Lý do gì khiến nhiều nhân tài người Việt chưa về nước cống hiến?

Chương trình kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam sẽ quy tụ 100 gương mặt trẻ có nhiều thành tựu nổi bật về nghiên cứu khoa học công nghệ từ khắp các nước trên thế giới.

Tận dụng mọi lợi thế từ cuộc cách mạng 4.0

Phát biểu tại buổi họp báo giới thiệu về “Chương trình kết nối Mạng lưới đổi mới sáng tạo”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang làm thay đổi mạnh mẽ thế giới ngày nay từ phương thức sản xuất, cung ứng dịch vụ, sản xuất Kinh doanh đến cách thức tiêu dùng, cách thức giao tiếp và thậm chí thay đổi cả con người. Đây là động lực mới cho cải cách phát triển, mang tính đột phá, là cơ hội vàng để Việt Nam có thể bắt kịp, đi cùng và vượt lên về phát triển công nghệ và kinh tế.

Theo ông Nguyễn Chí Dũng, trong các kỳ họp, các chính sách mới được đưa ra, Đảng, Chính phủ luôn quan tâm đặc biệt tới ảnh hưởng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tới kinh tế-xã hội Việt Nam. Đồng thời, nhấn mạnh nếu không nắm bắt được những cơ hội rộng mở từ cuộc cách mạng này, Việt Nam có thể sẽ bị tụt hậu so với bạn bè thế giới.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: Bảo Lâm

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: Bảo Lâm

“Việt Nam chúng ta đang phấn đấu tới mục tiêu vô cùng quan trọng là làm sao để trở thành một nước công nghiệp sau năm 2020. Đây là thách thức, nhiệm vụ rất lớn nhưng chúng ta có thể vượt qua nếu tận dụng được cơ hội cuộc cách mạng 4.0. Để làm được điều này, chúng ta cần phải xây dựng chiến lược quốc gia về 4.0, mang tầm nhìn dài hạn, bài bản, tranh thủ cơ hội, vượt qua thách thức.

Riêng về vấn đề này, thời gian qua, Chính phủ cũng đã giao nhiệm vụ cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải hoàn thành 3 việc lớn. Thứ nhất là xây dựng chiến lược quốc gia về 4.0. Chiến lược này hiện đang được xây dựng sơ bộ, dự kiến tới cuối năm nay sẽ đưa ra lấy ý kiến rộng rãi để báo cáo Thủ tướng phê duyệt. Sau đó, đưa chiến lược này vào thực tiễn để triển khai thực hiện nhanh nhất có thể.

Hai là, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ xây dựng đề án thành lập “Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia” để tạo hệ sinh thái, tạo môi trường thúc đẩy nghiên cứu khoa học, nghiên cứu đổi mới sáng tạo hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế trong nước phát triển.

Ba là, đẩy mạnh thực hiện nội dung Nghị quyết TƯ 7 trong đó có đề cập tới việc xây dựng chiến lược thu hút nhân tài người Việt, đẩy mạnh chính sách thu hút nhân tài Việt Nam hiện đang sinh sống, công tác tại nước ngoài. Từ đó, xây dựng một mạng lưới kết nối giữa lực lượng khoa học công nghệ trong nước với lực lượng khoa học công nghệ người Việt ở nước ngoài”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, việc tập hợp, quy tụ người Việt tài năng trong các lĩnh vực khoa học công nghệ để phục vụ, đóng góp cho đất nước luôn được Đảng, Nhà nước coi trọng. Điều này nhằm thu hút nhân tài, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam trong tương lai, khắc phục những thiếu sót, hạn chế trong tiếp cận công nghệ của nước ta với các nền khoa học công nghệ phát triển trên thế giới.

Bộ trưởng chia sẻ thêm, nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khởi xướng và chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Ngoại giao, Bộ Giáo dục & Đào tạo và nhiều cơ quan, đơn vị khác cùng một số địa phương, tổ chức “Chương trình kết nối Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam”.

Chương trình là sáng kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhằm quy tụ và huy động tối đa nguồn lực là các chuyên gia, nhà nghiên cứu trẻ người Việt được đào tạo bài bản và đang làm việc tại các quốc gia có nền tảng khoa học công nghệ phát triển. Chương trình sẽ tạo sự liên kết gắn bó giữa khoa học, công nghệ trong và ngoài nước với hàng loạt chuyên gia, nhà nghiên cứu khoa học có tiếng tăm. Từ đó, lan tỏa thành những động lực đổi mới sáng tạo mạnh mẽ, tạo ra sự đổi thay về diện mạo và trình độ phát triển công nghệ của Việt Nam.

100 chuyên gia trẻ sẽ là nòng cốt

Cùng chia sẻ tại cuộc họp báo, ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế Quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, mục tiêu của chương trình là chia sẻ tầm nhìn, quan điểm chiến lược của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ về cơ hội tiếp cận và tận dụng những thành tựu khoa học công nghệ hiện nay vào các ngành, lĩnh vực trọng yếu, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững trong thời gian tới.

Cùng đó, thu hút sự quan tâm, đóng góp của giới trí thức người Việt ở nước ngoài đang nghiên cứu, công tác trong những ngành, lĩnh vực khoa học công nghệ hàng đầu để tham gia trực tiếp, ngay từ đầu vào việc triển khai các chiến lược phát triển khoa học công nghệ tại Việt Nam thời gian tới.

Đồng thời, tạo dựng mạng lưới và hệ sinh thái kết nối các giá trị tri thức nhân loại; tạo cơ chế cộng tác, làm việc linh hoạt cho các chuyên gia trong và ngoài nước nhằm phát huy tối đa sự sáng tạo theo khả năng cam kết của mỗi cá nhân để phát triển khoa học, công nghệ tại Việt Nam.

“Mỗi chuyên gia, nhân tài của Việt Nam ở nước ngoài luôn có những lý do riêng, nỗi băn khoăn riêng và có tinh thần muốn cống hiến, góp sức cho sự phát triển đất nước nói chung và khoa học công nghệ nói riêng. Việc của chúng ta là phải tìm ra điều gì khiến họ trăn trở, lý do nào khiến họ chưa thể về Việt Nam cống hiến. Từ đó, đề xuất chính sách hợp lý để quy tụ họ, kết nối họ cùng tham gia vào mục tiêu chung của chúng ta là phát triển nghiên cứu, thúc đẩy đổi mới sáng tạo”, ông Phương nhấn mạnh.

Quang cảnh buổi họp báo giới thiệu Chương trình kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam. Ảnh: Bảo Lâm

Theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chương trình năm nay sẽ diễn ra trong 7 ngày, từ ngày 18-24/8/2018 với chủ đề “Sức mạnh Thăng Long - Trí tuệ Việt Nam”, bao gồm một chuỗi hoạt động tại các địa phương là Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh và Quảng Ninh, tập trung vào nhiều hoạt động rất ý nghĩa và thiết thực như: gặp gỡ các lãnh đạo cao cấp của Nhà nước và Chính phủ; gặp gỡ các Bộ, ngành, địa phương; cộng đồng khởi nghiệp, trí thức làm khoa học công nghệ tại Việt Nam; trao đổi và làm việc với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, tiên phong trong phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ; làm việc tại các khu công nghệ cao tại Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh...

Theo ông Phương, lực lượng nòng cốt tham gia chương trình là 100 người Việt trẻ tiêu biểu hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ ở nước ngoài được mời tham dự. Đây là những người được đào tạo bài bản tại các trường đại học danh tiếng hàng đầu thế giới với đa ngành, đa lĩnh vực.

Trong đó, rất nhiều người có tiếng tăm được đánh giá cao do đã có quá trình làm việc chuyên sâu trong các ngành, lĩnh vực công nghệ, đặc biệt trong việc phát triển ứng dụng công nghệ hiện đại mang tính nền tảng như trí tuệ nhân tạo, blockchain, dữ liệu lớn, an ninh mạng... Đây cũng là những gương mặt tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong học tập, nghiên cứu và lao động được ghi nhận bởi doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế có uy tín...

Bảo Lâm

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/ly-do-gi-khien-nhieu-nhan-tai-nguoi-viet-chua-the-ve-nuoc-cong-hien-d147797.html