Lý do Trung Quốc bất ngờ thân thiện với hãng chip nhớ số 1 Mỹ
Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc nói với Chủ tịch Micron Technology rằng Bắc Kinh sẽ hoan nghênh hãng chip nhớ số 1 Mỹ tăng cường dấu ấn tại thị trường Trung Quốc, báo hiệu sự giảm bớt căn thẳng trong mối quan hệ giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Trong cuộc họp vào ngày 2.11, Bộ trưởng Thương mại Vương Văn Đào nói với Sanjay Mehrotra, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Micron Technology, rằng Trung Quốc sẽ tối ưu hóa môi trường cho đầu tư nước ngoài và cung cấp bảo đảm dịch vụ cho các doanh nghiệp nước ngoài, theo một tuyên bố ngắn gọn được công bố hôm 3.11 trên website Bộ Thương mại Trung Quốc.
Ông Vương Văn Đào nói thêm: “Chúng tôi hoan nghênh Micron Technology tiếp tục bám rễ vào thị trường Trung Quốc và đạt được sự phát triển tốt hơn với tiền đề là tuân thủ luật pháp, quy định của Trung Quốc”.
Sự giảm bớt căng thẳng diễn ra chỉ vài tháng sau khi Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc cho biết Micron Technology đã thất bại trong việc đánh giá an ninh mạng và cấm các nhà khai thác cơ sở hạ tầng quan trọng của quốc gia châu Á này mua hàng từ nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất Mỹ.
Động thái của Trung Quốc chống lại Micron Technology thời điểm đó được nhiều người coi là sự trả đũa cho những nỗ lực của chính quyền Biden nhằm hạn chế Trung Quốc tiếp cận các công nghệ quan trọng. Việc này diễn ra chỉ một ngày sau khi các quốc gia giàu có thuộc G7 đồng ý rằng sẽ tìm cách "giảm thiểu rủi ro chứ không tách rời" khỏi Trung Quốc và Mỹ gây áp lực buộc các đồng minh của mình phải tham gia cùng họ trong việc hạn chế xuất khẩu thiết bị chip sang Trung Quốc.
Cuộc gặp hôm 2.11 giữa ông Vương Văn Đào và Sanjay Mehrotra phù hợp với tình hình căng thẳng gần đây giữa Trung Quốc với Mỹ đã giảm bớt, khi các quan chức cả hai nước nỗ lực tổ chức cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ - Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình vào cuối tháng 11 này tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương diễn ra ở thành phố San Francisco (Mỹ).
Sản xuất chip nhớ NAND phục vụ thị trường lưu trữ dữ liệu cũng như chip DRAM được sử dụng rộng rãi trong trung tâm dữ liệu, máy tính cá nhân và các thiết bị khác, Micron Technology đang cạnh tranh với Samsung Electronics và SK Hynix - hai nhà sản xuất chip nhớ số 1 thế giới của Hàn Quốc.
Micron Technology có văn phòng ở thành phố Thượng Hải và Thâm Quyến (Trung Quốc), cũng như một cơ sở đóng gói chip tại Tây An. Đầu năm 2022, hãng chip nhớ này tuyên bố sẽ đóng cửa hoạt động thiết kế DRAM tại Thượng Hải.
Theo Reuters, Micron Technology có khoảng 10% doanh thu từ Trung Quốc.
Hồi tháng 7, Micron Technology đã công bố các mẫu HBM3 (bộ nhớ băng thông cao 3) Gen2 để hỗ trợ các ứng dụng generative AI. Generative AI là một loại trí tuệ nhân tạo được lập trình để tự động tạo ra nội dung mới, như văn bản, hình ảnh, âm thanh và video. Nó khác với các hệ thống AI khác như máy học sâu (deep learning) hoặc học máy (machine learning) trong việc dự đoán kết quả từ dữ liệu đã có sẵn. Thay vì dựa trên dữ liệu huấn luyện, hệ thống generative AI có khả năng tự tạo ra dữ liệu mới và phong phú hơn.
HBM, một loại DRAM tiên tiến được tối ưu hóa cho sáng tạo AI, chỉ được sản xuất bởi Micron Technology, Samsung Electronics và SK Hynix.
Trong khi YMTC, nhà sản xuất chip nhớ số 1 Trung Quốc, gần đây tạo được bước đột phá công nghệ bất ngờ. Cụ thể hơn, YMTC đã sản xuất chip nhớ 3D NAND “tiên tiến nhất thế giới” được sử dụng trong một thiết bị tiêu dùng, theo báo cáo của hãng phân tích chất bán dẫn TechInights (Canada).
Theo báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ, chip nhớ của YMTC được tìm thấy trong một ổ cứng thể rắn (SSD) ra mắt lặng lẽ vào tháng 7. Điều này cho thấy YMTC đã tiếp tục phát triển được công nghệ tiên tiến dù bị cản trở bởi các lệnh trừng phạt sau khi nằm trong danh sách thực thể của Bộ Thương mại Mỹ từ tháng 12.2022, theo TechInights.
Sự phát triển của YMTC diễn ra sau phân tích phân tích trước đó từ TechInsights về bộ xử lý Kirin 9000s 5G trong smartphone Huawei Mate 60 Pro trình làng hồi tháng 8. Kirin 9000s được SMIC (nhà sản xuất chip số 1 Trung Quốc) sản xuất, khiến nhiều nhà phân tích trong ngành ngạc nhiên do công ty này và Huawei đều bị Mỹ đưa danh sách đen thương mại từ lâu.
“Giống như sự đổi mới được TechInsights tiết lộ trong bộ xử lý HiSilicon Cortex 9000s của Huawei Mate 60 Pro (sử dụng quy trình SMIC 7 nanomet N+2), ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy động lực của Trung Quốc trong việc vượt qua các hạn chế thương mại và xây dựng nguồn cung cấp chất bán dẫn trong nước của riêng mình thành công hơn mong đợi”, TechInsights cho biết trong báo cáo.
Bộ nhớ 3D NAND luôn đi đầu trong thiết kế chip nhớ và là thành phần quan trọng cho điện toán hiệu năng cao trong các ứng dụng như trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy.
Học máy là một lĩnh vực trong AI tập trung vào việc phát triển các thuật toán và mô hình máy tính có khả năng học hỏi từ dữ liệu và cải thiện hiệu suất của chúng theo thời gian mà không cần lập trình cụ thể. Các hệ thống học máy có khả năng tự động tìm hiểu và áp dụng kiến thức từ dữ liệu để thực hiện các nhiệm vụ cụ thể như phân loại, dự đoán, nhận dạng mẫu và tối ưu hóa quyết định.
Những ứng dụng của học máy rất đa dạng và bao gồm trong lĩnh vực như xử lý ngôn ngữ tự nhiên, thị giác máy tính, xe tự hành, dự đoán thời tiết, quản lý dữ liệu lớn...
Học máy đã có sự tiến bộ đáng kể trong thập kỷ gần đây, nhờ sự phát triển của các mô hình học sâu (deep learning) và khả năng xử lý dữ liệu lớn (big data), mang lại nhiều cơ hội và tiềm năng trong việc giải quyết các vấn đề phức tạp và cải thiện hiệu suất trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
YMTC và 21 công ty Trung Quốc lớn khác trong lĩnh vực chip đã bị Mỹ đưa vào danh sách thực thể vào giữa tháng 12.2022 trong bối cảnh căng thẳng thương mại và địa chính trị giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới leo thang.
Thời điểm đó, YMTC (có trụ sở tại thành phố Vũ Hán) đang trên đà thách thức các công ty dẫn đầu về chip nhớ như Samsung Electronics, SK Hynix (Hàn Quốc) và Micron Technology (Mỹ) với chip 3D NAND flash hàng đầu là X3-9070 với 232 lớp. Triển vọng sản xuất hàng loạt chip này chững lại sau khi các nhà cung cấp thiết bị của Mỹ như KLA, Lam Research ngừng bán và cung cấp dịch vụ cho YMTC.
Tuy nhiên theo TechInsights, sự suy thoái gần đây trên thị trường chip nhớ và sự tập trung đổi mới vào các biện pháp tiết kiệm chi phí trong ngành có thể đã mang đến cho YMTC cơ hội phát triển chip mật độ bit cao hơn, tiên tiến hơn.
Tiến bộ mới nhất của YMTC trong việc phát triển chip nhớ lần đầu tiên được báo cáo vào tháng 4, khi các nguồn tin giấu tên nói với trang SCMP rằng công ty này đã tăng gấp đôi nỗ lực hợp tác với các nhà cung cấp Trung Quốc để giúp sản xuất những chip tiên tiến nhất của họ. Nỗ lực này dựa trên kiến trúc Xtacking 3.0 của YMTC và các nguồn tin cho biết tiến bộ đã đạt được trong một dự án tuyệt mật có tên mã là Wudangshan.
Các nguồn tin cho biết dự án chỉ có ý định sử dụng thiết bị của Trung Quốc và YMTC đã đặt hàng số lượng lớn với những nhà cung cấp thiết bị trong nước, gồm cả Naura Technology Group – hãng sản xuất công cụ khắc hàng đầu Trung Quốc có trụ sở tại Bắc Kinh. Đây cũng dòng sản phẩm chính của Lam Research (Mỹ).
Song vào thời điểm đó, các nhà phân tích đã chỉ ra nhiều điểm bất lợi trong chuỗi cung ứng sản xuất chip của Trung Quốc, như việc thiếu các lựa chọn thay thế khả thi trong nước cho các công cụ sản xuất chip, chẳng hạn hệ thống in thạch bản từ công ty ASML (Hà Lan). Là hãng công nghệ có giá trị nhất châu Âu và nhà cung cấp thiết bị sản xuất chip hàng đầu thế giới, ASML gần như độc quyền trong việc sản xuất máy in thạch bản cực tím (EUV) tiên tiến nhất.
TechInsights không bình luận trong báo cáo về việc liệu chip nhớ của YMTC có được được tạo ra bằng các công cụ và linh kiện do Trung Quốc sản xuất độc quyền hay không.