Lý do bất ngờ khiến Nga không cho S-500 'trình làng' trong lúc S-400 'bán đắt như tôm tươi'

Đã có những câu hỏi đặt ra về việc vì sao hệ thống tiên tiến nhất S-500 của Nga lại chưa thể ra mắt và liên tục trì hoãn.

S-500 được dự đoán là khắc tinh của thế hệ chiến đấu cơ thứ năm như F-35.

S-500 được dự đoán là khắc tinh của thế hệ chiến đấu cơ thứ năm như F-35.

Nga vẫn giấu "con át chủ bài" S 500?

Năm 2019 đánh dấu là một năm quan trọng đối với các hệ thống tên lửa đất đối không của Nga. Từ S-350 Vityaz mới đến các lữ đoàn S-300V4 bổ sung, hàng loạt hệ thống phòng thủ hiện đại của Nga đã sẵn sàng đi vào hoạt động trong những tháng tới.

Tuy nhiên, con át chủ bài S-500 vẫn im hơi lặng tiếng một cách kỳ lạ. Được ca ngợi là thế hệ phòng thủ tiên tiến nhất, S-500 tự hào có một loạt các tính năng chưa từng có từ trước đến nay.

S-500 có khả năng đánh chặn các tên lửa đạn đạo ở khoảng cách 600 km, cải thiện 200km so với S-400 đáng gờm. Phạm vi cải tiến của S-500 còn được kết hợp bởi khả năng không kém phần ấn tượng nữa đó là theo dõi và đánh chặn đến 10 mục tiêu cùng lúc với tốc độ hơn 4 dặm một giây, theo các báo cáo của National Interest.

Thông tin về bộ vũ khí được trang bị trên S-500 vẫn còn chưa rõ ràng. Các chi tiết rò rỉ ban đầu cho thấy đó có thể là biến thể tên lửa chống máy bay NPO 9M82MD, nhưng một số báo cáo khác cho rằng tổ hợp sẽ sử dụng cùng dòng tên lửa 48N6 trên S-400.

Đối với lựa chọn đánh chặn tên lửa, S-500 được cho là hỗ trợ đặc biệt các tên lửa 77N6 và 77N6-N1.

Các chuyên gia quân sự và truyền thông Nga tin rằng S-500 sẽ là hệ thống phòng thủ tên lửa đầu tiên có thể nhắm mục tiêu và vô hiệu hóa các máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm như F-35, mặc dù đánh giá lúc này hãy còn quá sớm.

“S-500 là một đòn giáng mạnh vào tiếng tăm của Mỹ”, kỹ sư trưởng của Almaz-Antey Pavel Sozinov nói với truyền thông Nga. “Hệ thống của chúng tôi vô hiệu hóa vũ khí tấn công của Mỹ và vượt qua tất cả các hệ thống phòng không và chống tên lửa được thổi phồng của họ”.

S-500 được phát triển với thông số kỹ thuật ấn tượng và định hướng với mục tiêu đầy tham vọng của nhà sản xuất, nhưng nó chưa thể xuất hiện trong bộ sậu phòng thủ tên lửa danh tiếng của Nga.

S-500 từng được tuyên bố sẽ hoàn thành vào năm 2011, trong khi sản xuất sẽ bắt đầu vào năm 2014. Thời hạn đó đã nhanh chóng bị đẩy lùi về giữa năm 2017 và sau đó một lần nữa đến năm 2020.

Thông tin về S-500 được truyền thông Nga đăng tải rất hạn chế.

Điều gì đã khiến cho quá trình phát triển S-500 của Nga bị chậm trễ liên tục như vậy? Theo National Interest, nguyên nhân trực tiếp vẫn là về mặt kỹ thuật. Nhà sản xuất Nga đã đặt ra thời hạn hoàn thành khá lạc quan, trong khi vũ khí này đòi hỏi những bước tiến kỹ thuật nhảy vọt và tốn kém.

Hiện tại, các nguồn tin của Nga vẫn kín tiếng về sự phát triển của S-500. Bởi vậy, dù có bất kỳ vấn đề kỹ thuật nào, nó cũng được giấu kín hoàn toàn.

Chiến thuật giữ "tầm ảnh hưởng" cho S400

Tuy nhiên, các báo cáo gần đây đã đưa ra một lời giải thích khác: S-500 gần như đã hoàn thành, nhưng Điện Kremlin đang trì hoãn ra mắt vì lý do thương mại. Giới phân tích cho rằng, Nga lo ngại một khi S-500 ra mắt, nó sẽ làm suy giảm giá trị xuất khẩu đang tăng tiến của S-400.

Các khách hàng tiềm năng có thể mất hứng thú với S-400 nếu họ nhận ra rằng vũ khí này đang lỗi thời khi rõ ràng S-500 là một lựa chọn tối ưu hơn.

Các khách hàng chiến lược quan trọng như Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ rất có thể sẽ khó chịu khi họ vượt qua các rào cản ngoại giao lớn của Mỹ chỉ để mua các hệ thống S-400 đắt tiền sẽ bị lỗi thời trước cả khi giao hàng.

Một vấn đề khác nữa là Nga sẽ muốn đưa S-500 vào lực lượng vũ trang của chính họ trước khi cung cấp cho khách hàng nước ngoài. Kế hoạch xuất khẩu S-500 vẫn còn rất xa xôi, một điều không thể xảy ra cho đến năm 2021 ngay cả trong kịch bản tốt nhất.

Do đó, Điện Kremlin có nguy cơ gây nguy hiểm cho các thỏa thuận S-400 đang diễn ra một khi cho trình làng S-500. Theo logic này, Điện Kremlin đã tự làm khó mình khi tiết lộ S-500 quá sớm và buộc phải dừng lại quá trình quảng bá cho đến khi S-400 đi đến cuối chu kỳ trên thị trường.

Đây được coi là bước đi phù hợp đối với chiến lược xuất khẩu vũ khí của Nga khi muốn thúc đẩy mối quan hệ thương mại ổn định, lâu dài với những người mua quan trọng như Thổ Nhĩ Kỳ.

Mạnh Kiên

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ly-do-bat-ngo-khien-nga-khong-cho-s-500-trinh-lang-trong-luc-s-400-ban-dat-nhu-tom-tuoi-a455519.html