Lý giải việc dạy thí điểm tiếng Hàn, tiếng Đức

Bộ GD&ĐT chia sẻ lý do về việc thí điểm dạy tiếng Hàn, tiếng Đức; Khởi tố nguyên Phó Chánh Văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh; Đặc phái viên LHQ: 38 người chết trong các cuộc biểu tình ở Myanmar trong 1 ngày… là một số tin tức trong nước và thế giới đáng chú ý diễn ra trong ngày 4/3.

Bộ GD&ĐT chia sẻ lý do về việc thí điểm dạy tiếng Hàn, tiếng Đức

Ảnh minh họa. Nguồn: TL

Ảnh minh họa. Nguồn: TL

Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay: sau thời gian thí điểm dạy tiếng Hàn, tiếng Đức là ngoại ngữ 2 ở một số địa phương đạt hiệu quả, nhu cầu học tập của học sinh ngày càng nhiều hơn.

Ngày 09/02/2021, Bộ GD&ĐT ban hành Quyết định số 712/QĐ-BGDĐT về việc Ban hành Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) môn tiếng Hàn và tiếng Đức- Ngoại ngữ 1, hệ 10 năm thí điểm. Theo đó, môn tiếng Hàn, tiếng Đức sẽ được thí điểm là Ngoại ngữ 1 trong chương trình GDPT.

Việc dạy học các môn ngoại ngữ trong trường phổ thông đã được triển khai từ nhiều năm qua. Theo đó, ngoại ngữ 1 là môn học bắt buộc (gồm các môn tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Nga, sau đó bổ sung môn tiếng Nhật); ngoại ngữ 2 là môn học tự chọn (trong đó có tiếng Đức, tiếng Hàn).

Sau thời gian thí điểm dạy tiếng Hàn, tiếng Đức là ngoại ngữ 2 ở một số địa phương và đạt hiệu quả, nhu cầu học tập của học sinh ngày càng nhiều hơn. Các cơ sở giáo dục phổ thông và học sinh có nguyện vọng lựa chọn môn học này là ngoại ngữ 1, để phù hợp với nhu cầu học tập của học sinh.

Từ các nhu cầu thực tế nói trên, đồng thời để giảm áp lực cho học sinh khi lựa chọn tiếng Hàn, tiếng Đức là ngoại ngữ 2 vẫn phải học song song ngoại ngữ 1 khác, Bộ GD&ĐT quyết định thí điểm dạy tiếng Hàn, tiếng Đức là ngoại ngữ 1 để học sinh lựa chọn theo nhu cầu. Đây cũng là nội dung thỏa thuận khung giữa Việt Nam với Hàn Quốc, CHLB Đức về việc dạy tiếng Hàn, tiếng Đức ở trường phổ thông Việt Nam.

Việc thí điểm sẽ triển khai ở những nơi có nhu cầu và đảm bảo điều kiện thực hiện cả về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, tính liên thông giữa các cấp học, có đăng ký với Bộ GD&ĐT. Bộ GD&ĐT sẽ giám sát quá trình thực hiện này, để đảm bảo tính hiệu quả và quyền lợi cho người học.

Sau thời gian dạy thí điểm là ngoại ngữ 1, Bộ GDĐT sẽ đánh giá tính hiệu quả và khả thi, qua đó xem xét việc đưa hai môn học tiếng Hàn, tiếng Đức chính thức trở thành Ngoại ngữ 1 trong chương trình GDPT và thực hiện bình đẳng như các môn ngoại ngữ 1 khác.

Khởi tố nguyên Phó Chánh Văn phòng UBND TP.HCM

Bị can Lê Văn Thanh. (Ảnh: Bộ Công an)

Ngày 4/3, Bộ Công an cho biết, Văn phòng Cơ quan CSĐT đang điều tra vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và "Tham ô tài sản" xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn - TNHH Một thành viên (SAGRI).

Trong đó, 2 bị can: Lê Văn Thanh (sinh năm 1962, nguyên Phó Chánh Văn phòng UBND Thành phố Hồ Chí Minh) và Nguyễn Thanh Chương (sinh năm 1974, nguyên Trưởng Phòng Đô thị, Văn phòng UBND Thành phố Hồ Chí Minh) bị khởi tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo quy định tại Điều 219 – Bộ luật Hình sự năm 2015.

Bị can Nguyễn Thị Thanh An (sinh năm 1967, nguyên kiểm soát viên Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn) bị khởi tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 360 – Bộ luật Hình sự năm 2015.

Các quyết định khởi tố bị can này đã được Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao (Vụ 5) phê chuẩn theo thẩm quyền.

Theo xác minh ban đầu, hai bị can: Lê Văn Thanh và Nguyễn Thanh Chương đã tham mưu đề xuất không đúng quy định dẫn đến việc UBND Thành phố Hồ Chí Minh ban hành quyết định cho phép chuyển nhượng dự án Phước Long B (quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh) giữa Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn và Tổng Công ty cổ phần Phong Phú trái quy định, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền gần 700 tỷ đồng.

Bị can Nguyễn Thị Thanh An là kiểm soát viên, không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ theo quy định, dẫn đến việc các bị can chuyển nhượng dự án trên trái pháp luật, gây thiệt hại cho Nhà nước.

Vụ án về sai phạm xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn được Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an khởi tố ngày 5/7/2019. Trước đó, đã có 13 bị can bị khởi tố trong vụ án này về các tội: “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, “Tham ô tài sản”. Cùng với 3 bị can vừa bị khởi tố, đến nay, tổng số đã có 16 bị can bị khởi tố trong vụ án này.

Đặc phái viên LHQ: 38 người chết trong các cuộc biểu tình ở Myanmar trong 1 ngày

Biểu tình ở Myanmar hôm 3/3. Ảnh: AP.

Hãng tin Reuters sáng 4/3 dẫn nguồn tin là Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Myanmar, Christine Schraner Burgener, cho hay 38 người đã chết trong các cuộc biểu tình ở quốc gia này vào hôm 3/3.

Trả lời báo giới tại New York, Đặc phái viên Burgener cũng thông báo về cuộc điện đàm với Phó Tham mưu trưởng quân đội Myanmar - Tướng Soe Win, trong đó đề cập tới tình hình tại quốc gia Đông Nam Á này trong thời gian qua, cũng như quan điểm của Liên hợp quốc về vấn đề này.

Cùng ngày, các nhà ngoại giao cho biết Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ họp kín trong ngày 5/3 về tình hình tại Myanmar.

Trước đó, trong loạt biểu tình trên khắp Myanmar vào hôm 28/2, ít nhất 18 người biểu tình Myanmar đã thiệt mạng sau khi đụng độ với lực lượng an ninh.

Các cuộc biểu tình như thế này bắt đầu nổ ra sau khi quân đội Myanmar tiến hành đảo chính lật đổ chính quyền dân sự và trực tiếp chấp chính vào đầu tháng 2.

PC (tổng hợp)

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/nong-trong-ngay/ly-giai-viec-day-thi-diem-tieng-han-tieng-duc-575796.html