Lý do chính phủ Italy sụp đổ

Sau khi chính phủ liên minh của Thủ tướng Mario Draghi tan rã, chính trường Italy rơi vào cảnh vô định. Các đảng thiên hữu nhiều khả năng sẽ cầm quyền trong cuộc bầu cử sớm.

Chỉ 12 giờ sau khi liên minh cầm quyền tan vỡ, Thủ tướng Italy Mario Draghi quyết định từ chức hôm 21/7. Những buổi tuần hành, những thỉnh nguyện thư hay lời cầu khẩn của người dân, quan chức và nhà vận động… đều không thể cứu vãn chính phủ liên minh.

Trong 17 tháng đứng đầu chính phủ, ông Draghi đã là trụ cột cho sự ổn định tại một lục địa chật vật với lạm phát leo thang và lo sợ thiếu hụt nhiên liệu khi giao tranh Ukraine kéo dài. Ông được lòng nhiều người dân nhưng điều đó không cứu vãn được tình thế.

Ưu tiên của đảng phái đã vượt lên trên sự đoàn kết ở một đất nước đang đối mặt với hậu quả từ sự phụ thuộc vào khí đốt Nga, trong khi mùa đông đang đến gần. Rất có thể phải qua nhiều tháng nữa, Italy mới có chính phủ vững chắc để dẫn dắt nền kinh tế lớn thứ ba EU.

Ông Draghi được lòng dân nhưng vì sao liên minh vẫn tan?

Trước việc chính phủ đoàn kết quốc gia của ông Draghi tan rã, nhiều người hướng chỉ trích vào đảng dân túy Phong trào 5 sao (M5S), đảng lớn nhất trong Nghị viện Italy sau cuộc bầu cử năm 2018.

Lãnh đạo M5S là ông Giuseppe Conte, người từng ngồi ghế thủ tướng Italy liền trước ông Draghi. Ông Conte phải từ chức hồi tháng 1/2021, sau khi chính quyền liên minh của đảng M5S mất đi sự ủng hộ cần thiết để nắm thế đa số ở nghị viện.

Sau đó, ông Draghi được tổng thống chọn làm người lập chính quyền mới để dẫn dắt nền kinh tế Italy phục hồi trong đại dịch. Ông Conte cũng gia nhập chính quyền liên minh của ông Draghi nhưng dường như luôn để bụng việc mất ghế thủ tướng vào tay người tiền nhiệm.

Ông Draghi cũng có bất đồng với các đối tác khác trong liên minh. Chẳng hạn, ông Matteo Salvini, lãnh đạo đảng cánh hữu Liên đoàn, từng phản đối sắc lệnh yêu cầu chỉ người đã tiêm chủng chống Covid-19, mới khỏi hoặc xét nghiệm âm tính được vào nhà hàng, phòng gym và công sở.

Cả ông Conte và Salvini đều nổi tiếng vì lập trường thân Nga. Một nhân vật khác, ông Silvio Berlusconi - lãnh đạo đảng trung hữu Forza Italia, một đảng khác cũng từ bỏ liên minh cầm quyền - cũng có quan hệ thân thiết với Moscow.

Ba đảng trên đã tung ra cú đòn chí mạng đối với chính quyền liên minh của ông Draghi. Nguyên nhân là nghị sĩ ba đảng này đã từ chối tiếp tục ủng hộ ông Draghi trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm vào phút chót.

Tiếp theo ra sao?

Phát biểu trước cả nước vào tối 21/7, Tổng thống Italy Sergio Mattarella nói bầu cử sớm luôn là “lựa chọn cuối cùng” nhưng ông không thấy khả năng Italy lập được chính quyền thứ 4 trong một nhiệm kỳ 5 năm của nghị viện. Vì thế, ông Mattarella đã ký sắc lệnh giải tán cơ quan này.

Nếu không có sắc lệnh của tổng thống, Nghị viện Italy nhiệm kỳ này vốn sẽ kết thúc vào tháng 3/2023.

Hiến pháp Italy quy định bầu cử phải được tổ chức trong vòng 70 ngày kể từ thời điểm sắc lệnh giải tán nghị viện được ký.

Ai được lợi?

Ở Italy hiện có 5 đảng lớn là đảng Liên minh, M5S, Dân chủ, Forza Italia, Anh em Italy và Cùng vì Tương lai (mới tách ra từ M5S hồi tháng 6).

Kết quả thăm dò ý kiến trong những tháng qua cho thấy đảng cực hữu Anh em Italy, đảng lớn duy nhất từ chối gia nhập liên minh của ông Draghi, có thể giành được nhỉnh hơn 20% số phiếu nếu bầu cử diễn ra.

Con số trên cũng xấp xỉ tỷ lệ ủng hộ mà đảng Dân chủ - theo đường lối trung tả - nhận được trong bản khảo sát ý kiến. Ông Enrico Letta - lãnh đạo đảng Dân chủ, đảng đã bỏ phiếu tín nhiệm ủng hộ ông Draghi - đang trông đợi vào khả năng kết liên minh tranh cử với đảng M5S. Tuy nhiên, viễn cảnh ấy khá mạo hiểm vì chính M5S đã bỏ rơi ông Draghi.

Nhưng bên chiến thắng nhiều nhất có lẽ là các đảng thiên hữu. Đảng Anh em Italy từ lâu đã là đồng minh với đảng Liên minh của ông Salvini và đảng Forza Italia của ông Berlusconi. Nếu các đảng này tiếp tục hợp tác, họ có thể đưa cánh hữu lên cầm quyền.

Tuy nhiên, mâu thuẫn tiềm tàng còn ẩn hiện vì cả bà Giorgia Meloni - lãnh đạo đảng Anh em Italy - và ông Salvini đều hy vọng trở thành thủ tướng tiếp theo.

Ai thua?

Sự đổ vỡ nhanh chóng của liên minh “đoàn kết” cầm quyền của ông Draghi nhiều khả năng sẽ có tác động đến bối cảnh chính trị của Italy, một trong những nước châu Âu ủng hộ mạnh mẽ Ukraine.

Tính đến tối 21/7, hai nhân vật nổi tiếng trong đảng Forza Italia của ông Berlusconi thông báo họ sẽ rời đảng. Họ cáo buộc ông Berlusconi phản bội tư tưởng thân châu Âu và thân NATO của đảng khi đứng về phía đảng của ông Salvini, vốn có thái độ hoài nghi châu Âu.

Trong nhiều tháng qua, đảng dân túy M5S cũng đã rơi rụng dần nghị sĩ. Nổi bật nhất là Ngoại trưởng Luigi Di Maio, người gần đây đã lập đảng Cùng vì Tương lai có tư tưởng thân NATO.

Ông Draghi sẽ tại vị bao lâu nữa?

Ông Draghi sẽ giữ chức thủ tướng lâm thời cho tới khi chính phủ mới được lập ra và tuyên thệ nhậm chức.

Sau cuộc bầu cử năm 2018, Italy cần 90 ngày để có chính phủ mới. Như vậy, có khả năng ông Draghi sẽ đứng đầu chính phủ lâm thời trong gần hết năm nay.

Vì mang tính chất lâm thời, chính phủ này sẽ không thể đưa ra những sáng kiến hoặc quy định pháp luật mới. Nhưng trong bài phát biểu cảm ơn nội các vào tối 21/7, ông Draghi cũng tỏ rõ ông vẫn muốn bản thân có ích.

Ông nhắc nhở các bộ trưởng rằng chính phủ này vẫn phải vật lộn với đại dịch, giao tranh Ukraine, lạm phát, chi phí năng lượng và cải cách kinh tế. Vì thế lúc này, “hãy quay trở lại làm việc thôi nào”, ông Draghi nói.

Quốc Đạt

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ly-do-chinh-phu-italy-sup-do-post1338313.html