Lý do ông Biden bỗng quyết điều tra nguồn gốc Covid-19

Nửa năm trước, giả thuyết dịch Covid-19 xuất phát từ phòng thí nghiệm bị ông Biden và phe Dân chủ hoài nghi, nhưng tình hình lúc này dường như đang đảo chiều.

Tuần trước, qua việc yêu cầu tình báo Mỹ "nỗ lực gấp đôi" để điều tra xác minh nguồn gốc đại dịch Covid-19, Tổng thống Joe Biden làm sống lại giả thuyết virus SARS-CoV-2 có thể xuất phát từ Viện Nghiên cứu Virus Vũ Hán.

Ông Biden cho biết tình báo Mỹ đang xem xét hai kịch bản, hoặc virus xuất hiện từ tự nhiên, hoặc nó là sản phẩm của tai nạn từ phòng thí nghiệm. Đó là lần đầu tiên ông chủ Nhà Trắng lên tiếng về khả năng virus SARS-CoV-2 là sản phẩm nhân tạo.

Giả thuyết này từng được người tiền nhiệm Donald Trump đưa ra, nhưng khi đó bị phe Dân chủ chỉ trích là thuyết âm mưu nhằm đánh lạc hướng dư luận khỏi thất bại trong ứng phó dịch bệnh, theo Financial Times.

 Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Reuters.

Nhân tố Trump

Các quan chức đương nhiệm cũng như đã về hưu cho biết có nhiều lý do chính quyền Tổng thống Biden thay đổi quan điểm, chuyển sang ủng hộ một giả thuyết mà trước đọ họ từng phản đối kịch liệt.

Một trong những lý do lớn nhất là bởi những người hoài nghi về nguồn gốc virus giờ cởi mở hơn với khả năng dịch bệnh xuất phát từ phòng thí nghiệm, trong bối cảnh cựu Tổng thống Trump đã rời nhiệm sở.

Trước đó, ông Trump bị phe Dân chủ cáo buộc chỉ muốn công kích Trung Quốc nhằm rũ bỏ trách nhiệm trong thất bại chống dịch của mình.

Bên cạnh đó, Tổng thống Biden cũng đang đứng trước sức ép chính trị phải có phản ứng trước tin tức tình báo thu thập được, và phải hành động nhằm tìm ra câu trả lời thực sự.

An ninh Trung Quốc canh gác bên ngoài Viện Nghiên cứu Virus Vũ Hán. Ảnh: Reuters.

"Trong những tháng cuối của chính quyền Trump, chúng tôi đã thu được một núi bằng chứng rất đáng ngại. Chính quyền Biden giờ phải nghiên cứu những bằng chứng này. Và như họ đã nhấn mạnh, còn rất nhiều dữ kiện cần tiếp tục đánh giá", David Asher, người đứng đầu cuộc điều tra của Bộ Ngoại giao Mỹ về nguồn gốc Covid-19 dưới thời Trump, cho biết.

Không lâu trước khi ông Biden tuyên thệ nhậm chức, Bộ Ngoại giao Mỹ công bố thông tin về Viện Nghiên cứu Virus Vũ Hán, trong đó tiết lộ nhiều nhà khoa học tại đây mắc bệnh với những triệu chứng giống Covid-19 trước khi những ca bệnh đầu tiên được biết đến.

Bộ Ngoại giao Mỹ, khi đó dưới quyền cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo, cáo buộc Viện Nghiên cứu Virus Vũ hán bí mật phối hợp với quân đội Trung Quốc.

Những người chỉ trích chính quyền Trump khi đó không quá quan tâm tới những cáo buộc này, bởi trong mắt họ, ông Pompeo chỉ đang chính trị hóa tin tức tình báo. Nước Mỹ lúc này đang tập trung vào hậu quả vụ bạo loạn 6/1 cũng như hướng tới lễ nhậm chức.

"Chúng tôi đã lường trước những thông tin ấy sẽ không thu hút được dư luận. Chúng tôi muốn tất cả được lưu lại, để khi căng thẳng và giận dữ hạ nhiệt, người ta sẽ chú ý đến những dữ liệu ấy", David Feith, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Trump, cho biết.

Hồi tháng 3, ông Asher phát biểu công khai về những nhân viên tại Viện Nghiên cứu Virus Vũ Hán mắc bệnh và phải nhập viện cuối năm 2019.

Phát biểu của ông Asher, cùng một bài viết đăng trên Wall Street Journal, đã thu hút sự chú ý trở lại với giả thuyết dịch bệnh bắt nguồn từ phòng thí nghiệm.

Các nhà khoa học lên tiếng

Một nguồn thạo tin từ chính phủ Mỹ cho biết yếu tố quan trọng khiến giả thuyết virus bắt nguồn từ phòng thí nghiệm sống dậy chính là quan điểm của các nhà khoa học.

Trước đây, giới khoa học từ chối giúp đỡ ông Trump trước thềm bầu cử, một số nhà khoa học có uy tín một mực bác bỏ giả thuyết phòng thí nghiệm.

Nhưng lúc này, với việc ông Trump đã rời chức vụ, thái độ kiên quyết chống đối giả thuyết virus xuất phát từ phòng thí nghiệm cũng không còn.

"Điều quan trọng nhất xảy ra thời gian qua là việc các nhà khoa học có uy tín đã lên tiếng", nguồn tin cho biết.

Trong một bức thư mới được đăng tải trên tạp chí y khoa Science, nhóm 18 nhà khoa học tiếng tăm thế giới cho biết cả hai giả thuyết - virus xuất phát từ tự nhiên hoặc là sản phẩm nhân tạo - đều "có khả năng xảy ra", và vì vậy cần tiếp tục thu thập thêm dữ liệu.

Các nhà khoa học cho biết cuộc điều tra của WHO ở Trung Quốc được tiến hành mà không có đánh giá cân bằng đối với hai giả thuyết nói trên.

"Ngay cả những người phụ trách vấn đề trong chính phủ như chúng tôi cũng không biết rõ quan điểm của các nhà khoa học, bởi họ lúc đó hầu như không lên tiếng. Nhưng đã có những đột phá lớn trong vài tháng qua", ông Feith cho biết.

Bác sĩ Anthony Fauci đã thay đổi quan điểm về nguồn gốc virus. Ảnh: AP.

Bác sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia, dường như cũng đã thay đổi lập trường.

Năm ngoái, ông Fauci nói dữ liệu khoa học cho thấy virus có nguồn gốc tự nhiên. Nhưng mới đây, ông tuyên bố cuộc điều tra của WHO "không thuyết phục" và ủng hộ điều tra sâu hơn về nguồn gốc virus.

Trong bài phát biểu tuần trước, Tổng thống Biden chỉ phác thảo vắn tắt quan điểm của cộng đồng tình báo về nguồn gốc của dịch bệnh.

Tuy nhiên, việc ông chủ Nhà Trắng sẵn sàng công khai các kết luận dự kiến của giới tình báo khiến giả thuyết virus xuất phát từ phòng thí nghiệm lập tức thu hút sự chú ý.

Mathew Burrows, một cựu quan chức tình báo cấp cao, cho biết bài phát biểu của Tổng thống Biden là điều rất hiếm xảy ra, bởi trong quá khứ, các tổng thống Mỹ thường tránh bị xem như đang định hướng kết luận của các cơ quan chính phủ khi quá trình điều tra chưa hoàn tất.

"Nhiều đảng viên Cộng hòa sẵn sàng chỉ trích bất cứ cử chỉ nào bị xem là phản ứng yếu đuối trước Trung Quốc. Vì thế, tôi nghĩ Tổng thống Biden muốn thể hiện ông ấy không ngần ngại cáo buộc Trung Quốc, nếu như cộng đồng tình báo nhất trí virus xuất phát từ phòng thí nghiệm Vũ Hán", ông Burrows nhận định.

Một nguồn thạo tin cho biết Hội đồng An ninh Quốc gia - cơ quan tổng hợp thông tin từ toàn bộ cộng đồng tình báo - năm ngoái đưa ra hai báo cáo đánh giá thông tin mà tình báo Mỹ thu được về nguồn gốc Covid-19.

Hôm 26/5, Tổng thống Biden cho biết 2 trong 18 nhánh của cộng đồng tình báo Mỹ nghiêng về khả năng virus có nguồn gốc tự nhiên, trong khi 1/3 cộng đồng tình báo nghiêng về giả thuyết dịch bệnh rò rỉ từ phòng thí nghiệm.

Ông Biden cho biết các cơ quan tình báo Mỹ đến nay vẫn chưa thu thập đủ bằng chứng, trong khi những thông tin thu được có độ xác thực ở mức "thấp hoặc trung bình".

Điều này khiến nhiều ý kiến hoài nghi thời hạn 90 ngày mà Nhà Trắng đặt ra là không đủ để giới chức tình báo đưa ra bất cứ kết luận chắc chắn nào.

"Cộng đồng tình báo nói chung còn xa mới có thể đạt tới bất cứ điều gì mà chúng ta có thể coi là một kết luận tương đối chắc chắn. Thực tế là nhiều cơ quan tình báo chưa đạt được đồng thuận ngay cả với một đánh giá 'ở mức xác thực thấp'. Điều đó cho thấy chúng ta còn phải mất rất nhiều thời gian để đưa ra kết luận", Paul Pillar, cựu quan chức cấp cao của CIA, nhận định.

Duy Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ly-do-ong-biden-bong-quyet-dieu-tra-nguon-goc-covid-19-post1221822.html