Lý do gì khiến VNG tiếp tục rót vốn vào TiKi dù liên tiếp nhận về những khoản lỗ 'khổng lồ'?

Lợi nhuận 6 tháng đầu năm sụt giảm mạnh, VNG vẫn quyết tâm rót thêm gần 122 tỷ đồng để nâng mức sở hữu tại TiKi lên mức 29% bất chấp doanh nghiệp này liên tục mang về những khoản lỗ hàng trăm tỷ đồng.

Ảnh minh họa.

Công ty cổ phần VNG vừa công bố báo cáo tài chính kiểm toán bán niên năm 2018, trong đó đáng chú ý có khoản đầu tư vào CTCP Ti Ki (TiKi) – một trong những sàn thương mại điện tử hàng đầu hiện nay.

Cụ thể, VNG đã tiếp tục rót thêm gần 122 tỷ đồng để mua cổ phần của TiKi trong đợt chào bán riêng lẻ trong nửa đầu năm 2018 qua đó nâng tổng giá trị đầu tư vào TiKi vượt 506 tỷ đồng. Đây cũng là khoản đầu tư lớn nhất của VNG vào một công ty liên kết được thể hiện trên báo cáo tài chính.

Bên cạnh đó, tính đến hết thời điểm 30/06, VNG cũng đang nắm giữ 50% quyền sở hữu và 49% quyền biểu quyết đối với All Best Asia Group Limited (ABA) – đơn vị phát triển phần mềm của Hồng Kông đồng thời nắm giữ 49% quyền sở hữu và quyền biểu quyết của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Truyền thông Thanh Sơn – doanh nghiệp kinh doanh thẻ trò chơi và thẻ điện thoại trả trước.

Thực tế, những khoản đầu tư này không mang lại nhiều lợi nhuận cho VNG thậm chí còn lỗ ròng hàng trăm tỷ đồng đặc biệt như trường hợp của TiKi. Theo số liệu từ báo cáo tài chính bán niên của VNG, tính đến hết 30/06/2018, phần lỗ mà TiKi mang lại đã lên đến 321 tỷ đồng, khoản đầu tư vào ABA cũng lỗ 15 tỷ đồng trong khi Thanh Sơn chỉ mang về cho VNG 8,8 tỷ đồng lãi.

Vậy lý do gì khiến VNG vẫn tiếp tục rót vốn vào TiKi bất chấp doanh nghiệp này liên tục mang về những khoản lỗ lớn?

Sức hút từ “miếng bánh” thương mại điện tử

Sức hấp dẫn của thị trường thương mại điện tử Việt Nam đã được phân tích và mổ xẻ từ lâu nhưng đây là cuộc chơi cực kỳ khốc liệt. Ngành thương mại điện tử vẫn thường được ví von là "cuộc đua nướng tiền" của đại gia khi mà biên lợi nhuận vô cùng thấp trong khi các chi phí liên quan đến bán hàng, logistics, khuyến mãi thu hút người dùng… đều rất lớn.

Để chuẩn bị cho cuộc chiến dài hơi tại thị trường Việt Nam, Shopee được công ty mẹ là Tập đoàn SEA của Singapore bơm vốn rất mạnh. Trong 6 tháng đầu năm 2018, SEA đã tăng thêm hơn 1.200 tỷ đồng (~50 triệu USD) vốn điều lệ cho Shopee Việt Nam. Tuy nhiên, dù mới chính thức ra mắt từ tháng 8/2016, Shopee cũng nhanh chóng báo lỗ 164 tỷ đồng ngay trong năm 2016. Sang năm 2017, mức lỗ tăng lên hơn 600 tỷ đồng.

Hay như Sendo mới đây cũng đã huy động được 51 triệu USD từ 8 nhà đầu tư, lần huy động được đánh giá là một trong những vòng gọi vốn lớn nhất từ trước đến nay với một startup Việt. Tổng giá trị giao dịch trên nền tảng này trong ba năm gần nhất đã tăng gấp gần 20 lần. Và với khoản vốn mới đây, Sendo không giấu tham vọng sẽ tiếp tục mở rộng, hướng tới mục tiêu nâng tổng giá trị giao dịch đạt 1 tỷ USD vào năm 2020.

Dù cũng “đốt tiền” như những sàn thương mại điện tử khác nhưng không thể phủ nhận những lợi ích mà TiKi mang lại cho VNG.

Thực tế, doanh thu của Tiki Trading - doanh nghiệp phụ trách việc bán hàng trên trang thương mại điện tử Tiki.vn đã vượt mốc 1.000 tỷ đồng vào năm 2017. Trong ba năm gần nhất, doanh thu trên nền tảng thương mại điện tử này đã tăng gấp gần ba lần. Đây có thể là một trong những lý do quan trọng khiến VNG quyết tâm gia tăng tỷ lệ sở hữu của mình tại Ti Ki.

Câu chuyện về sở hữu

Trong đợt chào bán riêng lẻ của TiKi hồi đầu năm nay, VNG cùng với JD.com của Trung Quốc và STIC từ Hàn Quốc là 3 nhà đầu tư tham gia mua. VNG dù chỉ rót khoảng 10% trong tổng số 1.300 tỷ đồng đợt huy động nhưng cũng đủ để duy trì một tỷ lệ cổ phần sở hữu 29%, cao hơn khoảng 8% so với JD.com.

Gắn bó với TiKi ngay từ ngày đầu, VNG sẽ không muốn thành quả nuôi lớn startup này bị một nhà đầu tư khác hớt tay trên. Theo DealstreetAsia, nhiều khả năng trong năm 2019, Tiki sẽ thực hiện vòng gọi vốn Series D với kế hoạch huy động từ 50 - 100 triệu USD và JD.com sẽ là một trong những nhà đầu tư tiềm năng tiếp tục tham gia vào vòng này.

Nếu không tiếp tục bỏ thêm vốn trong đợt phát hành đầu năm 2018, có thể cái giá mà VNG phải bỏ ra vào năm 2019 sẽ còn cao hơn khi TiKi vẫn đang tăng trưởng. Thực tế, sở hữu của VNG đã xuống gần bằng với tập đoàn thương mại điện tử lớn thứ hai ở Trung Quốc, trong khi JD.com vẫn đang có ý định tiếp tục gia tăng sở hữu.

Doanh thu, lợi nhuận VNG giảm nhẹ

Trở lại với báo cáo của VNG, tính đến hết tháng 6, tổng tài sản của VNG tăng 1,5% so với đầu năm lên mức 4.365 tỷ đồng. Trong đó, tài sản ngắn hạn chiếm 76,3% tổng tài sản với gần một nửa là các khoản tiền gửi ngân hàng dưới 1 năm với lãi suất từ 6,3% - 8,2%.

Thời điểm 30/06, Vốn chủ sở hữu của VNG đạt mức 3.721 tỷ đồng trong đó khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tích lũy tới 4.866 tỷ đồng bên cạnh 510 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần và gần 2.007 tỷ đồng cổ phiếu quỹ.

Về kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, VNG ghi nhận 2.066 tỷ đồng doanh thu, giảm nhẹ 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái tuy nhiên do chi phí bán hàng tăng mạnh gần 300 tỷ đồng khiến lợi nhuận sau thuế của VNG giảm 58% so với nửa đầu năm ngoái, xuống mức 241 tỷ đồng. Lợi nhuận thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 244 tỷ đồng.

Kế hoạch kinh doanh năm 2018, VNG đặt mục tiêu doanh thu tăng 17% lên 5.006 tỷ đồng trong khi lợi nhuận lại giảm 41,5% xuống 549 tỷ đồng - tương đương với lợi nhuận của năm 2016. VNG không đưa ra các thông tin cụ thể dẫn đến việc đặt kế hoạch lợi nhuận giảm mạnh. Như vậy, sau nửa năm, VNG mới thực hiện 41,3% kế hoạch doanh thu và 44,4% kế hoạch lợi nhuận.

THANH HÀ

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-doanh/ly-do-gi-khien-vng-tiep-tuc-rot-von-vao-tiki-du-lien-tiep-nhan-ve-nhung-khoan-lo-khong-lo-3467483.html