Lý do ĐH Mỹ ngừng nhận tài trợ từ Huawei, ZTE

Quyết định của MIT được đưa ra tiếp sau các động thái tương tự của Đại học Stanford, Đại học California Berkeley và Đại học Minnesota.

Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) của Mỹ sẽ dừng quan hệ tài trợ với hai hãng viễn thông Huawei và ZTE của Trung Quốc, viện dẫn những rủi ro mà các thỏa thuận này có thể gây ra do các cuộc điều tra của chính phủ Mỹ nhằm vào các công ty này.

Theo tờ South China Morning Post, tuyên bố của MIT, đứng thứ ba trong danh sách xếp hạng các trường đại học Mỹ của báo US News & World Report, được đưa ra tiếp sau các động thái tương tự của Đại học Stanford, Đại học California Berkeley và Đại học Minnesota, vốn đã ngừng các thỏa thuận hợp tác trong tương lai với Huawei.

“Vào thời điểm này, dựa trên đánh giá nâng cao này, MIT không chấp nhận các thỏa thuận mới hoặc gia hạn các thỏa thuận hiện có với Huawei và ZTE hoặc các công ty con tương ứng của họ do các cuộc điều tra liên bang liên quan đến những vi phạm các hạn chế trừng phạt”, ông Richard Leste - Phó Hiệu trưởng - và bà Maria Zuber – Phó Chủ tịch nghiên cứu của trường, cho biết trong một bức thư gửi các giảng viên hôm 3-4.

Động thái của MIT là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn nhằm tăng cường rà soát các đối tác nghiên cứu, vốn có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ với các tổ chức khác ở Trung Quốc, Hong Kong, Nga và Saudi Arabia.

Viện Công nghệ Massachusetts. Ảnh: SCMP

Viện Công nghệ Massachusetts. Ảnh: SCMP

Các câu hỏi được gửi đến MIT ngoài giờ làm việc thông thường để hỏi chi tiết về sự hợp tác nghiên cứu giữa họ với Huawei, ZTE hoặc các tổ chức khác được xác định trong thư không được hồi âm ngay lập tức.

Huawei cũng không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận, trong khi ZTE từ chối bình luận.

MIT được trích dẫn trong một bài thuyết trình năm 2017 của Huawei với tư cách là cộng tác viên của Chương trình nghiên cứu đổi mới Huawei (HIRP), được tập đoàn này gọi là một sáng kiến toàn cầu “nhằm xác định và hỗ trợ các giảng viên toàn thời gian đẳng cấp thế giới, theo đuổi sự cách tân vì lợi ích tương hỗ”.

Email và các cuộc gọi điện thoại đến MIT trong hai tháng qua để hỏi cụ thể về sự tham gia của MIT vào HIRP và mối quan hệ của cơ sở đào tạo này với Huawei vẫn chưa được trả lời.

Huawei gần đây đã trở thành tâm điểm chú ý sau khi Canada bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu, Giám đốc Tài chính của Huawei và là con gái của người sáng lập Huawei, tỉ phú Nhậm Chính Phi, theo yêu cầu của Washington.

Hai công ty đang bị Mỹ điều tra. Ảnh: THE STRAITS TIMES

Các thủ tục dẫn độ đang được tiến hành. Tại Mỹ, bà Mạnh và Huawei phải đối mặt với một số cáo buộc hình sự, bao gồm gian lận ngân hàng và trộm cắp công nghệ.

Cách đây một năm, Bộ Thương mại Mỹ đã kích hoạt lệnh cấm xuất khẩu với thời hạn bảy năm đối với ZTE, từ chối cho công ty này tiếp cận các linh kiện và dịch vụ quan trọng của Mỹ dành cho điện thoại thông minh và thiết bị viễn thông của họ, sau những cáo buộc rằng công ty đã che giấu việc bán hàng hóa cho Iran, vi phạm các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào nước này.

Vài tháng sau, công ty này đã đồng ý trả hơn 1 tỉ USD cho Bộ Thương mại Mỹ và phạt các nhân viên liên quan. Ông Xu Ziyang, người từng là chủ tịch của dòng sản phẩm Đám mây và Mạng lõi viễn thông của ZTE, được bổ nhiệm làm giám đốc điều hành mới, dọn đường cho việc Mỹ cho phép công ty này tiếp tục kinh doanh.

Tuy nhiên, Huawei và ZTE phải đối mặt với áp lực liên tục từ các nhà lập pháp Mỹ, vốn cho rằng những thiết bị của họ - những linh kiện chính trong cơ sở hạ tầng mạng điện thoại di động - có thể trở thành mối đe dọa đối với an ninh mạng.

TRÙNG QUANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/su-kien/ly-do-dh-my-ngung-nhan-tai-tro-tu-huawei-zte-825637.html