Lý do về vốn không còn thuyết phục

Những ngày qua, thông tin về việc TP Hà Nội kiến nghị dỡ bỏ trạm BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài một lần nữa thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận, nhất là những cử tri Thủ đô. Đây không phải lần đầu tiên có đề nghị này bởi từ những năm trước, UBND TP Hà Nội từng nhiều lần có văn bản đề nghị Bộ GTVT có phương án dỡ bỏ trạm thu phí BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài.

Trạm BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài

Lý do của kiến nghị trên được phía TP Hà Nội nêu rất rõ ràng. Thứ nhất, nhiệm vụ của trạm là để thu phí hoàn vốn cho dự án BOT QL2, đoạn tránh TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc nhưng trạm BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài lại đặt trên đường Võ Văn Kiệt (TP Hà Nội). Thứ hai, tuyến đường Võ Văn Kiệt có lưu lượng phương tiện qua lại rất lớn, sự xuất hiện của trạm thu phí này không chỉ gây ra tình trạng phí chồng phí cho người dân tham gia giao thông, trên tuyến đường hiện hữu vốn do Nhà nước đầu tư từ trước, mà vô hình chung còn gây trở ngại cho công tác phục vụ các sự kiện đối ngoại của TP và cả T.Ư. Thậm chí, trong các năm 2016 và 2017, trước những kiến nghị liên tục của TP Hà Nội, Bộ GTVT đã đi đến thống nhất sẽ di dời trạm thu phí này ra khỏi địa bàn Thủ đô và đặt tại vị trí mới tại QL2 (tỉnh Vĩnh Phúc). Thời gian ấn định để di dời trạm là ngày 1/7/2017. Tuy nhiên, căn cứ tình hình thực tế việc di dời này chưa phù hợp nên được hoãn lại.

Thực ra, việc “đặt nhầm” vị trí không chỉ là câu chuyện của riêng trạm BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài mà là vấn đề nhức nhối đang diễn ra tại rất nhiều trạm thu phí hoàn vốn dự án BOT giao thông trên cả nước. Mới đây, trong báo cáo gửi Quốc hội về tình hình xử lý bất cập tại các trạm BOT, ông Nguyễn Văn Thể - Bộ trưởng Bộ GTVT đã thừa nhận, trên cả nước hiện có 17 trạm BOT có bất cập về vị trí. Tuy nhiên, người đứng đầu ngành giao thông vẫn kiến nghị cho giữ nguyên vị trí các trạm này với lý do, nếu không sẽ khiến ngân sách phải bù lỗ rất lớn.

Đây không phải lần đầu tiên ngành giao thông đem chuyện “ngân sách” ra để đàm phán cho công tác xử lý những sai phạm tại các dự án BOT giao thông. Điển hình nhất là vụ việc tại Trạm BOT Cai Lậy, sau rất nhiều tháng trời thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao là đưa ra phương án giải quyết vấn đề BOT Cai Lậy, Bộ GTVT cũng đã trình ra 5 phương án. Nhưng, cùng với đó, Bộ này không quên “gửi gắm” đề xuất chọn phương án giữ nguyên vị trí của trạm thu phí này và cho trạm tiếp tục hoạt động. Còn đối với bức xúc của dư luận và người dân, Bộ GTVT đưa ra giải pháp “chẳng có gì mới” là tiếp tục giảm giá vé.
Đương nhiên, trong điều kiện ngân sách Nhà nước đang khó khăn, việc bỏ ra một nguồn kinh phí lớn để giải quyết việc đặt nhầm vị trí của một loạt các trạm thu phí BOT là điều khó khả thi. Nhưng Bộ GTVT cũng thừa hiểu, bức xúc của người dân đối với những dự án BOT giao thông trong thời gian qua, bắt nguồn từ chính những sai phạm đã và đang diễn ra tại các dự án này. Trong đó, lý do gây bức xúc nhất vẫn là câu chuyện “đặt nhầm vị trí” của các trạm thu phí. Có lỗi thì phải nhận lỗi, có sai thì phải sửa, có bất cập thì phải khắc phục, đó là chân lý không chỉ đối với ngành Giao thông trong vấn đề BOT mà còn đúng với tất cả các lĩnh vực khác của xã hội.
Và trong câu chuyện trạm BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài, căn cứ vào tình hình thực tế hiện nay, đến thời điểm này, việc di dời trạm thiển nghĩ là hợp lý. Những lý do về vốn để tiếp tục trì hoãn việc di dời xem ra không còn thuyết phục.

Quý Nguyễn

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/ly-do-ve-von-khong-con-thuyet-phuc-318535.html