Lý do Mỹ quay lại sử dụng cường kích cánh quạt như thời ở Việt Nam

Máy bay cường kích cánh quạt AT-6 Wolverine dù có vẻ ngoài lạc hậu, tuy nhiên vẫn được Không quân Mỹ lựa chọn để bổ sung cho biên chế lực lượng.

Không quân Mỹ vừa cho nhập biên chế chiếc cường kích cánh quạt AT-6 Wolverine đầu tiên. Đây là loại cường kích được phát triển từ dòng huấn luyện cơ T-6 Texan II huyền thoại của Mỹ.

Không quân Mỹ vừa cho nhập biên chế chiếc cường kích cánh quạt AT-6 Wolverine đầu tiên. Đây là loại cường kích được phát triển từ dòng huấn luyện cơ T-6 Texan II huyền thoại của Mỹ.

Đây là thông tin khiến không ít người phải giật mình, đơn giản là do giờ đã là thế kỷ 21, Mỹ lại quay trở lại sử dụng máy bay có động cơ cánh quạt như thời ở Chiến tranh Việt Nam.

Lý giải cho điều này, nhiều chuyên gia quân sự cho biết, Không quân Mỹ chuyển sang sử dụng cường kích cánh quạt AT-6 là vì vấn đề chi phí.

Hiện tại, không quân Mỹ chỉ sử dụng duy nhất máy bay A-10 vào nhiệm vụ cường kích. Tuy nhiên số lượng của loại máy bay này là không nhiều và nó cũng không phù hợp với những nhiệm vụ đòi hỏi quá nhiều thời gian do lượng nhiên liệu có hạn.

Việc sử dụng tiêm kích chiến đấu vào các nhiệm vụ cường kích là quá tốn kém chi phí, chưa kể tính hiệu quả sẽ không cao bằng một loại máy bay được thiết kế chuyên biệt cho nhiệm vụ này.

AT-6 Wolverine tỏ ra phù hợp hơn cả. Với việc sử dụng động cơ cánh quạt, loại máy bay này sẽ có chi phí vận hành rất thấp, rẻ hơn nhiều so với các loại máy bay phản lực thông thường.

Ngoài ra, với thiết kế cánh quạt, máy bay cường kích AT-6 Wolverine sẽ có tốc độ bay tối thiểu rất chậm, cho phép phi công thực hiện bổ nhào chính xác vào mục tiêu đã định.

Một yếu tố cực kỳ quan trọng, đó là Không quân Mỹ thường xuyên chiếm ưu thế trên không ở mọi nơi xảy ra giao tranh. Điều này đồng nghĩa với việc hệ thống phòng không cũng như không quân của đối phương sẽ khó có thể tiếp cận và bắn hạ được các máy bay AT-6 Wolverine.

Tuy nhiên, điểm yếu của loại máy bay này đó là nó có thể dễ dàng bị bắn hạ bởi các loại vũ khí bộ binh, lối đánh phòng không theo kiểu du kích sẽ khiến AT-6 Wolverine có khả năng bị "vít cổ" rất cao.

Để tối thiểu chi phí vận hành cũng như tăng tối đa năng lực sản xuất, máy bay cường kích AT-6 Wolverine có thể sử dụng chung tới 85% số linh kiện với huấn luyện cơ T-6 Texan II.

Ngoài ra, máy bay cường kích AT-6 Wolverine cũng có thể tương thích với 35 loại vũ khí khác nhau của Không quân Mỹ, trong đó bao gồm các cấu hình vũ khí để tấn công mặt đất, trinh thám, truyền tiếp thông tin,...

Điều này giúp AT-6 Wolverine có thể phù hợp với nhiều nhiệm vụ bay khác nhau, từ cường kích cơ, trinh sát cơ cho tới việc bao quát trận địa, chỉ điểm mục tiêu cho máy bay phản lực tấn công.

Theo nhiều nguồn tin, giá thành vận hành của AT-6 Wolverine chỉ vào khoảng dưới 1000 USD cho mỗi giờ. Nếu thông tin trên là chính xác, đây cũng sẽ là loại máy bay có chi phí sản xuất và vận hành "rẻ mạt" nhất của Mỹ. Nguồn ảnh: Twitter.

Cường kích cơ AT-6 Wolverine với khả năng cơ động tốt ở độ cao thấp và tốc độ chậm. Nguồn: AOPA.

Trần Trân

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/ly-do-my-quay-lai-su-dung-cuong-kich-canh-quat-nhu-thoi-o-viet-nam-1510911.html