quên.

Lê Minh Khuê lúc đó ngỡ ngàng nhận ra “tính nghệ sĩ” đậm đặc nơi Hữu Thỉnh, không phải là từ những vần thơ của ông, mà bởi cái sự ngờ nghệch quá dễ thương này.

Sau đó, một bạn Mỹ đã “chơi” lại Hữu Thỉnh, bằng cách rót nửa cốc dầu ô liu, đưa Hữu Thỉnh bảo uống, đùa rằng, đây là truyền thống của người Mỹ, uống dầu ô liu trong bữa ăn chia tay.

Ly nước mắm và cốc dầu ô liu đã trở thành trải nghiệm mới giữa họ, các nhà văn hai nước Việt Nam và Mỹ, thay thế cho trải nghiệm đau đớn trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Và, họ chọn kỷ niệm sau để nhớ.

Kiều Khanh

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/ly-nuoc-mam-coc-dau-o-liu-561354.html