Lý do bất ngờ khiến người Pháp từng phản đối việc xây Nhà Hát Lớn tại Hà Nội

Thời điểm người Pháp có ý định xây Nhà Hát Lớn tại Hà Nội, nhiều tờ báo tiếng Pháp đã lên tiếng phản đối.

Nhà Hát Lớn Hà Nội. Ảnh: VNE

Người Pháp tại Hà Nội muốn có nhà hát

Theo nhà nghiên cứu Hà Nội Nguyễn Ngọc Tiến, cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, người Pháp di cư sang các nước thuộc địa rất đông, trong đó có Việt Nam.

Ngoài ra, tại Hà Nội khi đó còn có rất đông người Pháp về hưu nhưng không về nước, những người từng tham gia quân đội Pháp và bộ máy chính quyền ở Hà Nội. Những người này hình thành nên những cộng đồng riêng có bắt đầu có nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật.

“Thời gian này họ nghĩ ra rất nhiều trò chơi. Những người chơi nhạc nghiệp dư tập hợp nhau thành các ban nhạc. Những người yêu kịch lập ra các đội kịch tự biểu diễn với nhau. Lúc này tại Hà Nội và Hải Phòng đều chưa có nhà hát”, nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Tiến nói.

Cũng theo nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Tiến, cộng đồng người Pháp sinh sống tại Hà Nội và Hải Phòng thời điểm đó rất cần có nhà hát vì những người xa xứ rất cần những không gian cho các hoạt động nghệ thuật.

Lý do phản đối xây Nhà Hát Lớn

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Tiến, ngay khi người Pháp có ý định xây dựng Nhà Hát Lớn tại Hà Nội, đã có một số tờ báo ở Pháp như: Thức tỉnh kinh tế Đông Dương; Đông Pháp... có những bài viết phản đối việc xây dựng.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Tiến. Ảnh: Laodong

“Lý do mà những tờ báo phản đối việc xây Nhà Hát Lớn ở Hà Nội tập trung chủ yếu vào 2 luận điểm.

Thứ nhất, họ đặt vấn đề tại sao lại xây một nhà hát lớn như thế ở một nước thuộc địa dân trí còn thấp, ít hiểu biết về văn hóa Pháp và văn hóa phương Tây như Việt Nam.

Thứ hai, những tờ báo này cho rằng với dân số Hà Nội thời điểm đó còn ít, tại sao lại xây một nhà hát có quy mô lớn như thế”, ông Tiến dẫn giải.

Tuy nhiên, theo ông Tiến, những tờ báo tiếng Pháp không đặt vấn đề “cần thiết hay không cần thiết” xây một nhà hát quá lớn như vậy và cũng không đặt vấn đề về việc xây dựng có thể gây lãng phí tiền bạc.

“Nhưng việc phản đối xây dựng Nhà Hát Lớn tại Hà Nội khi đó hầu như chỉ diễn ra ở Pháp, trên một số tờ báo tiếng Pháp chứ người dân Hà Nội thời điểm đó hầu như không có ý kiến gì.

Vì khi đó Việt Nam vẫn chỉ là thuộc địa, người dân thuộc địa muốn bày tỏ ý kiến cũng không thể được.

Việc xây dựng nhà hát khi đó cũng có một cơ chế khác, vì hàng năm Pháp đã có kinh phí phân bổ cho các nước thuộc địa, việc này đều đã được các nghị sĩ thông qua. Mà các nghị sĩ chính là đại diện của nhân dân, nên người dân muốn phản đối cũng không được”, ông Tiến lý giải.

Thành Trung

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/ly-do-bat-ngo-khien-nguoi-phap-tung-phan-doi-viec-xay-nha-hat-lon-tai-ha-noi-636158.ldo