Lý do cao tốc TP.HCM - Mộc Bài tăng vốn gần 3.000 tỉ đồng

Tổng số vốn đầu tư cho cao tốc TP.HCM - Mộc Bài đã tăng gần 3.000 tỉ đồng so với kế hoạch ban đầu khi hai địa phương ký kết thực hiện dự án.

Mới đây, UBND TP.HCM đã có văn bản khẩn gửi Bộ KH&ĐT đề nghị hướng dẫn thực hiện một số vướng mắc về thủ tục, quy định chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài theo hình thức PPP (hợp đồng BOT). Việc hướng dẫn này là để triển khai dự án đảm bảo chặt chẽ về mặt pháp lý. Từ đó, UBND TP đã đề nghị Bộ KH&ĐT xem xét, hướng dẫn thực hiện một số nội dung vướng mắc về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án; về thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn để dự án sớm được triển khai, đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật.

Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài sẽ chia sẻ áp lực giao thông với quốc lộ 22. Ảnh: ĐÀO TRANG

Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài sẽ chia sẻ áp lực giao thông với quốc lộ 22. Ảnh: ĐÀO TRANG

Bổ sung thêm hai nút giao thông

Theo UBND TP, để giải phóng mặt bằng (GPMB) tổng diện tích thu hồi đất của dự án này là khoảng 432 ha (trong đó, địa bàn TP.HCM khoảng 209 ha và tỉnh Tây Ninh khoảng 223 ha) thì công tác bồi thường GPMB sẽ được thực hiện bằng các dự án độc lập theo quy định của Luật Đầu tư công. Dự án dự kiến có tổng vốn đầu tư khoảng 13.613 tỉ đồng. Như vậy, theo văn bản UBND TP gửi Bộ KH&ĐT thì dự án đã tăng tổng mức đầu tư lên gần 3.000 tỉ đồng so với năm 2019 (khoảng 10.700 tỉ đồng) khi hai đơn vị ký kết thực hiện dự án.

Lý giải về nguyên nhân tăng vốn đầu tư, ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP, cho biết việc tăng vốn đầu tư là do bổ sung thêm hai nút giao thông và chênh lệch chi phí GPMB năm 2019 và 2020.

Cụ thể, hai nút giao được bổ sung trong dự án gồm nút giao cao tốc với đường vành đai 3 (huyện Hóc Môn) và nút giao cao tốc với tỉnh lộ 8 (huyện Củ Chi). Bên cạnh đó, chi phí bồi thường, GPMB liên quan đến dự án sau khi rà soát cũng tăng thêm so với trước.

Theo Sở GTVT, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài sau khi hoàn thành sẽ hoàn thiện mạng lưới giao thông của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Từ đó tăng năng lực khai thác tuyến đường liên vận quốc tế nối TP.HCM với Campuchia. Không chỉ vậy, dự án cao tốc này cũng sẽ phá thế độc đạo, tạo tuyến đường mới kết nối TP.HCM và Tây Ninh.

Còn theo ông Nguyễn Tấn Tài, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tây Ninh, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài tăng tổng mức đầu tư là do TP.HCM bổ sung thêm quy mô dự án. Về phần tỉnh Tây Ninh, hiện tổng mức đầu tư vẫn được giữ nguyên và tỉnh đã sẵn sàng cho việc đầu tư dự án này.

Lo ngại chậm trễ sẽ làm tăng vốn

Ông Tài cho biết hiện nay tỉnh Tây Ninh đã sẵn sàng cho công tác bồi thường, GPMB cho dự án xây dựng cao tốc TP.HCM - Mộc Bài. Qua công tác truyền thông, tuyên truyền vận động của Sở GTVT tỉnh Tây Ninh, người dân hiểu được vai trò, lợi ích của dự án khi hoàn thành. Theo đó, đến nay người dân đã ủng hộ dự án này.

Theo ông Tài, đây là dự án có tính chiến lược, thúc đẩy phát triển kinh tế tỉnh Tây Ninh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Song song đó, tuyến cao tốc này góp phần xây dựng hoàn thành một trong sáu hành lang kinh tế trọng điểm phía Nam mà TP.HCM là trung tâm của vùng kinh tế này.

Chính vì vậy, Sở GTVT tỉnh Tây Ninh rất kỳ vọng vào dự án, quyết tâm cùng với TP.HCM và Bộ GTVT sớm triển khai dự án, đưa dự án đi vào hoạt động trong năm 2025. Tuy nhiên, ông Tài cho rằng nếu dự án triển khai chậm trễ rất có thể sẽ làm tăng tổng mức đầu tư và chi phí bồi thường GPMB của cả hai địa phương đều tăng. Từ đó gây khó khăn trong việc hoàn thành dự án.

TS Nguyễn Bá Hoàng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH GTVT TP.HCM, cho rằng để thực hiện một dự án thì ngay từ đầu Nhà nước, địa phương phải có sự chuẩn bị về vốn, mặt bằng và cuối cùng là lựa chọn đơn vị thi công, tư vấn, giám sát. Trong đó, vốn và mặt bằng là vấn đề vô cùng quan trọng, quyết định đến tiến độ của dự án. Theo ông Hoàng, ngay từ bây giờ các địa phương cần chuẩn bị cho công tác GPMB và nguồn vốn để thực hiện dự án.

Tương tự, kiến trúc sư Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM, đánh giá cao vai trò của cao tốc TP.HCM - Mộc Bài trong việc phát triển kinh tế - xã hội hai địa phương và kinh tế vùng. “Nhà nước cần sớm đầu tư dự án cao tốc này, tránh tình trạng càng để lâu thì chi phí GPMB và tổng mức đầu tư đều tăng, trong khi đó hiệu quả kinh tế lại bị giảm” - ông Cương nói.•

Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài sẽ đầu tư theo hình thức PPP
Bộ KH&ĐT đã có văn bản trả lời UBND TP.HCM về việc hướng dẫn các vướng mắc liên quan đến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài.
Theo đó, đối với thủ tục đầu tư, phê duyệt dự án, thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn đối với dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài sẽ theo hình thức PPP (hợp đồng BOT). Hiện Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý giao UBND TP.HCM làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai thực hiện dự án như kiến nghị của Bộ GTVT, UBND TP.HCM và UBND tỉnh Tây Ninh.
Phương án thứ nhất: Quyết định chủ trương đầu tư trước thời điểm Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư có hiệu lực (1-1-2021). Trong trường hợp này, TP.HCM và UBND tỉnh Tây Ninh nghiên cứu thực hiện theo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.
Phương án thứ hai: Quyết định chủ trương đầu tư dự án sau thời điểm Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư có hiệu lực (1-1-2021). Trường hợp này, UBND TP.HCM và UBND tỉnh Tây Ninh thực hiện theo Luật Đầu tư, theo hình thức đối tác công tư và nghị định hướng dẫn.

ĐÀO TRANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/do-thi/ly-do-cao-toc-tphcm-moc-bai-tang-von-gan-3000-ti-dong-956940.html