Ly hôn đại gia, vợ 'trắng tay'vì nội trợ?

Mạng xã hội mới đây lan truyền clip một nữ diễn viên than khóc cô bị tòa án xử 'trắng tay' sau khi ly hôn chồng đại gia, do từ lúc cưới nhau cô bỏ nghề diễn, chỉ ở nhà nội trợ và sinh con, không làm ra tiền góp vào tài sản chung vợ chồng. Câu chuyện thoạt nghe thật thương cảm nhưng nếu soi rọi dưới ánh sáng luật pháp, có nhiều điều phải hoài nghi nước mắt.

Chế định tài sản vợ chồng thông thường bao gồm tài sản riêng và tài sản chung. Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 (HNGĐ) quy định tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định của Luật HNGĐ; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng. Ngoài ra, tài sản hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định của Luật HNGĐ.

Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp liên quan đến chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân (khi đó phần tài sản được chia, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của mỗi bên sau khi chia tài sản chung sẽ là tài sản riêng của vợ, chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác - phần tài sản còn lại không chia vẫn là tài sản chung của vợ chồng); tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng. Đối với tài sản chung vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất (là sở hữu chung mà trong đó, phần quyền sở hữu của mỗi chủ sở hữu chung không được xác định đối với tài sản chung), được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng, trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.

Điều 29 Luật HNGĐ quy định vợ, chồng bình đẳng về quyền, nghĩa vụ trong tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập. Điều này có nghĩa, mặc dù người vợ chỉ ở nhà lo công việc nội trợ thì cũng được xác định đó là lao động có đóng góp vào tài sản chung và họ có quyền bình đẳng trong việc sở hữu tài sản chung của vợ chồng.

Vợ chồng khi ly hôn có quyền tự thỏa thuận về toàn bộ các vấn đề, trong đó có phân chia tài sản. Trường hợp không thỏa thuận được mà có yêu cầu thì tòa án xem xét áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định. Điều 59 Luật HNGĐ và các văn bản hướng dẫn thi hành, quy định: tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau để xác định tỷ lệ tài sản vợ chồng được nhận: hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng; công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung, lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập; bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập; lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng. Khi chia tài sản, phải bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình…

Đối với tài sản riêng của vợ, chồng thì sẽ thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định. Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đã đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác...

Với luật pháp hiện hành như vậy, thật khó tin có một bản án phân chia tài sản khi ly hôn theo luật định mà người vợ “trắng tay”!

ThS-LS. Trần Ngọc Mai

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/ly-hon-dai-gia-vo-trang-tayvi-noi-tro-15635.html