Lý do nhiều người bị ung thư phổi dù không tiếp xúc với khói thuốc

Một số người không hút thuốc nhưng vẫn bị bệnh phổi do tiếp xúc lâu với khói nhà bếp hoặc chất độc hại trong công việc.

Sáu tháng trước, ông Zhang, 50 tuổi, người Trung Quốc, bắt đầu cảm thấy đau vai, hai vợ chồng ông cho rằng đó là dấu hiệu của tuổi già. Ông sử dụng các loại dầu, bài thuốc truyền thống để giảm đau.

Tuy nhiên, tình trạng của ông Zhang không thuyên giảm, thậm chí cơn đau lan rộng hơn trên cơ thể. Bởi vậy, ông đã tới bệnh viện kiểm tra và bất ngờ khi biết mình bị ung thư phổi.

Ung thư phổi có nhiều triệu chứng dễ bị bỏ qua. Ảnh minh họa: Foxchase

Ung thư phổi có nhiều triệu chứng dễ bị bỏ qua. Ảnh minh họa: Foxchase

Ngoài các cơn ho, ung thư phổi còn nhiều dấu hiệu khác như đau đầu, nôn mửa, đau vai, lưng.

Các nghiên cứu cho thấy, những người hút thuốc có nguy cơ cao bị ung thư phổi. Đối tượng có thói quen này dễ mắc bệnh gấp 10 lần so với người không hút.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều bệnh nhân không tiếp xúc với khói thuốc lá vẫn bị ung thư phổi. Theo thống kê, 80% nữ bệnh nhân ung thư phổi ở Mỹ hút thuốc. Trong khi đó, ở Trung Quốc, 80% nữ bệnh nhân không hề hút thuốc. Dưới đây là một số nguyên nhân:

1. Người có bệnh phổi mạn tính

Người bị bệnh bụi phổi, lao dễ mắc ung thư phổi hơn những người khác. Ngoài ra, một số trường hợp viêm phổi mạn tính cũng dể chuyển thành ung thư.

2. Người tiếp xúc với chất phóng xạ

Tiếp xúc lâu dài với các chất như urani, radi dễ gây ung thư. Ngoài ra, nhiều bệnh nhân ung thư phổi là người làm trong các đơn vị liên quan tới asen, amiăng, niken... trong thời gian dài, không được bảo hộ đúng cách.

Khói tỏa ra khi nấu nướng ở nhiệt độ cao có thể tiềm ẩn các chất độc

3. Khói nhà bếp

Đây được cho là tác nhân quan trọng gây ra bệnh ung thư phổi ở phụ nữ Trung Quốc.

Trong nấu nướng, khói bếp có thể sản sinh ra acrolein. Đây là một chất không màu, mùi hắc, sinh ra khi dầu ăn đun nóng đến điểm bốc khói.

Hơi acrolein khiến mắt mũi khó chịu, kích ứng đường hô hấp. Chất này có hại cho gan, dạ dày, là nguyên nhân gây ung thư.

Acrolein và một số chất gây hại khác sản sinh khi nấu ở nhiệt độ cao. Thời gian chiên rán càng lâu, nguy cơ độc hại càng lớn. Bởi vậy, các chuyên gia khuyên hạn chế đồ chiên rán, không dùng mỡ nhiều lần.

Ngoài 3 nguyên nhân trên, các yếu tố như ô nhiễm môi trường, thói quen ăn uống và di truyền cũng có thể tác động tới sức khỏe đường hô hấp.

Bởi vậy, các bác sĩ khuyến cáo mọi người bỏ thuốc, quan tâm tới việc kiểm soát khói trong nhà bếp, bảo vệ môi trường sống, điều trị dứt điểm các bệnh mạn tính.

An Yên (Theo Aboluowang)

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/ly-do-nhieu-nguoi-bi-ung-thu-phoi-du-khong-tiep-xuc-voi-khoi-thuoc-672156.html