Lý do trẻ em đủ 15 tuổi được tự đi xét nghiệm HIV

Tại kỳ họp thứ 10 vừa qua, Quốc hội khóa 14 đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS. Theo đánh giá của ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam, điều này nhằm bảo đảm tốt hơn quyền tiếp cận tới các dịch vụ phòng, chống HIV cho mọi người dân có nhu cầu, cũng như đảm bảo tính bền vững của đáp ứng quốc gia với HIV/AIDS.

Chia sẻ về những điểm mới trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS, TS. Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS-Bộ Y tế cho biết: Luật sửa đổi đã bổ sung nghĩa vụ của người nhiễm HIV phải thông báo tình trạng nhiễm HIV của mình cho vợ, chồng, người dự định kết hôn hoặc người sống chung như vợ chồng. Đây là nội dung cần thiết để góp phần bảo vệ quyền được an toàn của mỗi cá nhân và giảm nguy cơ lây nhiễm HIV từ người nhiễm HIV qua quan hệ tình dục.

Đáng chú ý, Luật giảm độ tuổi được quyền tự nguyện đề nghị xét nghiệm HIV của trẻ em từ đủ 16 tuổi xuống đủ 15 tuổi mà không cần sự đồng ý của cha mẹ, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật để bảo đảm phù hợp với tình trạng thực tế lây nhiễm HIV trong nhóm trẻ hiện nay cần được xét nghiệm sớm để điều trị kịp thời nếu trẻ nhiễm HIV, bảo đảm quyền được chăm sóc sức khỏe của trẻ em, khắc phục được các tồn tại hiện nay.

TS. Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS. Ảnh: P.Châu

TS. Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS. Ảnh: P.Châu

Lý giải về nguyên nhân hạ độ tuổi được tự nguyện xét nghiệm HIV, lãnh đạo Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho rằng, việc này nhằm bảo đảm phù hợp với tình trạng thực tế lây nhiễm HIV trong nhóm trẻ hiện nay. Theo báo cáo của BV Phụ sản Hà Nội, tỷ lệ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục ở trẻ vị thành niên có thai cao hơn khá nhiều so với phụ nữ mang thai ở lứa tuổi lớn hơn.

Bên cạnh đó, việc lây nhiễm HIV ngày càng trẻ hóa. Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, số trẻ em nhiễm HIV độ tuổi 15-16 được phát hiện năm 2019 tăng gần 3 lần so với năm 2011. Có tình trạng quan hệ tình dục đồng giới nam trước tuổi 20. Thêm vào đó là tình trạng ma túy len lỏi vào trường học.

Đặc biệt, rất ít trường hợp cha mẹ biết con có nguy cơ lây nhiễm để đưa con đi xét nghiệm do trẻ thường không dám thông báo cho bố mẹ biết mình có nguy cơ lây nhiễm HIV do có quan hệ tình dục không an toàn, cơ sở y tế không xét nghiệm HIV khi không được bố mẹ trẻ đồng ý, làm giảm cơ hội trẻ được xét nghiệm, phát hiện HIV sớm.

Việc hạ độ tuổi trẻ được xét nghiệm tự nguyện cũng nhằm bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp thông lệ quốc tế. Cùng đó, giúp trẻ dễ tiếp cận dịch vụ xét nghiệm HIV hơn, được phát hiện HIV sớm, điều trị sớm đảm bảo sức khỏe của trẻ, giảm lây nhiễm HIV cho người khác trong cộng đồng; bảo đảm quyền của trẻ em được gia đình bảo vệ và chăm sóc sức khỏe.

Tại Việt Nam, hàng năm có khoảng 1.800-2.000 trẻ được làm xét nghiệm chẩn đoán sớm nhiễm HIV với tỷ lệ HIV dương tính giảm từ 10% vào năm 2011 xuống 5,4% vào năm 2019. Tuy nhiên, trong nhóm trẻ có mẹ được điều trị bằng thuốc ARV thì tỷ lệ này năm 2019 là 1,6%. Để hướng đến mục tiêu loại trừ trẻ nhiễm HIV từ mẹ thì 100% phụ nữ mang thai chưa biết tình trạng nhiễm HIV cần được làm xét nghiệm HIV để biết tình trạng nhiễm HIV sớm.

Phong Châu

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/ly-do-tre-em-du-15-tuoi-duoc-tu-di-xet-nghiem-hiv-219416.html