Lý do Nhật Bản không thể chuyển chuỗi cung ứng rời khỏi Trung Quốc

Có ý kiến cho rằng Nhật Bản quá phụ thuộc vào chuỗi cung ứng tại Trung Quốc, tuy nhiên, thực tế là nếu không đặt chuỗi cung ứng tại Trung Quốc thì kinh tế Nhật Bản thậm chí sẽ khó có thể phục hồi.

Người dân di chuyển trên một đường phố ở Tokyo, Nhật Bản, ngày 15/5/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Người dân di chuyển trên một đường phố ở Tokyo, Nhật Bản, ngày 15/5/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Báo Sankei nhận định dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã bùng phát và lan nhanh ra toàn thế giới và tác động mạnh đến chuỗi cung ứng toàn cầu, là yếu tố quan trọng tạo ra sự liên kết giữa các nền kinh tế trên thế giới.
Còn có quan điểm nhận định, sau khi dịch COVID-19 đi qua, sức ảnh hưởng của Trung Quốc trên thế giới sẽ còn tăng lên hơn nữa.
Theo kết quả điều tra của Ngân hàng dữ liệu Teikoku, thời điểm tháng 1/2020, số lượng công ty Nhật Bản đang hoạt động tại Trung Quốc là 13.646 công ty, giảm 39 công ty so với năm 2019 và giảm tới 748 công ty so với năm 2012. Lý do giải thích cho sự sụt giảm này chính là xu hướng dịch chuyển cơ sở sản xuất sang các nước Đông Nam Á.
Tuy nhiên, Teikoku cũng chỉ ra rằng các dự án đầu tư quy mô lớn mới của Nhật Bản tại Trung Quốc vẫn được lên kế hoạch và triển khai thực hiện. Trong đó, hai nước tiếp tục xây dựng cấu trúc chuỗi cung ứng đa dạng và vững chắc.
Một lãnh đạo doanh nghiệp tại thành phố Osaka đã nói rằng, nếu xây dựng cơ sở chế tạo ở nước ngoài, chắc chắn họ sẽ đặt tại Trung Quốc bởi quốc gia Đông Bắc Á này có sự khác biệt về "chất" so với các nước khác. Nếu suy nghĩ về mức độ thành thục của các công xưởng chế tạo thì rõ ràng Trung Quốc không thể bị bỏ qua.
Số doanh nghiệp Nhật Bản tiến hành hoạt động xuất nhập khẩu với Trung Quốc hiện lên tới 20.000 doanh nghiệp. Nếu tính cả các doanh nghiệp đang hoạt động tại Trung Quốc thì hiện tại có tới hơn 30.000 công ty của Nhật Bản đang triển khai hoạt động kinh doanh với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Khi đánh giá về triển vọng kinh tế thế giới hậu COVID-19, các chuyên gia đã đưa ra kịch bản chủ nghĩa bảo hộ là xu hướng chính khiến nguy cơ kinh tế thế giới thoái trào. Vậy, các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ phải đưa ra chiến lược kinh doanh như thế nào trong điều kiện như vậy?
Kể từ ngày 11 đến ngày 18/5, Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) đã khảo sát ý kiến của các doanh nghiệp hoạt động tại Trung Quốc về "Kế hoạch kinh doanh tại tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc". Trong số 83 công ty tham gia khảo sát, có 20% trả lời sẽ "mở rộng quy mô", 72% công ty trả lời rằng "không thay đổi kế hoạch trong một đến hai năm tới".
Theo Cơ quan thường trú của hãng thông tấn Kyodo tại Thượng Hải, ngày 27/5, khoảng 140 nhân viên thường trú người Nhật Bản của doanh nghiệp trong lĩnh vực ô tô đã quay trở lại thành phố Vũ Hán. Các cơ quan chức năng Trung Quốc đã cho phép những nhân viên này được nhập cảnh với mong muốn đẩy nhanh việc mở trở lại hoạt động kinh tế.
Trước khi dịch COVID-19 diễn ra, nhiều chỉ trích về toàn cầu hóa quá mức đã làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Tuy nhiên, những lời kêu gọi thực hiện chủ nghĩa bảo hộ đã làm dấy lên quan ngại về xu hướng các nước đóng băng nền kinh tế.

Trong Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai, việc đóng băng nền kinh tế, cắt giảm thương mại là một trong những nguyên nhân khiến kinh tế các nước thoái trào.
Chính phủ Nhật Bản cho rằng cần phải tiến hành tái cơ cấu chuỗi cung ứng. Trong gói chính sách kinh tế khẩn cấp để đối phó với dịch COVID-19 được Nội các thông qua ngày 20/4, Chính phủ nước này đã dành khoản tiền để tăng cường cấu trúc chuỗi cung ứng vững mạnh thông qua chiến lược đa dạng hóa và dịch chuyển cơ sở sản xuất về Nhật Bản. Rõ ràng chính phủ Nhật Bản muốn giảm sự phụ thuộc đối với Trung Quốc.
Tuy nhiên, việc đảm bảo rằng môi trường kinh tế có thể thay thế Trung Quốc là điều không hề dễ dàng. Trong cuộc họp thường niên của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 18 và 19/5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phát biểu sẽ duy trì sự ổn định của hệ thống cung ứng thế giới và sẽ nỗ lực để phục hồi kinh tế toàn cầu.
Sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, Mỹ là quốc gia tiên phong trong việc cải cách kinh tế thế giới và có được vị trí Lãnh đạo toàn cầu. Mặc dù Trung Quốc hiện nay không cho thấy được năng lực chỉ đạo cũng như sự tin cậy cần thiết, song dịch COVID-19 lần này có thể sẽ là cơ hội để Trung Quốc thể hiện tiềm lực kinh tế của mình đối với thế giới./.

Đức Thịnh (P/v TTXVN tại Tokyo)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/ly-do-nhat-ban-khong-the-chuyen-chuoi-cung-ung-roi-khoi-trung-quoc/160089.html