Lý giải của chuyên gia phòng chống cháy nổ về nguy hiểm ẩn chứa từ những chiếc xe chở xăng

'Buổi trưa nắng nóng, nguy cơ cháy nổ cao nhưng xe tài xế xe chở xăng lại thích bơm xăng cho trạm xăng vào giờ này. Vì bơm xăng vào thời điểm này tài xế có thể 'ăn ra' được hàng chục lít xăng cũng không ai phát hiện. Đây là một trong những mối nguy hiểm ít biết về những chiếc xe chở xăng dầu', một chuyên gia về phòng chống cháy nổ tiết lộ.

Vụ việc xảy ra vào khoảng 4h30 sáng nay, sau khi xe bồn chở xăng do tài xế Thạch Văn Phong điều khiển húc xe ba gác chạy cùng chiều. Xe bồn lao lên lề đường rồi lật nhào, bốc cháy làm lửa lan vào 19 căn nhà trên quốc lộ 13 (đoạn qua xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành, Bình Phước). Lực lượng chức năng khám nghiệm hiện trường, mặt đường quốc lộ còn nồng nặc mùi xăng

Chiếc dây quệt đất và an toàn của xe chở xăng

Sau vụ xe chở xăng gây tai nạn thảm khốc ở Bình Phước, trao đổi với phóng viên Báo Tuổi trẻ Thủ đô, nhiều chuyên gia về phòng chống cháy nổ cho rằng từ vụ việc thương tâm này các cơ quan chuyên môn và cả những công ty cung cấp xăng dầu nên siết chặt lại quy trình cung cấp xăng cho các trạm xăng, đặc biệt là siết chặt công tác đăng kiểm xe và quản lý chặt đội ngũ tài xế lái xe chở xăng dầu. “Hiện nay, có rất nhiều lỗ hổng trong việc vận chuyển, cung cấp xăng dầu chưa được cảnh báo đúng mức nên tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm khôn lường”, một chuyên gia về phòng cháy chữa cháy bày tỏ.

Vị chuyên gia nói trên phân tích: “Vụ tai nạn ở Bình Phước, bước đầu cho thấy tài xế đã chạy quá tốc độ cho phép và không làm chủ được tay lái. Lỗi của tài xế đã rõ. Tuy nhiên, từ hiện trường vụ việc cho thấy sau vụ tai nạn, lượng xăng từ bồn chảy ra ngoài rất nhanh, đây là nguyên nhân chính gây ra hỏa hoạn cướp đi tính mạng của 6 người dân. Với suy luận bình thường, khi xe lật thì việc xăng chảy ra ngoài là hiển nhiên. Song với chúng tôi, những người từng làm công tác kiểm định bồn chở xăng thì việc này chưa hẳn là bình thường vì xăng là vật nguy hiểm có nguy cơ gây cháy nổ cao nên khi thiết kế - sản xuất bồn đã tính đến việc đảm bảo an toàn cả những tình huống va chạm, tai nạn…”.

Theo vị chuyên gia nói trên, xe chở xăng có hai bộ phận quan trọng cần phải được kiểm định chặt chẽ, đó là xe và bồn. Ông giải thích: “Xe chở xăng không phải như xe tải bình thường mà phải được trang bị những thiết bị kỹ thuật đảm bảo an toàn. Dễ nhìn thấy nhất đó là trên xe phải có dây tiếp địa (còn gọi là tiếp đất). Khi xe chạy trên đường, dây này sẽ quẹt xuống mặt đường nhằm mục đích cân bằng điện âm với điện dương. Nhiều người không hiểu, nghĩ rằng dây xích trên xe chở xăng quệt xuống đất có nguy cơ phát ra tia lửa gây cháy xe nhưng thực chất đây chính là sợi dây đảm bảo an toàn, khống chế việc phát điện gây nguy hiểm cho bồn xăng”.

Sau vụ tai nạn ở Bình Phước, trao đổi với phóng viên báo đài ở TP.HCM về những điều kiện đảm bảo an toàn đối với xe chở xăng, đại tá Huỳnh Ngọc Quan, Phó Trưởng phòng cảnh sát phòng cháy chữa cháy cứu nạn cứu hộ TP.HCM – người có nhiều kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực này cũng khẳng định, để đảm bảo an toàn cho hoạt động cung cấp xăng dầu, trước hết phương tiện vận chuyển xăng dầu phải đảm bảo các điều kiện về kỹ thuật. “Xe chở xăng phải có dây tiếp địa, phải có bộ phận bọc bình ắc quy không để rò rỉ điện, phải có bộ phận cách ly ống xả… Ngoài ra, xe chở xăng phải được cơ quan phòng cháy chữa cháy cấp thẩm quyền cấp phép vận chuyển hàng nguy hiểm cháy nổ. Khi hoạt động, xe chở xăng phải tuân thủ nhiều quy định nghiêm ngặt khác như không được lưu thông trong giờ cao điểm, không được xuất nhập nhiên liệu khi mưa gió sấm chớp...”, đại tá Quan giải thích thêm.

Một kỹ sư từng có nhiều năm công tác trong lĩnh vực đăng kiểm xe bồn chở xăng cho biết thêm, theo quy định bồn chở xăng được làm bằng vật liệu chắc chắn và phải có hai lớp. Do đó, khi xảy ra va chạm hay tai nạn thì cũng khó có thể thủng bồn được. “Vì thế, khi xảy ra tai nạn, va chạm mà xăng trong bồn chảy ra ngoài dễ dàng thì cần phải kiểm định lại chất lượng của bồn chứa xăng. Riêng vụ tai nạn ở Bình Phước chắc chắn cơ quan điều tra cũng sẽ điều tra, giám định về quy chuẩn kỹ thuật của bồn xăng. Việc này nhằm xác định cụ thể các nguyên nhân dẫn đến vụ hỏa hoạn để xử lý. Mặt khác, nếu có liên quan đến vấn đề kỹ thuật của xe hay bồn chở xăng thì vấn đề này sẽ được cảnh báo để ngăn chặn những trường hợp tương tự”, vị kỹ sư bày tỏ thêm.

Một loạt dãy nhà liền kề bên Quốc lộ 13 bị cháy rụi sau vụ tai nạn, cơ quan chức năng khám nghiệm hiện trường.

Mối lo từ những tài xế “khôn vặt”

Nhiều chuyên gia cùng nhận định rằng những yếu tố kỹ thuật đối với xe chở xăng dầu dù rất quan trọng nhưng quan trọng nhất vẫn là con người – là tài xế chở xăng dầu. “Qua vụ tai nạn thảm khốc ở Bình Phước, cần phải cánh báo những tài xế chở xăng dầu, đừng vì khôn vặt, ăn bớt xăng kiếm tiền mà để xảy ra những nguy hiểm khôn lường”, một chuyên gia cảnh báo. Ông giải thích rằng, trên thực tế có không ít tài xế tìm cách rút bớt xăng khi vận chuyển nên có thể gây ra tình trạng rò rỉ ở các van đóng mở dưới bồn xăng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.

Một chuyên gia từng có nhiều năm công tác ở lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy TP.HCM tiết lộ thêm về mối nguy hiểm từ tài xế: “Buổi trưa nắng nóng, nguy cơ cháy nổ cao nhưng xe tài xế xe chở xăng lại thích bơm xăng cho trạm vào giờ này. Vì bơm xăng vào thời điểm này tài xế có thể “ăn ra” được hàng chục lít xăng. Đây là một trong những mối nguy hiểm ít biết và chưa được cảnh báo về những chiếc xe chở xăng dầu, nhất là xe chở xăng dầu ở những thành phố đông dân cư”. Theo giải thích của vị chuyên gia này, do biết xăng có tính giãn nở nên tài xế thường chọn thời điểm buổi trưa để bơm xăng cho các cây xăng. Theo tỉ lệ hao hụt cho phép là 5% với một bồn xăng khoảng gần 20.000 lít thì tài xế có thể ăn bớt khoảng 100 lít xăng mà không bị phát hiện.

Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện nay tại các tuyến đường lớn ở cửa ngõ TP.HCM có rất nhiều xe chở xăng lưu thông trên đường và cung cấp cho cây xăng. Chị L. - quản lý cho một cây xăng tư nhân ở Quốc lộ 1A, thuộc địa bàn quận 12, TP.HCM cho biết, cây xăng này thường xuyên bơm nhiên liệu vào buổi trưa, trung bình 3 ngày một chuyến. “Tôi cũng có nghe nói tới chuyện tài xế cố tình đổ vào buổi trưa để ăn gian xăng nhưng đây là chuyện của họ mình không can thiệp được. Còn về vấn đề an toàn, mình cũng có biết là buổi trưa trời nắng nên rủi ro cháy nổ cao hơn nhưng không có quy định nào bắt buộc không được bơm xăng vào giờ này nên mình đâu thể yêu cầu họ đừng bơm được”, chị L. trân trần.

Nhiều chuyên gia cho rằng, do các đô thị lớn như TP.HCM có nhiều xe máy nên hệ thống trạm xăng cũng dày đặc khắp đường phố, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm khôn lường. “Xe chở xăng chạy trên đường đông người nếu xảy ra tai nạn thì hậu quả sẽ rất lớn. Cây xăng ở khu dân cư cũng vậy, cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro chết người. Ở các nước phát triển, cây xăng nằm ngoài khu dân cư và nhận xăng chỉ thực hiện vào ban đêm. Ở các thành phố lớn của nước ta nếu chưa thể dời cây xăng ra khỏi nội thành thì cũng nên hạn chế xe chở xăng bơm xăng cho trạm xăng vào ban ngày, nhất là vào buổi trưa”, một chuyên gia nói.

Trao đổi với chúng tôi về cảnh báo trên, một lãnh đạo Phòng cảnh sát phòng cháy chữa cháy TP.HCM từ chối đưa ra quan điểm, nhận định riêng. Theo vị lãnh đạo này, hiện tại không có quy định cấm bơm xăng vào ban ngày nên không thể yêu cầu các đơn vị kinh doanh xăng dầu thực hiện. “Hiện nay TP.HCM đã có quy định cấm xe chở xăng lưu thông trong khu vực nội thành vào giờ cao điểm để hạn chế nguy cơ cháy nổ”, vị này giải thích.

Cảnh báo cây xăng “vừa bơm vừa bán”

Một cán bộ thuộc lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy cứu nạn cứu hộ ở TP.HCM cho biết, hiện nay toàn TP.HCM có hơn 1.200 cây xăng nên tiềm ẩn nhiều rủi ro về cháy nổ, nhất là khi các đơn vị kinh doanh xăng dầu không tuân thủ các điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy. Vị cán bộ nói: “Theo quy định, trong lúc xe bồn bơm xăng cho trạm xăng thì trạm xăng phải rào chắn lại dừng hoạt động bán xăng cho khách. Song trên thực tế, vẫn còn không ít trường hợp trạm xăng vẫn bán xăng cho khách trong lúc xe đang nạp nguyên liệu, dù ở địa bàn TP.HCM đã từng xảy ra vụ cháy cây xăng khi vừa nạp nguyên liệu vừa bán xăng. Trong khi đó, người đổ xăng cũng còn chủ quan như không tắt máy xe khi đổ xăng hay vẫn gọi điện thoại ở cây xăng…”.

AN NHIÊN – YÊN HÒA

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/ly-giai-cua-chuyen-gia-phong-chong-chay-no-ve-nguy-hiem-an-chua-tu-nhung-chiec-xe-cho-xang-d2058908.html