Lý do người Nhật Bản thường không dành phòng học riêng cho con trẻ

Đa số trẻ em trên thế giới đều có phòng học riêng, nhưng ở Nhật Bản khái niệm này dường như không tồn tại. Vì sao lại vậy?

Trong khi hầu hết các bậc phụ huynh trên khắp thế giới đều muốn con mình ngồi học trong điều kiện tốt nhất, có phòng học riêng để các bé có thể tập trung học hành, thì Nhật Bản lại đi ngược với xu hướng này.

Trẻ em ở đất nước "Mặt trời mọc" không có không gian riêng tư để phát triển, mà thay vào đó chúng sẽ ngồi học và sinh hoạt tại phòng khách.

Điều này khiến nhiều người khó hiểu về cách dạy con của các bố mẹ Nhật, vì họ nghĩ nếu không có phòng học riêng, bọn trẻ sẽ gặp vô vàn khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức.

Trẻ em Nhật Bản thường ngồi học và sinh hoạt tại phòng khách. (Nguồn: AFP)

Thực ra, đã là bố mẹ thì ai cũng muốn đem đến điều tốt nhất cho con cái mình, người Nhật Bản cũng không ngoại lệ. Họ biết phải làm thế nào để tối ưu hóa sự phát triển của trẻ nhỏ mà không ảnh hưởng đến những thành viên trong gia đình, và cách làm trên là một ví dụ điển hình.

Thứ nhất, với diện tích hạn hẹp của những căn hộ phổ thông ở Nhật, nếu dành cho bé một phòng riêng để học hành thì đồng nghĩa với việc phải “cắt xén” đi một phòng làm việc dành cho người lớn.

Điều này sẽ tập cho những ông bố sự lười biếng, khi phải đọc sách hay làm việc ở điều kiện ồn ào. Họ sẽ bù đắp thời gian trống này bằng cách xem TV hay chơi game để tiêu khiển, lâu dần sẽ hình thành một thói quen xấu và gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

Bởi lẽ hành động này khiến cơ thể trở nên mệt mỏi hơn và làm suy giảm tinh thần làm việc, sáng tạo đi đáng kể, đồng thời, sẽ làm giảm uy quyền và “mài mòn” sự tôn trọng của con cái dành cho người trụ cột trong gia đình.

Thứ hai, nếu tạo cho con một căn phòng riêng chỉ để phục vụ cho việc học, các bậc phụ huynh sẽ rất khó kiểm soát hoạt động của trẻ. Trẻ em thường rất hiếu động, chúng sẽ bày đủ trò chơi khi không bị ai quản lý. Có nhiều bé tự tạo cho mình lớp “vỏ bọc” khi đóng kín cửa phòng như thể đang chăm chỉ học bài, nhưng thực chất để chơi điện tử hay đọc truyện.

Trẻ em ngồi học giữa không gian mở sẽ hình thành thói quen tập trung cao độ. (Nguồn: Your Home in Japanese)

Bên cạnh đó, việc bố trí phòng học cho con sẽ khiến lũ trẻ bị cách ly với các hoạt động của cả gia đình. Chúng sẽ không biết người lớn đã vất vả như thế nào để dọn dẹp nhà cửa hay nấu bữa ăn ngon, dẫn đến việc không biết trân trọng công sức của người khác.

Cuối cùng, nguyên nhân quan trọng nhất khiến người Nhật không xây phòng học cho con đó là, lũ trẻ sẽ hạn chế chia sẻ và thấu hiểu với các thế hệ thành viên trong gia đình.

Nhiều đứa trẻ sẽ viện cớ phải học bài và trốn vào không gian riêng để thỏa thích làm những điều mình muốn. Việc này kéo dài sẽ tạo thành khoảng cách giữa bố mẹ và con cái.

Ngược lại, khi trẻ em ngồi học giữa không gian mở với nhiều tiếng ồn, chúng sẽ hình thành thói quen tập trung cao độ. Điều này sẽ giúp trẻ hoàn thành tốt công việc được giao mà không bị phân tán tư tưởng. Thêm vào đó, nó còn giúp gắn kết những thành viên trong gia đình lại với nhau.

(theo Dân trí/AT)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ly-do-nguoi-nhat-ban-thuong-khong-danh-phong-hoc-rieng-cho-con-tre-93764.html