Ly hôn văn minh, hạn chế tổn thương cho con trẻ

Cha mẹ ly hôn, người chịu nhiều thiệt thòi luôn là những đứa con. Khi hôn nhân không thể cứu vãn, người vợ và người chồng nên có suy nghĩ, cách hành xử văn minh để hạn chế tổn thương cho con trẻ.

Sau thời gian tìm hiểu, năm 2015, chị N.T.D, ngụ ấp Minh Thành A, xã Minh Thuận, huyện U Minh Thượng (Kiên Giang) và anh P.V.N, ngụ ấp Vĩnh Tây 1, xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) tiến đến hôn nhân, đăng ký kết hôn.

Chị D mở tiệm làm đẹp chuyên phun, xăm thẩm mỹ, còn anh N không có việc làm. Sau 1 năm, chị D sinh con trai, năm 2021 sinh thêm con gái. Bé trai bắt đầu đi học, bé gái còn nhỏ nên chị D vừa quán xuyến việc ở tiệm vừa chăm sóc con, anh N thường xuyên đi nhậu, không chăm sóc con, có tham gia tệ nạn xã hội như đánh bài, đá gà…

Vì thương con, chị D nhẫn nhịn để chung sống, nhưng anh N vẫn không chịu sửa đổi, mặc dù đã được cha mẹ hai bên tổ chức hòa giải để hàn gắn nhưng vẫn không có kết quả, mâu thuẫn giữa vợ chồng ngày càng nhiều, không thể khắc phục được.

Cuối năm 2022, chị D quyết định ly thân với anh N một thời gian. Khoảng 3 tháng sau, anh N nhờ cha mẹ hai bên hòa giải giúp anh được đoàn tụ với vợ và hứa không cờ bạc, chí thú làm ăn, nhưng không có kết quả. Sau đó, chị D nộp đơn xin ly hôn vì cho rằng không thể sống cùng anh N được nữa, chị muốn trực tiếp nuôi dưỡng, giáo dục hai con chung và không yêu cầu anh N cấp dưỡng.

Cha mẹ ly hôn, người chịu thiệt thòi luôn là những đứa con. Ảnh minh họa: MP

Tại phiên tòa sơ thẩm do Tòa án nhân dân huyện Vĩnh Thuận tổ chức, chị D vẫn cương quyết ly hôn, tòa án kiên trì hòa giải nhưng vẫn không thành. Chị D cho rằng bản thân không còn tình cảm và mất niềm tin vào anh N, giữa chị và anh N không có tài sản chung và nợ chung, việc mở cửa tiệm phun, xăm thẩm mỹ là do chị tự bỏ vốn và được sự hỗ trợ từ cha mẹ ruột. Mỗi tháng chị có thu nhập ổn định từ 20-30 triệu đồng và được cha, mẹ ruột hỗ trợ chăm sóc hai con nên chị đủ điều kiện để nuôi con, không yêu cầu anh N cấp dưỡng.

Anh N tuy không đồng ý ly hôn với chị D nhưng vẫn xác định và thừa nhận mâu thuẫn vợ chồng phát sinh và thời gian ly thân nhau đúng như chị D trình bày. Anh N không đồng ý ly hôn vì còn thương chị D, nếu như có ly hôn anh N yêu cầu chị D giao con trai cho anh trực tiếp nuôi thì sẽ đồng ý ly hôn theo yêu cầu của chị D nêu ra.

Sau khi xem xét đầy đủ tình tiết vụ án, từ những phân tích, đánh giá trên cho thấy, mâu thuẫn vợ chồng giữa chị D và anh N không khả năng đoàn tụ, tình trạng hôn nhân trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được nên tòa tuyên chấp nhận yêu cầu xin ly hôn của chị D, cho chị ly hôn với anh N.

Căn cứ khoản 2, Điều 81, khoản 3, Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, có xem xét quyền lợi mọi mặt của hai trẻ, căn cứ vào điều kiện của chị D có việc làm, thu nhập và có cửa tiệm ổn định, có nhiều thời gian chăm sóc con, đảm bảo hai con được học hành, vui chơi và phát triển bình thường về tinh thần; trường hợp của anh N chưa làm tròn trách nhiệm của một người cha, người chồng, không có nghề ổn định, không có thu nhập, tham gia vào tệ nạn xã hội vì vậy hội đồng xét xử tuyên giao hai con chung cho chị D trực tiếp nuôi dưỡng, giáo dục, không yêu cầu anh N cấp dưỡng nuôi con.

Kết thúc phiên tòa, anh N ôm con trai trong sự buồn bã, tuyệt vọng khi không thể hàn gắn được tình cảm giữa anh và chị D, nuối tiếc khi phải xa con. Anh lặng lẽ bước ra khỏi phòng xử án, con trai vội chạy theo ôm và níu giữ anh khóc òa. Nhìn hình ảnh ấy, ai cũng nghẹn lòng.

ÚT CHUYỀN

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//doi-song/ly-hon-van-minh-han-che-ton-thuong-cho-con-tre-13720.html