Lý do vũ khí Mỹ từng gây ám ảnh với Nga lại bị 'chết yểu' nhanh chóng

Lá chắn tên lửa Safeguard được Mỹ kỳ vọng là vũ khí có sức mạnh vượt trội nhất tuy nhiên nó lại 'chết yểu' nhanh chóng khiến giới quân sự ngỡ ngàng.

Theo tiết lộ của giới chức quân sự thế giới, lá chắn tên lửa Safeguard (ABM) là một trong những vũ khí hao tiền tốn của nhưng không mang lại nhiều hiệu quả cho Mỹ.

Mỹ phát triển chương trình lá chắn chống tên lửa đạn đạo này vào cuối thập niên 1960 để bảo vệ mạng lưới hầm chứa tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Minuteman.

Ngoài ra, mục đích chế tạo của lá chắn tên lửa này để đánh chặn các cuộc tấn công quy mô nhỏ, có giới hạn từ đối phương. Khi vũ khí ra đời nó thực sự trở thành nỗi ám ảnh đáng sợ cho mọi đối thủ kể cả cường quốc quân sự Nga ở thời chiến tranh lạnh.

Nguồn video: VnExpress

Hệ thống lá chắn tên lửa Safeguard được cấu tạo gồm tên lửa tầm xa LIM-49 Spartan. Tên lửa này có khả năng đánh chặn mục tiêu ngoài khí quyển Trái Đất từ khoảng cách 740 km. Nếu Spartan không thể đánh chặn ICBM đối phương, các quả đạn Sprint có tầm bắn 40 km và tốc độ 12.250 km/h ở lớp thứ hai sẽ được phóng lên. Cả hai loại tên lửa đều được trang bị đầu đạn hạt nhân, trong đó Spartan có sức mạnh tương đương 5 triệu tấn thuốc nổ TNT và Sprint mạnh ngang 1.000 tấn TNT.

Mỹ dự kiến triển khai ba tổ hợp lá chắn để bảo vệ kho vũ khí hạt nhân chiến lược tại căn cứ không quân Whiteman, Malmstrom và Grand Forks. Tuy nhiên, quá trình xây dựng hệ thống phòng thủ tại căn cứ Whiteman sớm bị hủy bỏ vì chi phí quá đắt đỏ.

Theo thống kê được tiết lộ trong một báo cáo kiểm toán năm 1974 của chính phủ Mỹ, chi phí của dự án lá chắn tên lửa Safeguard, trong đó gồm 112 triệu USD vật tư xây dựng, 481 triệu USD đổ vào "những nỗ lực vô ích" và 697 triệu USD do "thay đổi tiến độ". Tổng số tiền được Washington đổ vào Safeguard là 1,3 tỷ USD, tương đương với gần 6 tỷ USD ngày nay.

Ngoài Mỹ chế tạo ra loại tên lửa này thì có một số quốc gia khác cũng nghiên cứu và chế tạo đó là Canada. Nghiên cứu này bao gồm phát triển vài bộ dò hồng ngoại tiên tiến cho dẫn đường giai đoạn cuối, một số các thiết kế thân tên lửa, nhiên liệu rắn mới và mạnh hơn, và nhiều hệ thống để kiểm tra tất cả. Sau khi ngân quỹ bị cắt giảm một loạt vào cuối thập niên 1950, nghiên cứu đã bị đình trệ. Một nhánh của dự án là hệ thống Gerald Bull nhằm thử nghiệm vận tốc cao với giá rẻ, gồm các thân tên lửa được phóng từ một đạn sabot, sau này đã hình thành nên cơ sở của Dự án HARP.

Được biết, ngoài lá chắn tên lửa trên thì hiện nay Mỹ sở hữu ba hệ thống tên lửa chống tên lửa đạn đạo gồm: Hệ thống tầm thấp giai đoạn cuối Patriot của lục quân Mỹ, hệ thống tầm cao giai đoạn cuối Terminal High Altitude Area Defense (THAAD), Hệ thống tầm cao giai đoạn giữa Aegis/Standard SM-3 của hải quân. Trong đó, đối với Nga là các hệ thống đất đối không tầm thấp giai đoạn cuối là S-300 và S-400, tầm trung và cao là hệ thống A-135.

An Dương (T/h)

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/ly-do-la-chan-ten-lua-my-tung-gay-am-anh-voi-nga-lai-bi-%E2%80%98chet-yeu%E2%80%99-nhanh-chong-d147469.html