Lý do các công ty Nhật 'săn lùng' nhân lực ở Đông Nam Á

Tập đoàn Watami của Nhật Bản đang dẫn đầu cuộc chạy đua giành nhân lực tại khu vực Đông Nam Á để đảm bảo công việc kinh doanh tại đất nước mặt trời mọc.

Ảnh minh họa: Các nhà hàng Nhật Bản đang vật lộn để tuyển dụng lao động từ Đông Nam Á. (Nguồn: Nikkei Asian Review)

Bộ luật Nhập cư sửa đổi gây khó khăn cho người lao động có hiệu lực từ tháng Tư vừa qua đã khiến những chủ lao động tại Nhật Bản tìm đến khu vực Đông Nam Á.

Đón đầu xu hướng

Tập đoàn Watami - chuỗi quán rượu kiểu Nhật Bản đã thành lập công ty liên doanh tại Singapore nhằm hỗ trợ làm bài kiểm tra kỹ năng của chương trình thị thực (visa) mới của Nhật Bản cho những lao động mong muốn làm việc tại nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này.

Với việc nhanh chóng thiết lập cơ sở đào tạo trong khu vực, công ty này hy vọng sẽ đánh bại các đối thủ cạnh tranh trong việc đảm bảo nguồn lực chất lượng cho doanh nghiệp tại Nhật Bản. Theo đó, Tập đoàn Watami sẽ cử công nhân từ Campuchia đến xứ sở hoa anh đào để làm việc.

"Chúng tôi sẽ nhận lao động nước ngoài làm việc ổn định tại Nhật Bản" - Takeshi Oda, giám đốc Watami cho biết. Ông Takeshi nói thêm rằng, số lượng công nhân từ các nước khác sẽ tăng theo thời gian.

Được thành lập bởi ITbook Holdings có trụ sở tại Tokyo, công ty Singapore liên doanh với Watami nói trên sẽ hợp tác với các trường dạy tiếng Nhật và các doanh nghiệp có nhu cầu thuê nhân công nước ngoài khác ở các nước lân cận. Ngoài ra, công ty liên doanh đặt tại Quốc đảo sư tử này sẽ không chỉ gửi công nhân đến các nhà hàng trong chuỗi Watami, mà còn giới thiệu nhân lực đến các nhà hàng khác ở Nhật Bản. Cuối tháng Tư vừa qua, Tenpo Ryutsuu NET - công ty hỗ trợ nhà hàng của Nhật Bản cũng phối hợp với chính phủ để thành lập trung tâm đào tạo tại Việt Nam.

Chú trọng khâu đào tạo

Vừa khai trương được hai tháng nhưng trường nội trú ở ngoại ô thủ đô Phnom Penh đã có khoảng 20 học viên người Campuchia trong dộ tuổi từ 20-30 học tiếng Nhật từ sáng đến tối.

Trường nội trú này được quản lý bởi One Visa, công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Tokyo chuyên cung cấp dịch vụ xin visa trực tuyến theo luật di trú sửa đổi. “Lò đào tạo” lao động này đã lên kế hoạch gửi sinh viên tốt nghiệp tới các nhà hàng tại Nhật Bản vào cuối năm nay.

Theo tờ Nikkei Asian Review, các sinh viên ở đây đang rất háo hức học tiếng Nhật, không trò chuyện hay ngủ gật trong lớp. "Tôi muốn sử dụng thành thạo tiếng Nhật và kiếm được công việc tốt ở Nhật Bản", học viên Campuchia 28 tuổi cho biết.

Ngôi trường nội trú này không thu học phí của học viên. Thay vào đó, Tập đoàn One Visa sẽ nhận được phí giới thiệu từ các nhà tuyển dụng, tương đương với 30% thu nhập hàng năm của một lao động nước ngoài tới Nhật Bản.

Giám đốc Điều hành One Visa Albert Okamura nhấn mạnh: "Khi cuộc đua nhằm giành lao động nước ngoài ở Nhật Bản đang trở nên gay gắt hơn, chúng tôi sẽ nhanh chóng thiết lập nguồn lao động nước ngoài chất lượng để có thể cử đến làm việc tại các công ty Nhật Bản".

Theo quy định mới nhất, Luật nhập cư sửa đổi đề cập đến hai loại thị thực "kỹ năng đặc định" và cho phép tối đa 345.150 người nước ngoài làm việc tại Nhật Bản trong 5 năm tới.

Theo đó, thị thực loại 1 cho phép người nước ngoài làm việc 5 năm trong các lĩnh vực như dịch vụ thực phẩm, chăm sóc điều dưỡng, nông nghiệp và 11 ngành công nghiệp đang gặp phải tình trạng thiếu hụt lao động khác. Trong khi đó, thị thực loại 2 lại được áp dụng cho các ngành công nghiệp xây dựng và đóng tàu. Những người sở hữu visa làm việc có thể ở lại Nhật Bản trong trường hợp hợp đồng lao động được gia hạn. Ngoài ra, người lao động có visa loại 1 có thể chuyển sang visa loại 2 nếu đáp ứng được những yêu cầu nhất định.

Giải pháp thay thế

Xây dựng, nông nghiệp, chăm sóc điều dưỡng và 77 ngành khác được triển khai theo loại hình "thực tập sinh kỹ thuật" trong nhiều năm nay. Theo đó, các thực tập sinh đến Nhật Bản sẽ được học tập và thực hành làm việc tại đây và sau đó trở về làm việc tại nước mình.

Mặc dù vậy, chương trình thực tập sinh kỹ thuật này đã bị chỉ trích vì cho phép người sử dụng và thuê lao động nước ngoài với mức lương thấp và không công bằng. Trong khi các nhà môi giới thu phí lên tới 800.000 Yen (tương đương 7.400 USD) trước khi gửi một công nhân đến Nhật Bản, các thực tập sinh cho biết, họ cảm thấy bị lừa vì điều kiện làm việc quá tồi tệ.

Trong một nỗ lực nhằm cố gắng xoa dịu nỗi lo các hành vi lạm dụng lao động do những kẽ hở của luật di trú sửa đổi, Chính phủ Nhật Bản đang nghiên cứu các hiệp định song phương để loại bỏ tình trạng các nhà môi giới lạm dụng người lao động và đặt ra các quy tắc để giải quyết vấn đề.

Biên bản ghi nhớ đã được ký kết với Philippines, Campuchia và ba quốc gia khác, còn việc đàm phán với 4 nước khác, trong đó có Việt Nam, đang diễn ra. Trong bối cảnh người lao động kêu gọi tham vấn về việc lạm dụng sức lao động, các hiệp định được kí kết với các nước sẽ không thể giải quyết được toàn bộ vấn đề do các tài liệu đều không ràng buộc về mặt pháp lý.

Một khóa học tiếng Nhật dành cho người Campuchia ở ngoại ô thủ đô Phnom Penh. Biết tiếng Nhật là một trong những điều kiện để được cấp thị thực lao động tại Nhật Bản. (Nguồn: Nikkei Asian Review)

Bên cạnh đó, chương trình thực tập sinh kỹ thuật có một nhược điểm khác, đó là người nước ngoài đến Nhật Bản thường trở về nước sau ba năm, và nhiều người muốn ở lại lâu hơn nhưng không thể vượt qua các bài kiểm tra kỹ năng. Trong khi đó, các loại thị thực mới cho phép lao động nước ngoài ở lại Nhật Bản lâu hơn, lên đến 5 năm, mà không cần phải thi thêm các bài kiểm tra năng lực khác.

Trong bối cảnh đó, một số công ty hiện đang cố gắng đưa các thực tập sinh đã về nước quay trở lại Nhật Bản. Một công ty tại TP. Hồ Chí Minh từng cử 2.000 lao động đến Nhật Bản mỗi năm thông qua chương trình thực tập sinh kỹ thuật đang thu xếp cho khoảng 100 lao động đã về Việt Nam và muốn quay lại làm việc tại Nhật Bản. Công ty môi giới lao động này cho biết đã liên hệ với hơn 20 công ty của Nhật Bản nhằm giải quyết vấn đề trên.

Ngoài ra, mặc dù vẫn chưa vạch ra các biện pháp cụ thể, song Tập đoàn đóng tàu hàng đầu Nhật Bản Marine United từng thuê khoảng 500 người Việt Nam làm thiết kế và thợ hàn theo chương trình thực tập sinh kỹ thuật cho biết, họ đang có kế hoạch thuê thêm người Việt có thị thực làm việc mới.

Minh Trí

(theo Nikkei Asian Review)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ly-do-cac-cong-ty-nhat-san-lung-nhan-luc-o-dong-nam-a-95972.html