Lý do Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ không lo bị Mỹ trừng phạt vì S-400

Thổ Nhĩ Kỳ nói nước này không phải đối thủ của Mỹ và vẫn tận tâm với NATO. Ấn Độ thì nói đã trình bày lý do mua S-400 với Mỹ.

Thổ Nhĩ Kỳ không phải kẻ thù của Mỹ

Thổ Nhĩ Kỳ nói việc mua hệ thống phòng không S-400 tân tiến của Nga sẽ không dẫn tới lệnh trừng phạt của Mỹ vì Ankara không phải đối thủ của Washington và nước này vẫn tận tâm với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Theo đài Press TV, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar đưa ra các bình luận trên tại một hội nghị về quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ ở Washington hôm 15-4. Ông Akar nhấn mạnh: “Những lời đe dọa, tối hậu thư và thời hạn không mang tích xây dựng và đi ngược với tinh thần của một khối liên minh”.

Hệ thống phòng không S-400 của Nga. Ảnh: PRESS TV

Hệ thống phòng không S-400 của Nga. Ảnh: PRESS TV

“Chúng tôi tin rằng việc liên kết S-400 với dự án F-35 là không thích hợp. Chúng tôi hy vọng Mỹ và các đối tác khác của dự án tôn trọng các cam kết của chúng tôi”, ông Akar nói.

Cũng tại hội nghị hôm 15-4, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ nhắc lại đề xuất của nước này tổ chức các cuộc đối thoại kỹ thuật với Washington nhằm giải quyết “các lo ngại kỹ thuật” đối với thương vụ S-400.

“Chúng tôi tin rằng vấn đề này có thể được giải quyết thông qua đối thoại tích cực”, ông Akar nói, thêm rằng Ankara cũng đang đánh giá đề nghị được nối lại từ Washington về mua hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot.

“Gần đây chúng tôi đã nhận được đề xuất bán Patriot mà Mỹ mới khôi phục. Đề xuất này giờ đang trên bàn thảo luận, chúng tôi đang thận trọng nghiên cứu”, ông Akar cho biết thêm.

Thổ Nhĩ Kỳ đang nỗ lực tăng cường năng lực phòng không của mình, đặc biệt sau khi Washington quyết định rút hệ thống tên lửa đất đối không Patriot khỏi biên giới Thổ Nhĩ Kỳ với Syria vào năm 2015, một động thái làm suy yếu năng lực phòng không của Ankara.

Trước khi bị thu hút bởi hệ thống của Nga, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ được cho đã rút hợp đồng mua một hệ thống phòng không tương tự của Trung Quốc trị giá 3,4 tỉ USD. Lý do vì sức ép từ Mỹ.

Quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ xấu đi do hàng loạt vấn đề. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan chỉ trích Washington ủng hộ lực lượng dân quân người Kurd ở Syria mà Ankara coi là tổ chức khủng bố.

Ông Erdogan cũng lên án giới chức Mỹ đã bác bỏ đề nghị dẫn độ giáo sĩ Fethullah Gulen đang sống lưu vong ở Mỹ. Ankara cáo buộc ông Gulen chủ mưu vụ đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 7-2016.

Ấn Độ cần vũ khí Nga để duy trì sức mạnh

Ấn Độ nói rằng nước này tự tin sẽ tránh được lệnh trừng phạt của Mỹ liên quan tới việc mua hệ thống phòng không S-400 từ Nga.

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Nirmala Sitharaman nhấn mạnh trong một cuộc phỏng vấn của hãng tin AFP rằng New Delhi cần vũ khí từ Nga để duy trì sức mạnh.

Mỹ đã cảnh báo trừng phạt các quốc gia mua thiết bị quân sự của Nga. Dẫu vậy, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bất chấp cảnh báo từ Mỹ, vào tháng 10-2018 đã ký một thỏa thuận trị giá hơn 5 tỉ USD mua hệ thống S-400 với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Bà Sitharaman cho biết Ấn Độ đã trình bày cho Mỹ những lý do nước này mua hệ thống S-400 và hy vọng Washington chấp nhận và không áp trừng phạt vào New Delhi.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (ngoài cùng bên phải) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại một sự kiện văn hóa ở Ấn Độ năm 2018. Ảnh: PRESS TV

“Liên quan tới hệ thống S-400, chúng tôi đã giải thích rõ ràng. Điều này đã được trình bày và thấu hiểu. Họ cũng đánh giá cao quan điểm mà chúng tôi đã trình bày”, hãng tin AFP trích lời bà Sitharaman.

Cũng theo bà Sitharaman, Mỹ và Ấn Độ cần giải quyết những bất đồng giữa hai nước. “Chúng tôi nỗ lực để những bất đồng này không bị biến thành tranh chấp”, Bộ trưởng Sitharaman nhấn mạnh.

Khi được hỏi liệu bà có tự tin Ấn Độ sẽ tránh được lệnh trừng phạt hay không, bà Sitharaman trả lời: “Vâng, tôi hy vọng vậy”.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump năm 2018 đã áp đặt trừng phạt đối với quân đội Trung Quốc sau khi nước này mua S-400 và các thiết bị quân sự khác từ Nga.

Mỹ hiện vướng vào một cuộc tranh chấp với Thổ Nhĩ Kỳ cũng vì thương vụ S-400, cảnh báo trừng phạt đồng minh NATO vì mua S-400 sau khi đã đình chỉ Ankara tham gia dự án tiêm kích F-35.

Washington cũng đã dọa trừng phạt New Delhi chiếu theo Đạo luật chống lại kẻ thù của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA). Dẫu thế, giới chức tại Washington cho biết chính phủ Mỹ vẫn hy vọng thuyết phục Ấn Độ quên thỏa thuận S-400 với Nga.

Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Randall Schriver trong một buổi điều trần hồi tháng 3 cho hay Washington muốn từng bước giải quyết vấn đề này do hợp đồng quân sự giữa Ấn Độ và Nga vẫn chưa hoàn tất.

Ấn Độ nói mua hệ thống S-400 của Nga để lấp khoảng trống quan trọng trong năng lực phòng thủ của nước này. Ảnh: REUTERS

Theo ông Schriver, Mỹ muốn Ấn Độ đưa ra một lựa chọn thay thế cho S-400 và phía Mỹ đang làm việc với Ấn Độ để đưa ra các lựa chọn thay thế tiềm năng.

Tuy nhiên, chính phủ Mỹ khả năng sẽ không làm căng với Ấn Độ vì Washington cần giữ gã khổng lồ châu Á này về phía mình nhằm ngăn sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc, theo Press TV.

Mỹ đặc biệt đang rơi vào thế khó khi đối mặt với những nỗ lực làm ấm quan hệ giữa Trung Quốc và Ấn Độ sau vụ đụng độ quân sự ở cao nguyên Doklam năm 2017. Nữ Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Sitharaman trong một cuộc phỏng vấn từng nhấn mạnh New Delhi và Bắc Kinh quyết tâm thu hẹp khác biệt.

TRI TÚC

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/quan-su/ly-do-tho-nhi-ky-an-do-khong-lo-bi-my-trung-phat-vi-s400-828172.html