Lý giải nguyên nhân doanh nghiệp ĐBSCL khó gọi vốn

Việc bán cổ phần, gọi vốn từ thị trường vốn của nhiều doanh nghiệp khu vực ĐBSCL đang gặp khó.

Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ.

Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ.

Đó là vấn đề băn khoăn được nhiều doanh nghiệp tham dự buổi tọa đàm (Business Talks) do VCCI Cần Thơ tổ chức.

Theo ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ: “Trong tiến trình phát triển và hội nhập, doanh nghiệp nào cũng khát vọng lớn mạnh. Nhưng sự lớn mạnh nhanh chóng mà trình độ quản trị không theo kịp thì dễ dẫn đến nguy cơ đổ vỡ. Do đó, nâng cao năng lực tài chính, quản trị cho doanh nghiệp là vấn đề cấp bách đặt ra. Tuy đa phần doanh nghiệp tại ĐBSCL có quy mô nhỏ nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều doanh nghiệp rất tiềm năng, nếu được đánh bóng tốt thì sẽ rạng rỡ, hấp dẫn hơn”.

Chuyên gia Tài chính, Chứng khoán Huy Nam.

"Bắt bệnh" cho tình trạng doanh nghiệp khó gọi vốn, Chuyên gia kinh tế Tài chính, Chứng khoán Huy Nam, cho rằng: nhà đầu tư ngại rót vốn vào công ty gia đình, trong khi đa phần doanh nghiệp tại ĐBSCL là công ty gia đình. Để tháo gỡ nút thắc này theo ông Nam các công ty gia đình mà muốn gọi vốn, cổ phần hóa thì việc làm đầu tiên là phải tái cấu trúc và minh bạch thông tin để nhà đầu tư thấy được tiềm năng thì họ mới rót vốn vào.

Chúng ta chỉ có hơn 700.000 doanh nghiệp nhưng có đến hơn 2 triệu nhà đầu tư trên thị trường vốn, do đó đó doanh nghiệp không lo thiếu vốn mà vấn đề là làm sao để huy động được vốn”, ông Nam khẳng định.

ông Dominic Scriven - Chủ tịch Quỹ đầu tư Dragon Capital.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Dominic Scriven - Người sáng lập kiêm Chủ tịch Quỹ đầu tư Dragon Capital đánh giá: thị trường vốn tại Việt Nam trong 5 năm gần đây đã có sự bùng nỗ. Nếu như tổng quy mô nguồn vốn hệ thống ngân hàng khoản 350 tỷ USD thì tổng thị trường vốn cổ phiếu, trái phiếu, quỹ đầu tư lên đến trên 200 tỷ USD. Doanh nghiệp muốn vay vốn ngân hàng thì phải lệ thuộc vào khả năng tài sản nhưng nếu huy động qua các kênh tài chính khác như thị trường chứng khoán thì chủ yếu dựa vào triển vọng phát triển trong tương lai, điều này rất có ý nghĩa đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tuy nhiên, ông Dominic Scriven cũng cảnh báo, trong tương lai đối với doanh nghiệp Việt Nam có thể phải trả chi phí cao cho nguồn vốn huy động từ các quỹ đầu tư nước ngoài, vì các quỹ đầu tư vào Việt Nam luôn trích lập dự phòng ở mức cao, trong khi quỹ đầu tư trong nước chưa phát triển. Lưu ý thứ hai là nguồn nhân lực quản trị tài chính doanh nghiệp tại Việt Nam vừa yếu, vừa thiếu, điều này sẽ bất lợi cho doanh nghiệp Việt trong sân chơi hội nhập.

Huỳnh Khởi

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/ly-giai-nguyen-nhan-doanh-nghiep-dbscl-kho-goi-von-151717.html