Lý do võ sĩ Pencak Silat Việt Nam ngại đối đầu Thái Lan

Không được đánh giá cao như các võ sĩ Indonesia, song lối đánh máu lửa của các đối thủ tới từ Thái Lan vẫn mang lại sự e ngại nhất định cho các võ sĩ Pencak Silat của Việt Nam.

Nhắc tới Pencak Silat châu Á, nhiều người lập tức nhớ tới hai cái tên Indonesia và Việt Nam. Tại Asian Games 18, ngoài Indonesia với 14 huy chương vàng (HCV), Việt Nam với 2 HCV chính là nước duy nhất còn lại có vàng ở môn này.

Một trong 2 tấm HCV đó thuộc về võ sĩ Nguyễn Văn Trí ở hạng cân 95 kg. Là nhà đương kim vô địch châu Á, song Văn Trí vẫn khá dè chừng khi nhắc về các võ sĩ Thái Lan, những người chưa bao giờ được thực sự đánh giá cao ở bộ môn này.

 Văn Trí, nhà đương kim vô địch Asian Games 18 hạng 95 kg tỏ ra e ngại khi nói tới các võ sĩ Thái Lan. Ảnh: Minh Chiến.

Văn Trí, nhà đương kim vô địch Asian Games 18 hạng 95 kg tỏ ra e ngại khi nói tới các võ sĩ Thái Lan. Ảnh: Minh Chiến.

"Giải đấu nào không may gặp Thái Lan ở vòng loại, VĐV Việt Nam khó tránh khỏi việc bị bầm dập. Thái Lan không được đánh giá cao, song võ sĩ của họ rất khỏe. VĐV Thái Lan thường tập luyện cả Muay lẫn Pencak Silat, bởi vậy họ đánh rất máu lửa, chân tay của họ lại rất cứng nên họ đánh mình đau lắm", Văn Trí chia sẻ với phóng viên Zing.vn.

Từng yêu thích, tìm hiểu và suýt chuyển sang thi đấu Muay Thái hồi năm 2013, nhà vô địch Asian Games 18 thừa hiểu tính sát thương của môn võ này lớn thế nào so với Pencak Silat.

"Đánh Silat không thể cứ thế lao vào được. Nó khó hơn rất nhiều bởi cần quan sát đối phương ra vào và tư duy đầu óc nhiều hơn. Là người có thể trạng tốt, tôi suýt nữa chuyển sang tập luyện Muay hồi năm 2013 bởi tôi thích những môn võ có tính sát thương lớn hơn", anh tiết lộ.

"Ngược lại, võ sĩ Silat cũng gặp khó khăn khi chuyển môn bởi Muay chủ yếu tấn công vào mặt, còn Silat chỉ cho đánh từ cổ trở xuống. Phải mất vài năm để thích nghi, chứ nếu vào thi đấu luôn, VĐV sẽ bị đối thủ đánh bầm dập ngay", võ sĩ quê Nam Định cho biết thêm.

Ngoài tính sát thương của Muay, một lý do khác khiến Văn Trí cũng như VĐV Việt Nam e ngại Thái Lan chính là thể lực. Cường độ thi đấu ở các giải quốc tế rất khác so với trong nước, và nếu không chuẩn bị kỹ lưỡng, VĐV khó lòng chịu nổi nhiệt khi bước ra biển lớn.

"Giải trong nước thi đấu dền dứ, một trận nhiều khi chỉ đánh 1-2 đòn nhưng khi ra quốc tế, họ sẽ tấn công liên tục. VĐV phải đánh liên tục từ đầu tới cuối, bởi vậy, nền tảng thể lực sung mãn mới là yếu tố được đặt lên hàng đầu chứ không phải sự khéo léo và linh hoạt như giải quốc nội. Đó là lý do tại sao các thầy trên tuyển bắt tập thể lực nhiều hơn so với tại địa phương", Văn Trí phân tích.

Cả 2 hạng cân giành vàng Asian Games 18 của Văn Trí và Trần Đình Nam (đỏ) đều bị cắt bỏ tại SEA Games 30. Ảnh: Minh Chiến.

Được kỳ vọng sẽ tiếp tục mang vàng về cho Việt Nam tại SEA Games 30, song đáng tiếc khi cả 2 nội dung giành HCV Asian Games 18 của Silat Việt Nam là 75 kg nam (Đình Nam) và 95 kg nam (Văn Trí) đều bị nước chủ nhà cắt bỏ.

Với việc 2 VĐV hàng đầu không được dự SEA Games, niềm hy vọng vàng của Silat Việt Nam sẽ được đặt lên vai bộ ba Nguyễn Ngọc Toàn (65 kg nam), Phạm Thị Tươi (50 kg nữ) và Trần Thị Thêm (55 kg nữ).

Ngày 3/12, toàn bộ 5 võ sĩ của đội tuyển Pencak Silat Việt Nam sẽ bước vào vòng loại các nội dung đối kháng. Người mở màn là Phạm Thị Tươi với cuộc chạm trán Mazlan Nor Farah của Malaysia.

Hoàng Linh

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/ly-do-vo-si-pencak-silat-viet-nam-ngai-doi-dau-thai-lan-post1020502.html