Lý do EVN gửi 42 nghìn tỷ đồng không kỳ hạn tại ngân hàng

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa cung cấp thông tin lý giải về số tiền 42 nghìn tử đồng gửi tiết kiệm tại các ngân hàng với mức lãi suất không kỳ hạn.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam thông tin về khoản tiền gửi 42 nghìn tỷ đồng

Tập đoàn Điện lực Việt Nam thông tin về khoản tiền gửi 42 nghìn tỷ đồng

Ông Nguyễn Xuân Nam - Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, toàn bộ số tiền 42 nghìn tỷ đồng thể hiện trên báo cáo tài chính tại thời điểm tháng 6/2018 bao gồm của tất cả các đơn vị thành viên của EVN như các đơn vị sản xuất, truyền tải, phân phối và dịch vụ phụ trợ.

EVN là công ty mẹ nên có hàng chục công ty/đơn vị cấp hai và hàng trăm đơn cấp 3, cấp 4 (công ty con, cháu, chắt) hoạt động trên các lĩnh vực đầu tư và sản xuất kinh doanh điện năng.

Là một doanh nghiệp nhà nước có nhiệm vụ quản lý điều hành hệ thống điện, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia do đó EVN vừa phải thực hiện đầu tư phát triển nguồn và lưới điện, trong đó bao gồm cả các công trình điện mang tính an sinh xã hội như cấp điện cho các huyện đảo, vùng sâu, vùng xa, biên giới. Tiếp nhận, đầu tư, cải tạo hệ thống lưới điện hạ áp nông thôn theo chỉ đạo của Chính phủ/Bộ Công Thương...

Về sản xuất kinh doanh, ngoài chi phí mua nhiên liệu (than, khí) và các chi trả các dịch vụ khác, EVN phải mua điện từ các nhà máy điện từ các thành phần kinh tế khác, do đó nhu cầu vốn cho đầu tư, sản xuất kinh doanh và trả nợ khoản các khoản vay (vốn vay nước ngoài, vay thương mại trong nước) là rất lớn. Theo báo cáo của EVN số dư nợ ngắn hạn phải trả cùng thời điểm trong báo cáo là hơn 106 nghìn tỷ đồng, trong đó riêng trả nợ cho các nhà cung cấp nhiên liệu, bên bán điện là 55 nghìn tỷ đồng, trả nợ ngân hàng đến hạn khoảng 22 nghìn tỷ đồng.

Cũng theo ông Nam, để đảm bảo hoàn thành được nhiệm vụ quan trọng số một là cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội và đời sống nhân dân, vì vậy mỗi đơn vị phải duy trì một số dư tiền gửi phục vụ cho công việc thường xuyên và xử lý đột xuất. Đối với các công ty nhiệt điện cần có một số lượng tiền lớn để mở L/C thanh toán nhiên liệu nhập khẩu hoặc thanh toán cho các đơn vị cung cấp trong nước. Công ty mẹ EVN cần phải có một số tiền lớn đủ để thanh toán tiền mua điện hàng tháng cho các đơn vị bán điện. Doanh thu tiền điện của khách hàng thường tập trung vào cuối tháng trong khi nhu cầu thanh toán tiền nhiên liệu và điện mua ngoài thường tập trung vào đầu tháng. Vì thế số dư tiền gửi của EVN vào cuối tháng (thời điểm lập báo cáo quyết toán) thường cao hơn so với các ngày còn lại.

Trong lĩnh vực đầu tư, hầu hết các dự án nguồn và lưới điện truyền tải của EVN đều có vốn đầu tư rất lớn hàng nghìn tỷ đồng, thậm chí chục nghìn tỷ đồng trở lên. Mặc dù nhu cầu vốn đầu tư rất lớn nhưng EVN và các đơn vị thành viên phải cung cấp đủ vốn theo kế hoạch, đáp ứng tiến độ thi công của các dự án nhằm đảm bảo mục tiêu cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Thủ tục hoàn tất các điều kiện để giải ngân của các Hợp đồng tín dụng thường bị kéo dài nên ngoài việc đảm bảo vốn đối ứng theo kế hoạch EVN và các đơn vị thành viên phải dự phòng thêm vốn để thanh toán cho nhà thầu trong trường hợp chậm giải ngân vốn từ các Hợp đồng tín dụng nhằm đảm bảo tiến độ đã đề ra của các dự án nhất là các dự án cấp bách, trọng điểm. Hiện tại EVN có số dự nợ vay rất lớn vì thế nhu cầu trả nợ trong năm tương đối cao đòi hỏi EVN phải duy trì số dư đủ để trả nợ khi đến hạn để đảm bảo tín nhiệm tín dụng cho các khoản vay trong tương lai.

Theo một số chuyên gia, sở dĩ EVN phải gửi tiền trên với hình thức không kỳ hạn (lãi suất thấp) bởi đây là hình thức tiết kiệm có kỳ hạn ngắn, thậm chí được tính theo ngày, vì dòng tiền luân chuyển liên tục cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh nên EVN có thể rút bất kỳ lúc nào không cần phải thông báo trước. Hay nói cách khách là EVN nhờ ngân hàng giữ tiền hộ một thời gian nhưng vẫn có lợi và đây cũng là giải pháp để EVN nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của toàn đơn vị. Với tính chất như vậy nên EVN không thể gửi tiền theo hình thức có kỳ hạn dù chênh lệch tiền lãi là khá lớn.

Vấn đề tài chính của doanh nghiệp nhà nước như EVN đều phải thực hiện theo quy định của luật pháp và được kiểm toán công khai. Tuy nhiên là một lĩnh vực khá nhạy cảm nên được cộng đồng xã hội rất quan tâm vì vậy EVN cũng cần thường xuyên công khai các báo cáo để minh bạch các hoạt động của mình.

PV

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ly-do-evn-gui-42-nghin-ty-dong-khong-ky-han-tai-ngan-hang-119055.html