Lý do Serbia chọn mua vũ khí Trung Quốc thay vì Nga

Việc Serbia mua hệ thống tên lửa FK-3, trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên vận hành vũ khí Trung Quốc, cho thấy Belgrade đang tiến gần Bắc Kinh hơn là Moskva.

Một hệ thống HQ-22 / FK-3 điển hình bao gồm một xe radar và 3 phương tiện phóng được trang bị 4 tên lửa mỗi chiếc. Ảnh: Bộ Quốc phòng Trung Quốc

Một hệ thống HQ-22 / FK-3 điển hình bao gồm một xe radar và 3 phương tiện phóng được trang bị 4 tên lửa mỗi chiếc. Ảnh: Bộ Quốc phòng Trung Quốc

Ngày 10/4, Trung Quốc đã chuyển giao hệ thống tên lửa đất đối không HQ-22 cho quân đội Serbia. FK-3 là phiên bản xuất khẩu của HQ-22, được so sánh với hệ thống tên lửa đất đối không Patriot của Mỹ và S-300 của Nga.

Ban đầu Belgrade đã lên kế hoạch mua hệ thống phòng không của Nga, nhưng vào năm 2019, Tổng thống Aleksandar Vucic nói rằng Serbia là một quốc gia nhỏ vây quanh là các thành viên NATO, họ sẽ “không bao giờ để xảy ra tình trạng vô trách nhiệm như trong thập niên 1990 một lần nữa”.

Trong suốt những năm 1990, Serbia đã chống lại cả NATO và các đồng minh trong khu vực. Và cho đến hiện tại, nhiều thập kỷ sau cuộc xung đột đó, khả năng điều động chiến lược của quốc gia Balkan này vẫn còn khá hạn chế.

Theo tờ Asia Times, phụ thuộc lớn vào phương Tây trong nhiều lĩnh vực khác nhau, và có quan hệ kinh tế chặt chẽ với Liên minh châu Âu, Belgrade hiện vẫn chưa đạt được vị trí cân bằng giữa Nga và phương Tây. Đó là lý do tại sao Serbia, trước áp lực của các cường quốc phương Tây, gần đây đã bỏ phiếu ủng hộ việc loại Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (UNHRC).

Phản ứng của Điện Kremlin trước động thái này của Belgrade khá yếu ớt. “Vấn đề không phải là hiểu và tha thứ cho các quốc gia thân thiện đã bỏ phiếu ‘đồng ý’. Đó là vấn đề về áp lực chưa từng có nhằm kích động tâm lý sợ hãi của người Nga. Tất cả các quốc gia đang cố gắng bằng mọi cách phải chịu áp lực như vậy để theo đuổi chính sách cân bằng. Chúng tôi hiểu điều đó”, người phát ngôn Điện Kremlin tỏ ra thông cảm với Belgrade.

Sau tuyên bố như vậy, Serbia ít có khả năng chịu bất kỳ hậu quả nào cho quyết định ngả về phía phương Tây. Hiện tại Belgrade sẽ không vội vàng tham gia các lệnh trừng phạt chống Nga, dù trong tương lai gần quốc gia Balkan có thể tạo khoảng cách hơn với Moskva.

Nhưng điều đó không có nghĩa là Serbia sẽ xích lại gần phương Tây hơn, ít nhất là không phải ở giai đoạn đầu của một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.

Việc mua các hệ thống phòng không tiên tiến FK-3 của Trung Quốc, cũng như mua loạt máy bay không người lái Trung Quốc trong năm 2020, cho thấy Belgrade có mục tiêu thắt chặt mối quan hệ với Bắc Kinh, thay vì với Nga để giữ cân bằng.

Xem video tên lửa HQ-22/FK-3 được quân đội Trung Quốc triển khai trong tập trận (Nguồn: CCTV)

Serbia sẽ là quốc gia đầu tiên vận hành tên lửa Trung Quốc ở châu Âu. Điều này có lẽ không quá gây ngạc nhiên khi họ cũng là quốc gia châu Âu đầu tiên mua vaccine COVID-19 của Trung Quốc vào năm 2021.

Nhưng Mỹ sẽ phản ứng như thế nào trước hợp tác quân sự Belgrade – Bắc Kinh?

Việc các máy bay Trung Quốc chở vũ khí đến Serbia được phép đi qua không phận các nước thành viên NATO là Thổ Nhĩ Kỳ và Bulgaria cho thấy việc Belgrade mua tên lửa FK-3 ít nhất đã được Washington ngầm chấp thuận.

Năm 2020, sau khi Trung Quốc và Serbia ký thỏa thuận về chuyển giao FK-3, Đại sứ quán Mỹ tại Belgrade đã nhấn mạnh rằng “việc mua thiết bị quân sự là quyết định có chủ quyền của mỗi quốc gia, nhưng chính phủ đó nên ý thức được những rủi ro ngắn hạn và dài hạn, và cái giá của việc làm ăn với các công ty Trung Quốc”.

Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước cuộc gặp tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào ngày 25/4/2019. Ảnh: AFP

Nhưng trước đó vào năm 2019, Washington đã cảnh báo Serbia về khả năng mua các hệ thống phòng không của Nga. “Chúng tôi hy vọng các đối tác Serbia sẽ cẩn thận và thận trọng với bất kỳ giao dịch nào như vậy”, đặc phái viên Mỹ tại khu vực Balkans Matthew Palmer nói.

Serbia tất nhiên hiểu được thông điệp đó. Belgrade đã quyết định mua các hệ thống phòng không của Trung Quốc chứ không phải của Nga, và hiện đang tìm cách mua máy bay không người lái Bayraktar do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất, cũng như chiến đấu cơ đa năng Rafale của Pháp.

Từng tuyên bố là quốc gia trung lập về quân sự vào năm 2007, Serbia đang cố gắng tự tăng cường năng lực quân sự của mình vì không giống như các nước láng giềng thuộc NATO, họ không thể dựa vào sự hỗ trợ từ liên minh do Mỹ dẫn đầu.

Lực lượng vũ trang Serbia vẫn liên kết chặt chẽ với Vệ binh quốc gia bang Ohio (Mỹ), trong khi các báo cáo cho thấy Mỹ là nhà tài trợ quân sự lớn nhất của Serbia. Quan trọng hơn, quân đội Serbia đã tiến hành nhiều cuộc tập trận với các thành viên NATO hơn là với quân đội Nga.

Mặc dù vậy, truyền thông phương Tây tiếp tục mô tả quốc gia Balkan này như một “đồng minh của Nga”, tuyên bố rằng Belgrade, được Moskva và Bắc Kinh cấp vũ khí, có thể mở cuộc chiến mới chống Kosovo – vùng lãnh thổ đã đơn phương tuyên bố độc lập khỏi Serbia vào năm 2008 và được hầu hết các nước phương Tây công nhận.

Tuyến đường cao tốc nối thành phố Bar trên bờ biển Adriatic của Montenegro với nước láng giềng Serbia đang được xây dựng bởi đối tác Trung Quốc. Ảnh: AFP

Nhưng rõ ràng một động thái chống lại Kosovo là vô cùng khó xảy ra, đặc biệt là trong bối cảnh Kosovo có một căn cứ lớn của Mỹ và khoảng 3.600 quân NATO đồn trú ở đó.

Về phần mình, Trung Quốc đặt mục tiêu tăng cường sự hiện diện của mình ở Serbia, nơi họ tham gia vào rất nhiều dự án cơ sở hạ tầng khác nhau. Đồng thời, Bắc Kinh dường như cũng muốn tăng cường ảnh hưởng chính trị của mình tại đây.

Ssau khi chuyển giao vũ khí cho Serbia, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nhấn mạnh rằng Bắc Kinh “hỗ trợ Serbia trong việc bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và phẩm giá quốc gia”.

Trong 14 năm qua, chính Nga đã “bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Serbia” với quan điểm ngăn cản Kosovo gia nhập Liên hợp quốc. Tờ Asia Times cho rằng, lúc này để nhận định rõ hơn về lập trường của Serbia, cần xem liệu Belgrade có bắt đầu chủ động hơn với Trung Quốc thông qua chính sách đối ngoại “đa vector” của mình hay không.

Thu Hằng/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/ly-do-serbia-chon-mua-vu-khi-trung-quoc-thay-vi-nga-20220414155646224.htm