Lý do sâu xa sau việc Nga đưa S-400 đến Bắc Cực

Không chỉ riêng lĩnh vực kinh tế, Nga đang tăng cường nỗ lực kiểm soát cả quân sự ở Bắc Cực. Nga đã triển khai các hệ thống phòng thủ hiện đại như hệ thống phòng không tầm xa S-400 tới đây.

Nga đang tăng cường nỗ lực kiểm soát quân sự và kinh tế với vùng Bắc Cực. Nhưng không chỉ có Nga quan tâm đến vùng đất này mà Mỹ cũng đang nhòm ngó lên phía Bắc.

Vùng Bắc cực đóng góp 15% GDP của Nga, theo các nhà phân tích Nataliya Bugayova, Alexander Begej và Darina Regio từ Washington, D.C, dựa trên số liệu từ Viện nghiên cứu Chiến tranh.

Bộ Tài nguyên Thiên nhiên Nga ngày 13/3 đã đệ trình lên cấp cao hơn một kế hoạch tổng thể khai thác vùng Bắc cực. “Kế hoạch bao gồm hơn 100 dự án khai thác tài nguyên ở khu vực, trong khi diện tích đóng băng ở đây đang thu hẹp”, theo Viện nghiên cứu Chiến tranh, trụ sở ở Mỹ.

Chú thích ảnh

Chú thích ảnh

Trong khi đó, ngày 20/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin khởi động dự án phát triển khu khai thác khí gas Kharasaveyskoye trên bán đảo Yamal, phía bắc nước Nga.

"Ông Putin ngày càng ưu tiên đầu tư vào vùng Bắc cực, coi đây là một nguồn tăng trưởng kinh tế trong tương lai của Nga”, theo các nhà nghiên cứu.

“Điện Kremlin cũng tiếp tục củng cố quân sự ở vùng Bắc cực”, nhận định của các nhà nghiên cứu.

Ngay từ năm 2011, Bộ Quốc phòng Nga cũng từng thông báo, sẽ thành lập hai lữ đoàn Bắc Cực tại Murmansk hoặc Arkhangelsk ở miền bắc nước Nga.

Trong một cuộc họp báo, tư lệnh lục quân Nga, tướng Alexander Postnikov cho biết: “Lục quân sẵn sàng thành lập những lữ đoàn Bắc cực trong tương lai gần, nhưng để đạt được tính cơ động và bảo vệ lợi ích tối ưu, trước hết họ cần nhận đủ các trang thiết bị chuyên dụng”.

Ngày 7/2, Tổng thống Nga Medvedev tuyên bố cần tăng cường các biện pháp nhằm bảo vệ quyền lợi của Nga và củng cố biên giới nước này tại Bắc Cực. Ông nói: “Những biện pháp bổ sung nên được thực hiện nhằm bảo vệ các quyền lợi của Nga tại một số khu vực của thế giới vốn cực kỳ quan trọng đối với chúng ta, bao gồm khu vực Bắc Cực, cũng như bảo vệ nguồn tài nguyên sinh vật ở đó”.

Ông cho biết thêm, Lực lượng bảo vệ biên giới (FSB) sẽ được nâng cấp và cung cấp các trang thiết bị hiện đại. Năm 2020, Nga sẽ triển khai một lực lượng vũ trang hỗn hợp nhằm bảo vệ các quyền lợi kinh tế và chính trị của nước này ở Bắc Cực, bao gồm các đơn vị quân đội, biên phòng và tuần dương hạm nhằm bảo đảm an ninh quân sự của Moscow trong bối cảnh chính trị và quân sự đa dạng như hiện nay.

Tư lệnh Hạm đội Phương Bắc của Nga, đô đốc Nikolay Yevmenov khẳng định lực lượng vũ trang Nga sẽ sớm hoàn tất việc xây dựng một căn cứ phòng không mới ở làng Tiksi phía trên Vành đai Bắc cực.

Moscow cũng đã mở rộng sự hiện diện quân sự trong khu vực này những năm gần đây cùng với việc hình thành cơ sở quân sự mới với hạm đội tàu phá băng lớn nhất thế giới. Nga đồng thời cũng triển khai các hệ thống phòng thủ hiện đại như hệ thống phòng không tầm xa S-400, hệ thống phòng không tầm gần Tor-M2DT và các tên lửa chống hạm Bastion.

Moscow đang muốn củng cố vị trí thống soái ở vùng Bắc cực để đảm bảo quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên kinh tế.

Tuy nhiên, Nga không phải là nước duy nhất quan tâm tới vùng Bắc Cực. Luật chi tiêu ngân sách 2019 mà quốc hội Mỹ bàn thảo nhằm chấm dứt tình trạng đóng cửa chính phủ có bao gồm khoản 655 triệu USD để đóng/mua mới một tàu phá băng cho lực lượng tuần duyên Mỹ, lần đầu tiên trong 43 năm qua. Ngoài ra còn có ngân khoản 20 triệu USD mua sắm thiết bị cho chiếc tàu phá băng mới thứ hai, sẽ được mua/đóng trong thời gian sau đó.

Mỹ bắt đầu quan tâm tới vùng Bắc Cực là tin bất lợi với Nga. Nhưng không chỉ có Mỹ, Trung Quốc cũng đang nhòm ngó tới vùng đất xa xôi và chưa được khai phá nhiều này. Và nỗ lực của Nga ở vùng đất này không là điều khó hiểu.

Vũ Thu Hương

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ly-do-sau-xa-sau-viec-nga-dua-s-400-den-bac-cuc-a427489.html