Lý lẽ riêng của… gió

Những tưởng điện gió là trụ cao khô cứng với cánh quạt quay lạnh lùng vô tri, vô giác, nhưng trò chuyện với 'người săn gió' - Chủ tịch HBRE, Hồ Tá Tín mới vỡ ra rằng, không phải gió 'âm thầm không nói'. Thậm chí gió có âm thanh, cảm nhận và lý lẽ riêng mà không phải ai cũng thấu cảm được.

Hấp lực từ thần Gió

Chủ tịch Tập đoàn HBRE, ông Hồ Tá Tín là một trong những người “phải lòng” với gió. Câu chuyện của người đi làm điện gió sau hơn 1 thập kỷ “luồn sâu” vào lĩnh vực này đã vẽ nên một bức tranh toàn cảnh về điện gió Việt Nam.

.

“Chặng đường 10 năm phát triển điện gió của Việt Nam đến nay là chậm, nếu không nói là quá chậm so với sự phát triển điện gió ở các quốc gia cùng khu vực và các nước phát triển”, ông Tín mở đầu câu chuyện về điện gió Việt Nam như vậy.

Lý giải về những chuyển động từ từ này, ông Hồ Tá Tín cho rằng, điện gió là cuộc chơi phiêu lưu, quý phái, bền bỉ, kiên trì và không dành cho những ai yếu bóng vía.

“Giá bán điện gió tại Việt Nam còn thấp, trong khi suất đầu tư vẫn quá cao, thêm vào đó đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn. Chưa kể, đây là lĩnh vực đầu tư hoàn toàn mới nên các ngân hàng cũng e dè trong việc cho vay vốn, vì mức độ rủi ro cao; lãi suất ngân hàng cao dẫn đến hiệu quả đầu tư không tốt nên các nhà đầu tư không mặn mà…”. Cái vòng tròn luẩn quẩn cũng đã khiến nhiều người phải lòng với gió, nhưng chỉ dám đứng nhìn.

Trong “cuộc chơi mạo hiểm này” phần thắng đã thuộc về những “chiến binh” gan dạ, kiên cường. Đó là những người đã dấn thân về phía trước để đón được những ngọn gió đầu tiên, để mày mò nghiên cứu bằng tất cả công nghệ và… cảm xúc.

Theo ông Tín, gió có lý lẽ riêng của gió, không giống nhau. Có nơi gió có vận tốc 6 mét/giây, nơi thì 7 mét/giây, rồi có nơi cao hơn là 8 - 11 mét/giây. Ẩn số này, không phải ai cũng giải mã, nắm bắt được và săn lùng được. Hãy cứ đi rồi sẽ đến. Ai có duyên thì sẽ gặp. Duyên ấy nối dài ra, rồi cuộn chặt với gió, đồng hành, cộng hưởng và tạo ra giá trị nhân văn từ gió.

.

Tuy nhiên, để điện gió là thành công không chỉ phụ thuộc vào… gió, mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như vị trí dự án (giao thông, đấu nối), thiết bị và cả công nghệ, tài chính, năng lực chuyên môn, quản lý vận hành. Vì vậy, đến nay, theo thống kê của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương), mới

có 7 dự án điện gió với tổng công suất 190 MW được đưa vào vận hành, trong khi đó nghiên cứu cho thấy, tiềm năng điện gió của nước ta lên tới 27.000 MW.

Để thúc đẩy điện gió “quay” nhanh hơn, bảo đảm cấp điện cho nhu cầu phát triển kinh tế đất nước, phần đóng góp của năng lượng tái tạo, trong đó có gió trong điều chỉnh Quy hoạch Phát triển Điện Quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cũng đã được nhích lên. Đặc biệt, với giá mua điện gió mới được ban hành là 8,5 UScent/kWh trên đất liền, thay cho mức 7,8 UScent/kWh trước đây, nhiều nhà đầu tư bắt đầu bị “gió cuốn” vào vòng xoay điện gió.

Người săn gió

Trong câu chuyện về bức tranh điện gió Việt Nam, ẩn hiện trong đó là dấu chân những ngày đầu HBRE Group bước vào lĩnh vực đầy mới mẻ, nhưng vô cùng thú vị này. Những tình tiết phiêu lưu mà “người săn gió” Hồ Tá Tín trải qua đưa người đối diện có lúc lạc vào vòng xoáy của gió; lại có lúc man mác như gió mùa hè, lúc lại quay cuồng trong những họng gió trên những ngọn núi cao…

Hình ảnh Hồ Tá Tín “một mình một ngựa” độc vó với chiếc xe bán tải, mũ tai bèo lãng tử rong ruổi khắp núi rừng Tây Nguyên để “săn” gió cho người ta liên tưởng đến những chàng cao bồi miền viễn Tây nước Mỹ lạnh lùng, mạnh mẽ và cuốn hút.

Đến với điện gió là đam mê, chấp nhận đương đầu với các thử thách. Tuy nhiên, ngoài đam mê và thử thách là sự tìm tòi, học hỏi bài bản và chuyên nghiệp, chấp nhận mất mát và cả hy sinh. Để đạt được điều đó, triết lý kinh doanh của HBRE hướng vào 3 yếu tố then chốt: bền vững, nhân văn và chia sẻ. Trong đó, do nhu cầu sử dụng năng lượng ngày càng tăng nên nhà đầu tư phải đảm bảo được tính bền vững trong chiến lược đầu tư. Đây cũng là lĩnh vực đầu tư “xanh”, khai thác nguồn năng lượng sạch, lĩnh vực đầu tư đặc thù nên HBRE xác định rõ ràng tính nhân văn, nhất là mang lại lợi ích và sức khỏe cho cộng đồng, cho xã hội; đồng thời chia sẻ lợi ích với cộng sự, nhân viên trong công ty và với các đối tác hợp tác đầu tư.
- Ông Hồ Tá Tín, Chủ tịch HĐQT Công ty HBRE

Khi nghe Hồ Tá Tín dẫn dắt về những ngã đường đi tìm gió trên Tây Nguyên, đâu đó như ngân lên lời bài hát “Chiếc vòng cầu hôn” của nhạc sỹ Trần Tiến. “Một sớm yên lành một người lính rời xa quê nhà…”. Chỉ khác là Hồ Tá Tín không đem theo “vòng tay cầu hôn”, mà đem theo khát khao chinh phục những ngọn gió hoang vô tận của Tây Nguyên để “thuần hóa” sản sinh ra nguồn năng lượng “tỏa sáng dịu dàng”.

6 tháng rong ruổi trên núi rừng Tây Nguyên rồi “kẻ khùng” ấy cũng tìm ra được luồng gió để đặt nền móng đầu tiên cho cuộc hành trình chinh phục gió đầy gian nan với Dự án Trang trại Phong điện Tây Nguyên. Đây là dự án điện gió đầu tiên được thi công về đích trong số 31 dự án điện gió đang hiện diện tại khu vực Tây Nguyên.

“Với vốn đầu tư khoảng 1.300 tỷ đồng, tổng công suất 28 MW, HBRE chọn Công ty cổ phần Giải pháp tòa nhà thông minh (IBS) là đối tác chiến lược đồng thời là tổng thầu EPC và Tập đoàn General Electric (GE) là đơn vị cung cấp thiết bị tua bin điện gió”, Chủ tịch HBRE Hồ Tá Tín chia sẻ thêm.

Lý giải chọn thiết bị và công nghệ của GE, Chủ tịch HBRE Hồ Tá Tín cho rằng, nếu ai từng biết đến chiếc quạt điện đầu tiên được sản xuất từ năm 1890 thì sẽ hiểu vì sao HBRE lựa chọn GE cho các dự án điện gió của mình. GE cũng chính là nhà sản xuất động cơ máy bay đầu tiên của nước Mỹ.

Từ quạt điện, GE phát triển lên tuabin điện gió. Tua bin gió mà GE cung cấp cho dự án Phong điện Tây Nguyên có sải cánh lớn nhất trong các dự án đã và đang xây dựng ở Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại sẽ đem lại hiệu suất vượt trội so với các dòng máy khác có cùng gam công suất.

“Họ bảo mình khùng, không bình thường vì gió thông thường ở biển, gần biển chứ trên núi không có gió. Mình cứ kệ, bỏ qua tất cả những nghi ngờ, dự án cứ thẳng tiến về đích. Ngày khởi công xây dựng, đại diện các bộ, ngành Trung ương, có cả sự góp mặt của Lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM đã củng cố niềm tin cho lãnh đạo địa phương, cho người dân và khẳng định thương hiệu HBRE”, ông Tín tâm sự.

Tiếp theo Đắc Lắc, dấu chân những chàng ngự lâm HBRE lại rong ruổi ngược lên ngọn núi Hoành Sơn (Hà Tĩnh); núi An Thọ (Phú Yên); Chư Prông hùng vỹ của đất đỏ Gia Lai để “săn” gió… Những bước chân không mệt mỏi ấy được đền đáp xứng đáng. Những dự án lần lượt được bổ sung quy hoạch, trao chứng nhận đầu tư, là những dự án điện gió đầu tiên ở các địa phương này.

Về tiến độ các dự án, Chủ tịch Hồ Tá Tín tự tin với lộ trình đã được HBRE định sẵn: dự án điện gió tại Gia Lai và Phú Yên dự kiến khởi công tháng 6/2019. Dự án Gia Lai 50 MW thời gian thi công dự kiến một năm, Phú Yên sẽ mất 2-3 năm để hoàn thành do tốc độ gió khá cao phải dùng tuabin lớn hơn (từ 3,5 MW đến 4,5 MW)…

Nhớ lại chặng đường “quay” cùng điện gió, ông Hồ Tá Tín vẫn không nghĩ HBRE lại có duyên và “say” cùng giấc mơ điện gió. Năm 2012, Tập đoàn HBRE bắt đầu làm điện gió, vừa làm vừa học, vừa nghiên cứu, dò đường đến thời điểm chín muồi mới bắt đầu bung ra và nay thì bắt đầu thu lại những quả ngọt.

Những đam mê ấy trong một giai đoạn ngắn đã cùng Hồ Tá Tín và HBRE đeo đuổi trên những công trình điện gió có tổng công suất 500 MW ở những nơi hẻo lánh, xa xôi của đất nước, đưa bức tranh điện gió của Việt Nam thực sự sinh động với chu kỳ đầu tư mới đang hình thành. Đồng thời, đem lại niềm tin cho các nhà đầu tư đã và đang bắt đầu bước chân vào vòng xoay điện gió.

Từ điện gió, Hồ Tá Tín cùng các cộng sự tại HBRE đang ấp ủ cho mình những dự định lớn hơn ở một ngành năng lượng tái tạo với một giai đoạn bùng nổ đầu tư mới trong tương lai đang được HBRE đặt mốc thời gian là năm 2022.

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/ly-le-rieng-cua-gio-d93335.html