Lý do sâu xa và mục tiêu kép sau việc Nga tham gia nội chiến Syria

Ngoài trợ giúp quân đội chính phủ, sự can thiệp quân sự của Nga vào Syria còn phục vụ mục tiêu địa chính trị rộng lớn hơn.

Syria từ lâu đã là khách hàng đặc biệt quan tâm đến vũ khí Nga, đặc biệt là dưới nhiệm kỳ của Tổng thống Hafez al-Assad (1971– 2000). Tuy nhiên, mối quan hệ giữa hai nước bước sang một chiều hướng mới sau khi cuộc nội chiến Syria bắt đầu vào năm 2011 và việc Mỹ dần tách rời khỏi Trung Đông.

Mục tiêu đầu tiên của Nga tại Syria sau khi can thiệp vào cuộc nội chiến ở quốc gia Trung Đông này tháng 9/2015 là giải cứu quân đội của Tổng thống Syria Bashar al-Assad khỏi bờ vực thất thế. Moscow đã làm điều đó, với một thông điệp chính trị ngụ ý nhắc nhở các nhà lãnh đạo phương Tây rằng Nga cũng có bạn bè, rằng họ quan tâm đến bạn bè và sẽ không để cho những người bạn này bị các cường quốc phương Tây tùy ý lật đổ.

Động thái này phản ánh sự phản đối mạnh mẽ của Moscow đối với các hành động của phương Tây chống lại Qaddafi ở Libya vào năm 2011 - vì khi đó phương Tây đã vượt quá nhiệm vụ được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ủy quyền.

Mục tiêu thứ hai của Nga khi hậu thuẫn cho Syria là thiết lập một căn cứ quân sự của nước này ở Trung Đông. Moscow đã nhanh chóng biến sân bay dân sự Latakia của Syria thành một căn cứ không quân hiệu quả và đổi tên thành Hmeimim và tăng đáng kể việc sử dụng cơ sở hải quân của mình ở Tartus. Điều này cho phép Nga tiến hành các chiến dịch không kích sâu rộng để chống lại các phiến quân đe dọa cắt đứt các tuyến đường quan trọng giữa Latakia và Aleppo cũng như giữa Damascus và Aleppo. Như Bộ trưởng Quốc phòng Nga tuyên bố vào tháng 12/2017, hai căn cứ này phù hợp với các mục tiêu dài hạn của Moscow trong khu vực và đối trọng với NATO.

Sự can thiệp quân sự của Nga vào Syria còn phục vụ mục tiêu địa chính trị rộng lớn hơn. Bằng cách này Moscow chứng minh được rằng nước này sở hữu đủ sức mạnh quân sự để phản ứng nhanh với khủng hoảng.

Ngoài ra, Nga đã triển khai các khí tài quân sự ở Syria mạnh hơn nhiều so với mức cần thiết để chống quân nổi dậy, với kho vũ khí bao gồm tên lửa S-400, tên lửa hành trình phóng từ trên không và từ các tàu ở Biển Caspi và Địa Trung Hải cùng chính sách ngăn chặn đường không trên nhiều vùng của Syria.

Lực lượng Nga tham gia nội chiến từ năm 2015. Ảnh minh họa

Lực lượng Nga tham gia nội chiến từ năm 2015. Ảnh minh họa

Sự can thiệp của Nga vào Syria đã chứng tỏ sức mạnh của Moscow và sức mạnh này ngày một được nâng cao đáng kể. Việc tiếp cận Địa Trung Hải bằng đường biển và đường hàng không không còn là hạn chế đối với các lực lượng Nga khi việc đó ẩn dưới một nhiệm vụ chính trị và quân sự.

Ngoài việc cứu chính quyền ông Assad, ưu tiên chiến lược của Nga là tăng cường vùng đệm chống lại NATO ở sườn phía nam của đất nước. Ngày nay, ưu tiên này vẫn là nguyên tắc chỉ đạo trong chính sách của Nga ở Địa Trung Hải và có khả năng vẫn còn hiệu lực trong tương lai gần.

Việc Nga phô diễn khả năng tác chiến cũng như chiến thuật ở Syria cũng nhằm giới thiệu ngành công nghiệp quân sự của nước này. Syria là nơi có thể chứng minh hiệu suất chiến đấu của các hệ thống vũ khí Nga như máy bay chiến đấu, trực thăng tấn công, tên lửa hành trình và tác chiến điện tử.

Một phần lý do của cuộc can thiệp vào Syria còn nằm ở việc chính quyền Nga từ lâu đã cảnh giác với chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo tại quê nhà, đặc biệt là từ Chechnya, Dagestan, Ingushetia và các vùng đất Hồi giáo ở trung tâm nước Nga. Thực tế một số lượng đáng kể người Hồi giáo Nga cùng góp mặt trong cái gọi là tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng ở Syria và Iraq và điều này đã làm giảm nguy cơ chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan tại Nga.

Ngoài ra, hoạt động hòa giải ngoại giao của Nga góp phần ngăn cản chính quyền Syria mở các chiến dịch quân sự làm ảnh hưởng nhiều bên. Và thắng lợi lớn của chính sách ngoại giao Nga chính nằm ở việc đưa nước này trở thành một bên quan trọng ở Trung Đông.

Vũ Thu Hương

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ly-do-sau-xa-va-muc-tieu-kep-sau-viec-nga-tham-gia-noi-chien-syria-a517119.html