Lý do Gia Cát Lượng không sợ bỏ mạng khi dùng kế 'thuyền cỏ mượn tên' trước quân Tào Tháo?

Nếu Tào Tháo dùng cung tên có mồi lửa tấn công thuyền của Gia Cát Lượng trong điển tích 'thuyền cỏ mượn tên' thì Gia Cát Lượng có thể phải bỏ mạng.

Tính toán thần sầu như Gia Cát Lượng vẫn có sơ hở

Trong tác phẩm "Tam Quốc diễn nghĩa" của La Quán Trung, Gia Cát Lượng được mô tả như một nhân vật "thần cơ diệu toán" với việc đề ra các kế sách có tính chiến lược dài hạn như "Long Trung đối sách" cho đến chiến thuật quân sự như "thuyền cỏ mượn tên" và "không thành kế" khi đối đầu quân Tào.

Nhưng hậu thế vẫn có những thắc mắc đối với các kế sách của Gia Cát Lượng. Vì trong những "chiêu" mà ông sử dụng vẫn tiềm ẩn những rủi ro. Ví dụ số phận ông sẽ ra sao khi quân đội của Tư Mã Ý vẫn quyết xông vào tòa thành trống, không có binh lính mà ông sắp đặt?

Hoặc tranh cãi nhiều nhất chính là ông có thể phải chết trên sông khi dùng kế "thuyền cỏ mượn tên", bởi có thể Tào Tháo thay vì dùng tên thường để tấn công thì sẽ cho thuyền của ông nhận hỏa tiễn (tên có tẩm lửa ở đầu mũi).

Thuyền cỏ của Gia Cát Lượng được tạo hình trong phim Tam Quốc diễn nghĩa 2010 (Ảnh: youtube.com)

Thuyền cỏ của Gia Cát Lượng được tạo hình trong phim Tam Quốc diễn nghĩa 2010 (Ảnh: youtube.com)

"Thuyền cỏ mượn tên" trong tác phẩm Tam Quốc diễn nghĩa xảy ra vào thời điểm trước khi trận thủy chiến Xích Bích vang danh nổ ra. Bối cảnh của nó trong tiểu thuyết được miêu tả khá sát với lịch sử khi 80 vạn quân của Tào Tháo tiến xuống miền Nam đối đầu với chỉ khoảng 5 vạn quân liên minh giữa Lưu Bị và Tôn Quyền. Được La Quán Trung mô tả từ hồi 43 đến 50 của tác phẩm.

Khi trận chiến gần kề thì Chu Du, chủ soái của Đông Ngô giao cho Gia Cát Lượng một công việc mà theo Chu Du là không thể thực hiện – tạo 10 vạn mũi tên trong 10 ngày để phục vụ trận đánh sắp tới.

Nhưng Gia Cát Lượng thậm chí cam kết chỉ cần ba ngày để hoàn thành, nếu không xin nhận tội chết. Ý đồ của Chu Du cũng là muốn tiêu diệt Gia Cát Lượng nhằm giúp nước Ngô bớt một địch thủ đáng gờm sau này.

Tuy nhiên, Gia Cát Lượng đã dùng hàng chục chiến thuyền nhỏ bên ngoài bọc rơm rồi đến thủy trại của Tào Tháo khiêu chiến, quân Tào đã bắn loạn tiễn để đuổi kẻ địch. Các mũi tên cắm khắp thuyền rơm giúp ông có chiến lợi phẩm rất lớn.

Kết quả, Gia Cát Lượng dễ dàng hoàn thành cam kết với Chu Du. Thực ra đến nay có giả thiết cho rằng nếu Tào Tháo dùng hỏa tiễn thì tính mạng của Gia Cát Lượng không còn.

Nhưng với 5 lý do sau đây, chúng ta có thể hiểu được rằng việc Tào Tháo dùng hỏa tiễn là điều gần như không xảy ra.

Trong các tác phẩm điện ảnh luôn miêu tả Gia Cát Lượng đi cùng Lỗ Túc để "mượn tên" quân địch. Ảnh minh họa từ phim, nguồn: Internet

Những điều này sẽ khiến quân Tào không muốn dùng hỏa tiễn

Thứ nhất là về mặt thời gian, đây là một trận đánh nhỏ, Gia Cát Lượng huy động chỉ vài chục thuyền rơm không lớn và cũng chỉ đứng từ xa đánh trống khiên chiến một cách bất ngờ. Quân Tào khi đó không có đủ thời gian để chuẩn bị hỏa tiễn.

Trong quân đội thì cung tên luôn sẵn có trên vai những người lính. Nhưng mũi tên tẩm dầu và đốt lửa thì phải chuẩn bị từ trước chứ binh lính không thể mang theo một cách đơn giản như cung tên được. Việc đối mặt với một trận đánh bất ngờ thì cung tên thường sẽ được sử dụng ngay chứ không thể đợi chuẩn bị.

Thứ hai là về mặt kỹ thuật, cung tên đầu bọc lửa (hay hỏa tiễn) có thể gây bỏng, nhưng để lửa cháy lâu và khi bay đi trong gió không bị tắt phải bọc một loại vải đồng thời tẩm dầu lên. Như vậy thì sức sát thương trên góc độ vật lý của mũi tên sẽ giảm, tác dụng chủ yếu là chuyển sang gây cháy mục tiêu mà thôi.

Hỏa tiễn thường đường dùng để công phá vào các vật thể trong phạm vi lớn và liền khối như thành trì, doanh trại hay chiến thuyền lớn được liên kết với nhau cồng kềnh ngay trong trận Xích Bích. Còn thuyền của Gia Cát Lượng là thuyền nhỏ, rời rạc, linh hoạt nên việc sử dụng hỏa tiễn để tiêu diệt thì không hợp lý.

Thứ ba, về mặt thời tiết, trong Tam Quốc diễn nghĩa miêu tả Gia Cát Lượng trong trận này đã chọn ngày có sương mù lớn để khiêu chiến quân Tào. Sương mù lớn sẽ khiến khả năng quan sát bị hạn chết rất nhiều, quân Tào sợ phục binh sẽ không lao ra đánh mà chỉ dùng loạn tiễn để áp chế đối thủ.

Hơn nữa, việc chỉ nhìn thấy thuyền của đối phương trong sương mù khiến quân Tào không nhận ra đó là thuyền bọc rơm, ít quân lính, khi tài mà coi đó là một đạo quân đông đủ bình thường.

Thứ tư, về mặt kinh phí, việc sử dụng lại binh khí của bị rơi rớt lại trên chiến trường là điều khá phổ biến trong các cuộc chiến tranh thời cổ – trung đại. Dù quân Tào mang danh nghĩa triều đình và có nguồn tiền bạc lớn nhưng họ vẫn sẽ thu lại những thứ như cung tên còn dùng được sau một trận đánh.

Đặc biệt là số lượng quân của họ rất đông nên việc tiết kiệm khí tài là cần thiết. Có khả năng quân Tào cũng tính toán đến việc hạn chế dùng hỏa tiễn vì hỏa tiễn là khí tài chỉ dùng được một lần. Sẽ được ưu tiên trong các trận đánh lớn.

Thay vào đó, về lí mà nói thì trận chiến nhỏ với số ít thuyền của Gia Cát Lượng sau khi kết thúc có thể cử người ra thu lại số cung tên trên chiến trường như các trận đánh khác.

Thứ năm, nguy cơ thuyền cả hai bên bị cháy. Về lý mà nói, nếu quân Tào dùng hỏa tiễn thì đối phương sẽ bị thiêu rụi trên thuyền hoặc phải chấp nhận nhảy xuống sông chết đuối chứ không có cửa chạy thoát.

Tuy nhiên, trong thực tế chiến trường, sự hỗn loạn là điều tất yếu. Thủy quân của Gia Cát Lượng tuy ít, chiến thuyền nhỏ, nhưng đặt trường hợp họ bị hỏa tiễn tấn công và lửa cháy trên thuyền thì họ sẽ buộc phải lao về phía thủy trại quân Tào đang đóng gần bờ theo kiểu "được ăn cả, ngã về không".

Hoặc các chiến thuyền đang cháy nếu không có ai điều khiển cũng có thể bị trôi vào gần thủy trại. Như vậy, thủy trại của quân Tào cũng sẽ đối mặt với việc bị "giặc lửa" hỏa thiêu. Vô cùng nguy hiểm.

Trong lịch sử quân sự thế giới cũng đã có những trận đánh mà ngọn lửa có vai trò như "quân đội chính quy". Ảnh: Internet

Như vậy, giả thiết đặt ra rằng Tào Tháo có khả năng dùng hỏa tiễn dánh "thuyền cỏ" của Gia Cát Lượng xem chừng không hợp lý về nhiều mặt nếu xét thực tế chiến trường.

Dù sao thì đây cũng là tình tiết hư cấu của La Quán Trung trong tác phẩm của mình nhưng ông đã dựa trên sự thật lịch sử với hoàn cảnh cũng là trước trận Xích Bích.

Theo Tam Quốc Chí của Trần Thọ thì Tôn Quyền mới là người dùng "thuyền cỏ mượn tên" nhưng cũng hoàn toàn tình cờ. Cụ thể, năm 213 thời Đông Hán, khi Tào Tháo kéo quân đến Xích Bích thì Tôn Quyền đã dùng một chiến thuyền nhỏ bí mật do thám thủy trại quân địch và bị Tào Tháo phát hiện.

Ông ta lệnh cho dùng loạn tiễn bắn, thế là một bên thuyền chi chít những mũi tên và mất thăng bằng, Tôn Quyền lệnh quay mạn thuyền bên kia lại hứng tên, khi 2 bên thuyền cân bằng trở lại thì nhanh chóng chạy thoát.

Còn vào thời nhà Đường, có sự việc tương tự xảy ra khi tướng nhà Đường là An Lộc Sơn dấy binh làm phản, một viên tướng khác là Trương Tuần được cử đi đánh dẹp trong một trận giao tranh đã dùng mưu ban đêm làm người rơm áp sát chân tường thành địch, quân của An Lộc Sơn bắn loạn tiễn tiêu diệt, kết quả Trương Tuần dùng người rơm thu được 10 vạn mũi tên làm chiến lợi phẩm.

Qua đó chúng ta có thể thấy ngay cả thực tế các trận đánh trong lịch sử cũng không dùng hỏa tiễn một cách bừa bãi được.

Theo Hoàng Hiệp/Helino

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/ly-do-gia-cat-luong-khong-so-bo-mang-khi-dung-ke-thuyen-co-muon-ten-truoc-quan-tao-thao/20190905091205194