Lý do người Nhật dù sợ 'ế' nhưng lại ngại kết hôn?

600.000 yên là con số trợ cấp tài chính mức cao nhất cho 1 cặp đôi mới kết hôn, chuẩn bị được Chính phủ Nhật Bản áp dụng vào tháng 4 năm sau.

Nỗi lo tài chính cản trở nhiều người Nhật đi tới kết hôn

Nỗi lo tài chính cản trở nhiều người Nhật đi tới kết hôn

Mức trợ cấp cao nhất này (tương đương hơn 133 triệu VNĐ) mà Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ cho các cặp đôi nhằm chấm dứt tình trạng “ế trở thành xu thế” tới mức đáng báo động tại nước này.

Tăng gấp đôi mức hỗ trợ

Tờ Japan Times dẫn nguồn từ Chính phủ Tokyo cho biết, chương trình mới hỗ trợ các cặp vợ chồng son đi kèm điều kiện, cả vợ và chồng đều dưới 40 tuổi; những cặp đôi dưới 35 tuổi phải có tổng thu nhập dưới 5,4 triệu yên. Trong khi, theo quy định hiện hành, Nhật chỉ trợ cấp cao nhất tới 300.000 yên với các cặp đôi dưới 35 tuổi và thu nhập dưới 4,8 triệu yên.

Hiện tại, chi phí trợ cấp này do chính quyền địa phương và Trung ương chia sẻ. Tính đến tháng 7 năm nay, mới có 281 thành phố, tương đương 15% tổng số thành phố, thị trấn và làng tại Nhật áp dụng chương trình. Do đó, để phủ sóng chương trình trên diện rộng, Chính phủ Tokyo còn dự tính chịu 2/3 mức chi phí trợ cấp, bắt đầu từ năm tài khóa 2021.

Những động thái hào phóng này của Chính phủ Nhật xuất phát từ thực tế, tỉ lệ sinh của nước này đang ở mức thấp báo động; chỉ có 865.000 trẻ sinh trong năm 2019. Nguyên nhân chủ yếu là do người Nhật có xu hướng cưới muộn, thậm chí là ở vậy.

Chính sách kích thích kết hôn bằng biện pháp về kinh tế được cho là có hiệu quả vì đánh trúng nỗi khó khăn của các cặp đôi sợ xây dựng gia đình.

Theo khảo sát từ Viện Nghiên cứu An ninh xã hội và Dân số Quốc gia Nhật, năm 2015, có 29,1% đàn ông độc thân trong độ tuổi 25 - 34 và 17,8% phụ nữ độc thân trong cùng độ tuổi quyết định không kết hôn vì nỗi lo tài chính.

Mặt khác, dữ liệu của Chính phủ chỉ ra, khoảng 1/4 người Nhật trong độ tuổi “cập kê” từ 20 - 49 nhưng vẫn chọn độc thân, phần lớn vì thái độ xã hội cổ hủ và nặng nề áp lực kinh tế.

Giáo sư xã hội học, ông Masahiro Yamada đến từ Đại học Chuo, Tokyo cho biết, trong xã hội Nhật đang tồn tại tư tưởng không muốn xây dựng quan hệ tình cảm với người thấp hơn tiêu chuẩn của mình. Họ cho rằng, đây là việc phí phạm thời gian nên họ cố chờ đợi để kiếm được người tốt hơn. “Tỉ lệ chưa kết hôn sẽ còn tiếp tục cao nếu phụ nữ không chấp nhận việc kết hôn với một người đàn ông thu nhập thấp hơn”, ông Yamada ước đoán.

“Kết hôn với công việc”

Một bộ phận người Nhật khác lại sợ lập gia đình vì tư tưởng đặt công việc lên trên hết. Họ mải mê làm việc đêm ngày và ngại tìm hiểu, tiếp xúc với người khác giới. Trong buổi tiệc se duyên do một công ty môi giới hôn nhân tổ chức, có một khách hàng đã 74 tuổi. Ông đến đây không phải tìm vợ cho mình mà cho con trai 46 tuổi.

Vị khách chia sẻ: “Con trai tôi làm nhân viên kinh doanh. Cháu gặp gỡ và giao tiếp rất nhiều khách hàng nhưng lại e ngại khi gặp phụ nữ”. Ngay cả sự kiện tìm kiếm ý chung nhân của chính mình, anh con trai còn không tự mình tham gia mà để người cha 74 tuổi cất công tham dự… vì quá bận.

Chính xu hướng này kéo theo nhiều người Nhật tìm ý chung nhân ngay tại nơi làm việc. Một khi công việc bấp bênh thì cơ hội tìm vợ/chồng càng ít ỏi. Trong những thập kỷ sau Thế chiến thứ II, Nhật Bản xây dựng nền kinh tế phần lớn dựa trên những doanh nghiệp khổng lồ, những người lao động tận tụy và chăm chỉ phấn đấu sẽ chắc chắn có công việc ổn định trọn đời.

Nhưng nay mọi thứ đã biến đổi, không còn chỗ cho những công việc vững bền mãi mãi. Từ những năm đầu của thập kỷ 90, tỉ lệ nhân viên hợp đồng, không ổn định tăng từ khoảng 15% lên mức 40%. “Bối cảnh mức thu nhập thấp, số lượng công việc bất ổn tăng mạnh cùng nỗi sợ bị sa thải bất cứ lúc nào khiến người Nhật không còn tâm trí nghĩ đến kết hôn và xây dựng gia đình”, ông Shuchiro Sekine người đứng đầu Hiệp hội Thương mại đại diện cho các công nhân làm việc theo hợp đồng nhận định.

Theo nghiên cứu của Chính phủ công bố năm nay, trong 10 người lao động ở độ tuổi 30 - 34, chỉ có 6 người kết hôn.

Ông Shigeki Matsuda, chuyên gia về xã hội học tại Đại học Chukyo ở tỉnh Aichi gọi hiện tượng không muốn xây dựng quan hệ tình cảm với người thấp hơn tiêu chuẩn của mình là “hôn nhân cùng đẳng cấp”. “Phụ nữ Nhật thường có xu hướng tìm kiếm người có cùng đẳng cấp giáo dục và nghề nghiệp cao hơn họ”, ông Matsuda nói.

Bằng chứng rõ nhất có thể thấy ở những bữa tiệc “se duyên”. Người ta thường thấy sự việc, một nhóm phụ nữ xếp hàng chỉ để trao đổi thông tin liên lạc với một trong những người đàn ông có thu nhập cao nhất trong nhóm.

Trang Trần

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/ly-do-nguoi-nhat-du-so-e-nhung-lai-ngai-ket-hon-d480182.html