Lý giải cơn tức khi đói bằng khoa học

Đói bụng khiến nhiều người trở nên cáu kỉnh, bực bội, thậm chí mất kiên nhẫn. Các nhà khoa học khẳng định cảm giác này hết sức bình thường.

Não và dạ dày của mỗi người luôn làm việc song song để thông báo việc khi nào chúng ta đói hoặc no. Khi bạn ăn một đĩa mì ống, các dây thần kinh trong đường tiêu hóa sẽ gửi tín hiệu đến vùng dưới trong não để nó biết rằng bạn đã no. (Nếu bạn xử lý toàn bộ đĩa mỳ trong vài phút, bạn vẫn có thể cảm thấy đói vì các tín hiệu cần thời gian để có thể truyền tín hiệu đến não. Đây là lý do tại sao ăn chậm có thể giúp bạn cảm thấy no nhanh hơn).

Glucose là một loại đường mà chúng ta có thể nhận được từ việc ăn carbohydrate. Đây là nhiên liệu duy nhất não có thể sử dụng để làm việc. Hơn nữa, các tế bào thần kinh trong não không thể dự trữ glucose, vì vậy chúng ta cần cung cấp một lượng nhất định. Thông thường, có đủ glucose trong máu sẽ giúp não hoạt động bình thường. Khi bị đói, nồng độ glucose giảm mạnh.

Khi lượng đường trong máu giảm, não bắt đầu đói và khiến cơ thể giải phóng hormone. Điều này làm cho chúng ta khó tập trung và suy nghĩ hơn. Nó cũng ảnh hưởng đến hành vi và tâm trạng của bạn. Các triệu chứng có thể kéo đến, bao gồm đau bụng, chuột rút, chóng mặt, mệt mỏi, đau đầu... bạn có thể trở nên hung hăng và tức giận hơn và đó là một phản ứng tự nhiên khi không có đủ thức ăn trong cơ thể. Nhiều người rất khó kiểm soát bản thân khi đói.

Theo một nghiên cứu được công bố bởi Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ (APA), các nhà khoa học từ Đại học Bắc Carolina tại Đồi Chapel phát hiện ra rằng “hangry” (cảm giác tức giận khi đói) là một phản ứng cảm xúc phức tạp. Nghiên cứu có sự tham gia của 400 người. Các nhà khoa học đã nhận thấy, những người đói thường đánh giá một chữ tượng hình Trung Quốc là tiêu cực nếu họ nhìn thấy một hình ảnh tiêu cực trước nó. Những người bình thường kiểm soát được cảm xúc của mình thường ít bị “hangry” hơn. Điều này có nghĩa là môi trường xung quanh và việc kiểm soát được cảm xúc của mỗi người có thể ảnh hưởng đến cách mà chúng ta phản ứng với cơn đói.

Mặc dù hầu hết mọi người khi đói cho biết họ bị nôn nao hoặc khó chịu, thì không ít người đẩy cảm giác này đến cực đoan bằng bạo lực. ABC7 News đã từng đưa tin, tại thành phố New York, một phụ nữ đã nổi điên tại nhà hàng Back Home chỉ bởi nhà hàng hết thịt bò. Người phụ nữ trong tình trạng “hangry” đã đập vỡ cửa sổ chỉ bằng một cú đấm.

Một sự cố tương tự xảy ra tại một quán ăn ở Brooklyn, theo ABC7 News. Một người đàn ông trong tình trạng “hangry” đã tấn công nhân viên và ném thức ăn đi chỉ vì bánh sandwich của anh ta mất quá nhiều thời gian để chuẩn bị.

Nhiều khi một nhóm người trong tình trạng “hangry” cũng gây nên những vụ tương tự. Newsweek đưa tin hai người đã bị bắt giữ sau một cuộc cãi lộn tại một bữa tiệc tự chọn ở Huntsville, Alabama. Các thực khách này đã xô xát với nhau chỉ vì tranh càng cua trong bữa tiệc và lấn hàng của nhau.

Rõ ràng, ăn uống là giải pháp đơn giản để chống lại cảm giác bực tức, nhưng không phải lúc nào bạn cũng có thể có liền một bữa ăn nhanh. Điều tốt nhất bạn có thể làm để tránh cảm giác nôn nao ngay từ đầu là lên kế hoạch cho bữa ăn với những thực phẩm lành mạnh, bằng cách đó bạn có thể tránh xa việc đối phó với những cảm xúc nôn nao.

Phương Ly

Nguồn Ngày Nay: http://ngaynay.vn/khoa-hoc/ly-giai-con-tuc-khi-doi-bang-khoa-hoc-150994.html