Lý do để tin Nga sẽ không giao quyền điều khiển S-300 cho Syria

Theo nhận định của nhiều chuyên gia quân sự, mặc dù Nga đang tiến hành công tác bàn giao tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-300 cho Syria nhưng phải rất lâu nữa binh lính nước chủ nhà mới được quyền điều khiển vũ khí này.

Nga tuyên bố rằng trong vòng 2 tuần nữa Syria sẽ nhận được đầy đủ các tổ hợp tên lửa phòng không S-300 và chúng sẽ đạt được trạng thái sẵn sàng chiến đấu ngay lập tức.

Điều này chắc chắn sẽ đe dọa nghiêm trọng đến khả năng hoạt động và tiến hành các phi vụ tấn công thường lệ được Không quân Israel thực hiện trong vòng vài năm qua.

Tuy nhiên theo ý kiến của nhiều nhà quan sát tình hình khu vực thì tuyên bố của Nga chỉ mang tính biểu tượng nhiều hơn là thực tế bởi vì những nguyên nhân sau đây.

S-300 là một tổ hợp vũ khí cực kỳ phức tạp, đòi hỏi kíp điều khiển phải trải qua thời gian dài huấn luyện (thường lên tới 4 năm) mới có thể vận hành một cách thành thục.

Quãng thời gian 2 tuần là quá ngắn để kíp trắc thủ Syria có thể làm quen với các tính năng ưu việt của S-300, kể cả họ đã được huấn luyện trước đó thì vẫn chưa đủ thời gian để sẵn sàng chiến đấu được ngay.

Bởi vậy chắc chắn trong thời gian đầu sau khi bàn giao thì chịu trách nhiệm chính trong việc vận hành các tổ hợp S-300 này vẫn là quân nhân Nga, lính Syria chỉ ở bên cạnh với vai trò học việc.

Nhưng quan trọng hơn là sau giai đoạn đầu, khả năng Nga đồng ý cho Syria tự chủ 100% trong việc điều khiển S-300 cũng bị nhận xét là khả năng rất khó xảy ra.

Trình độ tác chiến của phòng không Syria không thực sự tốt, nếu như chưa muốn nói là kém, do vậy nếu giao vũ khí hiện đại vào tay họ thì chưa chắc đã phát huy được đầy đủ tác dụng.

Nga luôn lo sợ vũ khí "ăn khách" của mình sẽ bị mất uy tín nghiêm trọng trên thị trường thế giới nếu giao nhầm vào tay người không đủ năng lực, nhất là khi phòng không Syria còn vội vàng bắn cả vào chiếc Il-20 của Nga.

Chưa dừng lại đó, binh lính còn nổi tiếng vô ý thức trong công tác vận hành mà sự kiện tổ hợp Pantsir-S1 bị bỏ trơ chọi trên đường băng mà không có cảnh giới hay ngụy trang dẫn tới việc bị máy bay không người lái cảm tử Harop của Israel tiêu diệt là minh chứng rõ ràng nhất.

Cuối cùng, mặc dù hiện tại đang phát sinh mâu thuẫn nhưng xét về lâu về dài thì Nga không hề muốn mình phải ở thế đối đầu với một cường quốc quân sự hùng mạnh như Israel.

Nếu S-300 của Nga gây ra nhiều thiệt hại cho Không quân Israel thì khả năng rất cao là giữa Moskva và Tel Aviv sẽ xảy ra những trận đối đầu trực tiếp và không khoan nhượng.

Do vậy Nga vẫn phải đảm bảo rằng S-300 trong tay Syria chỉ gây ra mối đe dọa ở mức độ nào đó đối với máy bay chiến đấu Israel chứ không phải là bắn hạ nó.

Dưới sự vận hành và giám sát của các quân nhân Nga, S-300 mặc dù tiếng là do phía Syria khai thác và quản lý nhưng sẽ khó xảy ra viễn cảnh phóng đạn và bắn hạ tiêm kích Israel.

Nếu Syria muốn được toàn quyền điều khiển S-300 thì dự kiến họ sẽ phải chờ đợi thêm vài năm nữa, hoặc đến khi tình hình khu vực xuất hiện diễn biến mới theo chiều hướng căng thẳng.

Còn trong ngắn hạn, có lẽ sẽ không xảy ra quá nhiều đột biến về tình hình chiến sự tại Trung Đông, kể cả khi Nga đã thực hiện cam kết của mình là cấp S-300 cho đồng minh.

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-ly-do-de-tin-nga-se-khong-giao-quyen-dieu-khien-s300-cho-syria/784443.antd