Ly hôn vì 'dốt' hơn chồng

Với chị, nguyên nhân chính khiến hai người dứt bỏ cuộc sống hôn nhân đơn giản chỉ vì anh có bằng thạc sỹ, còn chị - 'chỉ vỏn vẹn' cái bằng trung cấp. Anh chưa bao giờ xem vợ cùng 'đẳng cấp' với mình.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Vừa qua, TAND cấp cao tại Hà Nội đã xét xử công khai vụ án hôn nhân và gia đình về việc xin ly hôn của anh H và chị N. Sau khi nghe chị N trình bày, anh H giải thích rằng, anh chỉ muốn vợ chồng cùng ra nước ngoài để “chung lưng đấu cật” phát triển kinh tế, vợ chồng được ở gần nhau, tình cảm từ đó mà ấm nóng dần. “Nhưng cô ấy không tin chính chồng mình, lại mang sự hoài nghi ấy đi hỏi han khắp người này người nọ. Làm gì có ai khuyên nên đi khi điều kiện kinh tế của chúng tôi khi đó vẫn chưa tới nỗi nào. Bỗng dưng cô ấy quyết không đi nữa, tôi rất sốc”.

Chị N kể khi con gái đầu lòng mới được hơn 7 tháng, chị N ôm con bỏ về nhà bố mẹ đẻ, sau một thời gian hôn nhân “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”. Chị bảo, chồng chị - anh H thường xuyên đánh đập và nhiếc móc chị. Dù gia đình hai bên cố gắng khuyên nhủ, chị vẫn bỏ đi. 6 tháng đầu khi chị về ngoại, anh H vẫn sang thăm vợ con. Rồi anh đặt vấn đề với chị, muốn hai vợ chồng ra nước ngoài cùng làm ăn, phát triển kinh tế. Chị đồng ý và gấp rút làm hồ sơ. Vợ chồng quay về ở với nhau. “Nhưng hồi đó tôi cũng đi nghe ngóng, hỏi han ý kiến mấy người xem có nên đi ra nước ngoài làm ăn hay không, thì họ bảo đừng đi. Vậy là tôi không đi nữa. Chồng tôi tức giận, cho rằng vợ đã có tình nhân. Anh ép tôi phải đi, nếu không sẽ ly hôn. Tôi vẫn không đi, vậy là anh đi một mình, theo diện cơ quan cử đi học. Anh đi 3 năm rồi về, nhưng cũng từ ngày anh đi nước ngoài, chúng tôi chỉ còn là vợ chồng trên danh nghĩa”. Hôn nhân không hạnh phúc, chị N gửi đơn ly hôn ra Tòa.

Tại phiên tòa sơ thẩm trước đó, anh H trình bày suốt 3 năm anh đi nước ngoài, chị N lại đưa con về nhà bố mẹ đẻ ở mà không có sự đồng ý của anh. Về nước, anh cảm giác tình cảm của vợ đối với mình đã rạn nứt. “Linh tính nói cho tôi biết cô ấy đã có người khác. Nhưng tôi không hề muốn ly hôn, thưa Quý tòa, vì tôi không muốn con mình phải khổ”, anh H nói.

Nhưng chị N vẫn đòi ly hôn tới cùng. HĐXX quyết định cho hai người ly hôn, chị N được quyền nuôi con. Anh H đã kháng cáo và cho rằng, “cô ta khó có thể giáo dục con gái tôi trở thành người tốt”.

Dường như khi nhắc tới con gái, anh H xúc động hơn bình thường và quyết tâm dành quyền nuôi con bằng được. Anh trình bày, sự lo lắng về đạo đức của chị N qua những gì chị hành xử lâu nay. “Bản thân cô ta không đủ thời gian chăm sóc con, trong khi tôi hoàn toàn có đủ thời gian, sức khỏe, điều kiện vật chất để trực tiếp nuôi dưỡng. Căn nhà mà cô ta và bố mẹ đang ở chỉ là nhà thuê, còn tôi có tới 2 căn nhà. Điều quan trọng, tôi có trình độ thạc sỹ, tốt nghiệp ở nước ngoài – học vấn này thuận lợi trong việc nuôi dạy con hơn nhiều so với bằng Trung cấp của cô ta! Trong thời gian tôi đi nước ngoài, cô ta đã có bạn trai, điều này không những làm xa cách tình cảm của bố con tôi mà còn tiềm ẩn nguy cơ con gái tôi có thể bị xâm hại”.

Chị N mất bình tĩnh sau lời trình bày của chồng. “Tôi khẳng định mình không có người khác. Con gái đang sống cùng tôi đầy đủ, thoải mái, được nuôi dạy tử tế chứ không hề như lời anh nói”.

Một vài phút nghỉ giữa phiên tòa, chị N tâm sự: “Thời gian đầu chúng tôi sống với nhau rất hạnh phúc, tôi đã tự mãn cho rằng mình đã chọn đúng. Nhưng khi đứa con ra đời, công việc mỗi ngày bề bộn hơn, vừa phải lo cơm nước cho chồng, vừa phải lo con nhỏ, tôi hầu như không còn thời gian để chăm chút cho bản thân, trau dồi thêm chuyên môn. Tôi cần sự giúp đỡ thì anh ta bảo chuyện lo chồng con là của phụ nữ, nếu kham không nổi thì nghỉ làm, ở nhà. Vậy là, tôi phải ngậm bồ hòn làm ngọt để có thể tiếp tục đi làm. Càng ngày tôi nhận ra khoảng cách của mình và chồng quá xa. Chúng tôi không hợp nhau trong mọi vấn đề của cuộc sống. Dù chỉ dừng lại ở tấm bằng trung cấp, nhưng hiện nay mức lương của tôi là 13 triệu đồng/ tháng, sao có thể nói là không đủ khả năng nuôi con?”.

Tòa xét thấy con gái anh H, chị N còn nhỏ, rất cần sự trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục của người mẹ nên việc giao con chung cho chị N nuôi là phù hợp, đảm bảo lợi ích tốt nhất và tránh xáo trộn sinh hoạt của cháu. Họ đường ai nấy đi, anh H vẫn không tin tưởng vợ cũ, hoài nghi về tương lai tốt đẹp của con gái mình với lý do vợ không có trình độ thạc sĩ như mình nên không thể nuôi dạy con tốt.

Theo Mai Chi/Báo phụ nữ thủ đô

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/khoe-dep/ly-hon-vi-dot-hon-chong-1354390.html