Lý do cựu chủ tịch huyện kêu oan bị tạm giam

Bị tòa phạt 12 năm tù, cựu chủ tịch huyện kêu oan, cấp phúc thẩm hủy án và trong quá trình điều tra lại, công an đã bắt tạm giam vì gây khó khăn cho công tác điều tra.

Ngày 11-9, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Yên bắt tạm giam bốn tháng đối với ông Nguyễn Tài (58 tuổi, cựu chủ tịch UBND huyện Đông Hòa, Phú Yên). Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM vào trưa cùng ngày, Đại tá Lương Tấn Dĩnh, Trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh Phú Yên, xác nhận sự việc.

Bị cáo kêu oan, VKS nói tòa xử nhẹ

Đại tá Dĩnh cho biết thêm, việc bắt giam ông Nguyễn Tài để phục vụ quá trình điều tra lại vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại UBND huyện Đông Hòa.

Theo đó, tại phiên tòa sơ thẩm hồi tháng 9-2016, TAND tỉnh Phú Yên tuyên phạt ông Nguyễn Tài 12 năm tù về tội danh trên. Ngoài ra, HĐXX còn tuyên phạt hai cựu cán bộ UBND huyện là Nguyễn Kích (cựu giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất) 10 năm tù, Huỳnh Ngọc Thắng (cựu phó giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất) bốn năm tù. HĐXX cũng tuyên 13 bị cáo khác được hưởng án treo. Sau đó ông Tài và hai bị cáo khác kháng cáo kêu oan, cho rằng mình không phạm tội.

Ngày 14-10-2016, VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng có quyết định kháng nghị phúc thẩm bản án sơ thẩm này, đề nghị TAND cùng cấp xử phúc thẩm theo hướng tăng hình phạt đối với 14 bị cáo, trong đó có ông Nguyễn Tài. Tuy nhiên, hai tháng sau, cơ quan này lại rút kháng nghị với lý do sau khi gây án, các bị cáo đã khắc phục phần lớn hậu quả xảy ra.

Năm 2017, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng xử phúc thẩm theo kháng cáo đã tuyên hủy bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại.

Trước đó VKSND tỉnh Phú Yên truy tố 16 người, trong đó có 15 cựu cán bộ huyện Đông Hòa cùng tội cố ý làm trái. Bản án sơ thẩm xác định từ tháng 7-2013 đến tháng 4-2014, trong quá trình thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô tại xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa, các bị cáo đã cố ý làm trái, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 9,2 tỉ đồng. Cụ thể, các bị cáo đã cố ý làm sai quy định, bồi thường về đất không đủ mật độ, đất lấn chiếm, nhà cất trái phép. Ngoài ra, các bị cáo đã hợp thức hóa hồ sơ hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp sai cho chín cán bộ đương chức, hưu trí, những người không có hộ khẩu tại địa phương… với tổng số tiền hơn 8,7 tỉ đồng.

Ông Tài (trái) đang nghe công bố lệnh bắt tạm giam tại nhà riêng. Ảnh: BM

Ông Tài (trái) đang nghe công bố lệnh bắt tạm giam tại nhà riêng. Ảnh: BM

Vì sao đến nay mới bị tạm giam?

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại diện VKSND tỉnh Phú Yên cho biết ông Tài bị khởi tố vào tháng 12-2015 theo khoản 3 Điều 165 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009). Suốt từ khi bị khởi tố, ông Tài được tại ngoại.

Trong giai đoạn điều tra ban đầu, CQĐT đã bắt tạm giam một số bị can có hành vi trực tiếp vi phạm pháp luật. Các bị can này đều khai do Nguyễn Tài chỉ đạo làm trái quy định, trong khi ông Tài phủ nhận. Tuy nhiên, lúc đó chủ yếu là chứng cứ gián tiếp nên CQĐT tiếp tục làm rõ để có cơ sở vững chắc.

Khi CQĐT phát hiện được nhiều tài liệu, chứng cứ trực tiếp thể hiện hành vi phạm tội của ông Tài thì thời gian điều tra đã gần hết nên đã không bắt tạm giam. Đến nay, khi điều tra lại thì đã có đầy đủ cơ sở, chứng cứ xác định Nguyễn Tài là người đứng đầu, trực tiếp gây ra vụ án này. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra ông Tài vẫn thể hiện thái độ bất hợp tác, gây khó khăn cho hoạt động điều tra. Vì thế, CQĐT quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn.

VKSND tỉnh Phú Yên nhận định: Là người đứng đầu UBND huyện, ông Tài chỉ đạo toàn bộ hoạt động của UBND huyện. Trong vụ án này, ông Tài biết rõ phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô ở xã Hòa Tâm không đúng quy định pháp luật nhưng vẫn chỉ đạo cấp dưới lập, thẩm định và phê duyệt phương án trái quy định pháp luật, gây thiệt hại tài sản nhà nước. VKSND tỉnh cho rằng là bị can đầu vụ, phạm tội đặc biệt nghiêm trọng nhưng trong quá trình giải quyết vụ án, ông Tài có thái độ ngoan cố, không nhận tội, gây khó khăn cho hoạt động điều tra.

Cựu chủ tịch huyện là chủ mưu

Theo hồ sơ ban đầu, cả VKSND và TAND cấp sơ thẩm cũng đều xác định ông Nguyễn Tài là người đứng đầu, trực tiếp gây ra vụ án. Cụ thể, Nguyễn Tài đã chỉ đạo cấp dưới lập phương án, ký ban hành quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trái quy định pháp luật. Trong quá trình chỉ đạo thực hiện việc bồi thường, Nguyễn Tài đã chỉnh sửa làm trái trình tự, thủ tục thẩm định theo quy định, bỏ qua thẩm định, bỏ phê duyệt phương án…

TẤN LỘC

Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/ly-do-cuu-chu-tich-huyen-keu-oan-bi-tam-giam-791883.html