Lý giải cực thú vị của người Trung Quốc về đêm giao thừa: Hóa ra năm mới bắt nguồn từ một con quái thú!

Trong văn hóa dân gian Trung Quốc, đêm giao thừa có liên quan đến một con quái thú xấu xa, dữ tợn tên là 'Tịch'.

Tết Nguyên Đán hay Tết âm lịch là một trong những ngày lễ vô cùng quan trọng trong tâm thức người Việt bốn phương. Đây là dịp để các gia đình sum họp, quây quần bên nhau, cùng hướng về tổ tiên, cội nguồn.

Từ những ngày trước Tết, người ta đã có nhiều hoạt động để đưa tiễn năm cũ như cúng Rằm tháng Chạp hay cúng ông Công ông Táo (23 tháng Chạp), trong đó cúng giao thừa hay lễ Trừ Tịch là một nghi thức quan trọng không thể thiếu.

Lễ trừ tịch được thực hiện vào ngày cuối cùng của năm, vào khung giờ Tý (từ 11 đến 2 giờ), thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Đây là thời điểm thiêng liêng của năm, vậy nên mâm cỗ cúng giao thừa thường được các gia đình chuẩn bị từ sớm, dành sự cẩn thận và công phu nhất định sao cho mâm cỗ đầy đủ và toàn vẹn nhất.

Lễ trừ tịch từ đâu mà có?

“Trừ Tịch” (除夕) là một từ xuất phát từ tiếng Hán. “Trừ” (除) trong tiếng Hán có nghĩa là “tiêu diệt, loại bỏ”, còn “Tịch” (夕) có nghĩa là “bóng tối, ban đêm”. Hai từ này vốn không có sự liên kết với nhau, “bóng tối” là thứ vô định, không phải vật thể, vậy nên không thể “diệt trừ” hay “loại bỏ”.

Vậy rốt cuộc, thứ mà người xưa muốn “trừ” vào đêm giao thừa là gì?

Trong văn hóa dân gian Trung Quốc, tương truyền từng có một con quái thú xấu xa, dữ tợn tên là “Tịch”. Vào mùa đông, tuyết rơi dày, quái thú thiếu thức ăn nên thường tìm đến các ngôi làng gần đó phá hoại. Cơ thể của Tịch rất lớn, lại thêm tính khí nóng nảy, hung dữ bất thường khiến cho dân làng vô cùng sợ hãi.

Quái vật hung dữ luôn là nỗi lo sợ của dân làng mỗi khi mùa đông tới. Ảnh minh họa: Baidu.

Quái vật hung dữ luôn là nỗi lo sợ của dân làng mỗi khi mùa đông tới. Ảnh minh họa: Baidu.

Hàng năm, cứ đến cuối tháng Chạp, người dân trong làng đều hối hả dọn dẹp quần áo chạy đến rừng tre gần làng để tránh Tịch. Mùa đông năm đó, trên đường di chuyển đến nơi ẩn trốn, dân làng đã gặp một đứa trẻ khoảng bảy, tám tuổi đang lang thang gần ngôi làng.

Những người dân tốt bụng đã đưa đứa trẻ theo để tránh sự truy đuổi của quái thú. Trong rừng tre vô cùng lạnh lẽo, lại thêm sự nghèo đói do Tịch phá hoại, dân làng phải chặt tre làm nhà, đốt lửa để sưởi ấm.

Đây là lần đầu tiên đứa bé được đưa đến rừng tre, cậu đã vô cùng thắc mắc rằng nơi đây không cách xa ngôi làng là bao, nếu trốn ở đây rất dễ bị quái vật tìm thấy. Trưởng làng liền giải thích, họ đã ở đây để tránh bị ăn thịt trong rất nhiều năm, nhiều lần quái thú đã đuổi theo tới tận rừng tre, tuy nhiên, khi thấy người dân chặt tre đốt lửa, nó lại vội vàng bỏ chạy.

Hàng năm, mỗi khi mùa đông tới, Tịch lại đến phá hoại làng xóm. Ảnh minh họa: Baidu.

Đứa trẻ thông minh lập tức nghĩ ra cách giúp đỡ người dân, nói rằng sáng mai tất cả đều có thể quay về làng, mỗi người mang theo vài đốt tre và treo một mảnh vải đỏ trước cửa nhà, Tịch nhất định sẽ không dám tìm tới phá.

Mặc dù mọi người nửa tin nửa ngờ trước phương pháp đơn giản này, tuy nhiên cuối cùng họ quyết định làm theo lời khuyên của đứa bé với hy vọng sẽ không phải tiếp tục chạy trốn mỗi năm.

Bóng tối dần bao phủ khắp không gian, dân làng sợ Tịch, không ai dám ngủ. Họ dán và treo đầy những tấm vải đỏ trước cửa nhà, sau đó cùng nhau tập trung ở bãi đất trống giữa làng, mang theo những đốt tre lấy từ rừng.

Họ đốt tre để chống chọi với cái lạnh, đói lại mang ra ăn. Đến nửa đêm, từ xa bỗng phát ra tiếng gầm lớn của Tịch khiến ai nấy đều run sợ. Đúng lúc này, đứa trẻ thông minh đột nhiên đứng dậy nói với mọi người rằng: “Cháu sẽ dẫn Tịch tới đây, mọi người hãy ném tất cả số tre chúng ta có vào đống lửa để nó cháy lớn hơn.”

Cậu bé dũng cảm nhanh chóng lao ra cổng làng, hét lớn: “ Năm nào cũng đến phá hoại, không cho dân làng yên ổn làm ăn, năm nay ta sẽ dạy cho ngươi một bài học.”Âm thanh đầy thách thức đã kích thích sự cuồng nộ bên trong quái thú. Tịch điên cuồng đuổi theo đứa bé, nhưng khi nhìn thấy những tấm vải đỏ treo đầy trong ngôi làng, nó bỗng trở nên sợ hãi không dám vào.

Cậu bé dũng cảm lao tới thách thức mãnh thú. Ảnh minh họa: Sohu.

Tuy nhiên, do không thể chịu được cơn đói dày vò, Tịch lao đến bãi đất trống giữa làng vì ngửi thấy hơi người ở đó. Lúc này đứa trẻ nói lớn: "Mọi người hãy mau ném tất cả đốt tre kia vào đống lửa !".

Trước sự to lớn và hung dữ của quái thú, tất cả đều run sợ đến bất động, không ai dám di chuyển. Không may thay, đứa bé chạy không kịp đã bị quái thú túm lấy chân sau đó quất mạnh xuống đất. Nhìn thấy cảnh tượng ấy, người dân không can tâm nhìn đứa bé bị giết nên đã nhanh chóng mang tất cả tre bỏ vào đống lửa.

Lửa bùng cháy lớn, đốt tre ẩm ướt bốc cháy phát ra những tiếng nổ lớn khiến quái thú vô cùng sợ hãi, ngay lập tức chạy trốn. Từ đó về sau, người ta không bao giờ thấy Tịch quay lại ngôi làng này nữa.

Để kỷ niệm chiến thắng này, mỗi khi tới thời điểm cuối năm, các hộ gia đình đều sử dụng nhiều đồ vật màu đỏ, đốt pháo hoa, trang hoàng ánh sáng mọi nơi. Vì vậy, “Lễ Trừ Tịch” (除夕)chính là buổi lễ ăn mừng của người dân sau khi xua đuổi được quái thú Tịch, cũng chính là xua đi những xui xẻo, vận hạn cũ để chào đón một khởi đầu mới tươi đẹp hơn.

Theo Mai Thủy/Báo Tổ quốc

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/ly-giai-cuc-thu-vi-cua-nguoi-trung-quoc-ve-dem-giao-thua-hoa-ra-nam-moi-bat-nguon-tu-mot-con-quai-thu/20210213091323978