Lý do nhiều nước EU quan tâm tới ý tưởng 'mua chung đạn dược'

Một năm trước, ý tưởng về việc EU đàm phán hợp đồng mua đạn dược nghe có vẻ vô lý. Nhưng giờ đây, điều đó không chỉ đột nhiên trở nên khả thi mà còn mang tính chất khẩn cấp.

Theo đề xuất, đạn dược trước tiên sẽ được chuyển đến Ukraine, nhưng sau đó cũng có thể được chuyển đến những nước EU cần bổ sung kho dự trữ. Ảnh: AFP/Getty Images

Theo đề xuất, đạn dược trước tiên sẽ được chuyển đến Ukraine, nhưng sau đó cũng có thể được chuyển đến những nước EU cần bổ sung kho dự trữ. Ảnh: AFP/Getty Images

Đó là tâm trạng của các bộ trưởng ngoại giao EU khi họ tập trung tại Brussels đầu tuần này. Các quan chức và nhà ngoại giao châu Âu chỉ ra rằng có vẻ như vấn đề bây giờ là khi nào và như thế nào chứ không phải liệu EU có được trao quyền để thay mặt các nước thành viên thực hiện các hợp đồng mua bán vũ khí hay không.

Ngoại trưởng Séc Jan Lipavský nói với các phóng viên rằng nếu điều đó có nghĩa là “tìm cách mua sắm đạn dược chung và cho phép các công ty đầu tư dài hạn vào năng lực [quốc phòng], thì hãy làm điều đó”.

Ý tưởng mua đạn dược chung đã nổi lên kể từ khi nó được Thủ tướng Estonia Kaja Kallas đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo EU hồi đầu tháng này, trong bối cảnh nhiều lo ngại lan rộng rằng Ukraine sắp cạn kiệt đạn. Các quan chức hàng đầu của EU, bao gồm Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của EU Josep Borrell, sau đó thể hiện sự ủng hộ bằng các bình luận vào cuối tuần.

Tuy nhiên, chỉ riêng sự nhiệt tình thì sẽ không thúc đẩy được đề xuất. EU phải tìm được sự đồng thuận giữa tất cả quốc gia thành viên về chủ đề này, điều không bao giờ là dễ dàng ở Brussels. Chưa kể hiện nay liên minh đang thiếu một cơ chế chính thức để cùng nhau đàm phán các hợp đồng vũ khí.

Sau cuộc họp hôm 20/2, ông Borrell nhấn mạnh rằng tốc độ là điều cần thiết nhưng thừa nhận các bộ trưởng quốc phòng sẽ không nhận được đề xuất cụ thể cho đến đầu tháng tới, trước hội nghị thượng đỉnh tiếp theo của các nhà lãnh đạo EU vào cuối tháng 3.

Ông nói: “Rõ ràng là chúng ta cần khởi động các thủ tục để tăng năng lực sản xuất nhiều hơn và nhanh hơn của ngành công nghiệp châu Âu", đồng thời kêu gọi các nước quyên góp những gì họ có trong thời gian chờ đợi.

“Những tuần tới sẽ rất quan trọng. Tốc độ đồng nghĩa với sự sống”, ông Borrell nhấn mạnh.

Đặc công Ukraine phân loại các loại đạn, bom chưa nổ ở ở thị trấn Zolochiv, vùng Kharkiv, ngày 12/9/2022. Ảnh: Reuters

Tinh thần đó làm nổi bật sự thay đổi ý thức hệ lớn đang diễn ra tại EU - một liên minh hòa bình đang ngày càng chuyển sang lĩnh vực quân sự. Hiện tại, Brussels đang hoàn trả một phần cho các quốc gia quyên góp vũ khí cho Ukraine, và tham gia vào các chủ đề gây tranh cãi như viện trợ máy bay chiến đấu.

Một nhà ngoại giao EU cho rằng, cuộc xung đột ở Ukraine đã "lật ngược chính sách đối ngoại, quốc phòng và an ninh của EU theo một cách chưa từng có."

Vậy kế hoạch là gì?

Cách thức hoạt động của một hợp đồng mua sắm đạn dược do EU đứng đầu (ít nhất là trên lý thuyết) là: Thay vì để mỗi quốc gia đàm phán thỏa thuận mua đạn dược của riêng mình, EU sẽ đưa ra một hợp đồng duy nhất cho tất cả các quốc gia quan tâm, giúp giảm giá mỗi viên đạn và cho phép các công ty đẩy mạnh sản xuất để đáp ứng nhu cầu thời chiến.

Đạn dược đầu tiên sẽ đến Ukraine. Nhưng các đơn đặt hàng sau này cũng có thể được chuyển đến các nước EU cần bổ sung kho dự trữ của chính họ.

Việc mua chung đạn dược như mua vaccine COVID-19 là một khái niệm đã gây xôn xao trong nhiều tháng qua, khi châu Âu nhận ra rằng cuộc xung đột ở Ukraine sẽ còn kéo dài trong một thời gian dài nữa.

Vào tháng 11/2022, ông Borrell và ủy viên phụ trách thị trường nội khối của EU, Thierry Breton, đã viết một lá thư cho các bộ trưởng quốc phòng đề xuất một kế hoạch mua sắm vũ khí chung quy mô lớn. Họ so sánh nó với đại dịch COVID-19, khi các nước EU cho phép Brussels đàm phán một hợp đồng mua vaccine trong toàn khối.

Tuy nhiên, EU đã xem xét đề xuất này vào thời điểm đó. Và ngay cả bây giờ, việc đó vẫn sẽ mất thời gian. Các bộ trưởng ngoại giao châu Âu ủng hộ ý tưởng này hôm 20/2 cho biết không còn nhiều thời gian để lãng phí.

Ngoại trưởng Estonia Urmas Reinsalu nói với các phóng viên rằng đề xuất của nước ông sẽ chứng kiến EU đàm phán các hợp đồng mua tổng cộng một triệu quả đạn pháo 155 mm với chi phí 4 tỷ euro.

Tuy nhiên, EU sẽ làm điều đó như thế nào thì vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ.

Năm ngoái, các nước EU đã dành 500 triệu euro từ ngân sách của khối để mua sắm quốc phòng chung. Nhưng Nghị viện châu Âu vẫn chưa hoàn thiện kế hoạch và một số nhà ngoại giao cho biết khó mong đợi một thỏa thuận cuối cùng cho đến ít nhất là tháng 5.

Đạn dùng cho súng máy hạng nhẹ M249 và M4 tại căn cứ ở New Jersey, Mỹ. Ảnh: Business Insider

Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna hôm 20/2 đã đề xuất một lựa chọn khả thi, gọi là Cơ sở Hòa bình châu Âu - là một quỹ tiền ngoài ngân sách thông thường của EU, từng được sử dụng cho các nhiệm vụ ngăn ngừa xung đột, giờ được tái sử dụng làm quỹ hoàn trả cho các quốc gia gửi vũ khí cho Ukraine. Cho đến nay, quỹ này đã trao cho các quốc gia hơn 3,5 tỷ euro để giúp trang trải chi phí quyên góp vũ khí.

“Chúng tôi sẽ sử dụng cơ chế của Cơ sở Hòa bình châu Âu, một điều mới, để cho phép châu Âu mua trực tiếp đạn dược cho Ukraine", bà Colonna nói với các phóng viên.

Tuy nhiên, các nhà ngoại giao cho biết chưa có quyết định cuối cùng nào được đưa ra. Ngoài ra vẫn có những vấn đề khác cần giải quyết, chẳng hạn như liệu những giao dịch mua chung này có chỉ áp dụng cho đạn dược do châu Âu sản xuất hay không. Các nhà ngoại giao cho biết họ mong đợi điều đó, ít nhất là trong giai đoạn đầu.

Toàn bộ chủ đề nói trên sẽ nằm trong chương trình nghị sự khi các bộ trưởng quốc phòng EU tập trung vào ngày 8/3 tại Thụy Điển, nơi các quan chức cũng sẽ cân nhắc xem có nên khai thác Cơ sở Hòa bình châu Âu cho sáng kiến mua đạn chung hay không. Một số nhà ngoại giao cho biết khối có thể đồng ý thiết lập một dự án thí điểm mua chung qua cơ chế này.

Nhưng nếu kế hoạch đó thất bại, các quan chức sẵn sàng xem xét các lựa chọn phạm vi hẹp hơn - ngoại trưởng Estonia, Reinsalu cho biết.

Ông nói với Politico: “Chúng tôi chắc chắn muốn thấy một giải pháp toàn châu Âu. Nhưng nếu có trường hợp ai đó sẽ do dự trong vấn đề đó, thì chắc chắn cơ chế lựa chọn tham gia hoặc từ chối sẽ thực tế hơn".

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Politico)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/ly-do-nhieu-nuoc-eu-quan-tam-toi-y-tuong-mua-chung-dan-duoc-20230222221122203.htm