Lý do Ant Group được coi là quái vật chưa thuần hóa

Trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng, các tập đoàn fintech như Ant Group đã giật khách hàng từ những ngân hàng thương mại truyền thống nhờ mang đến khả năng tiếp cận vốn dễ dàng hơn, đặc biệt là nhóm người dùng trẻ có thu nhập thấp ở Trung Quốc. TCDN -

Suốt nhiều năm qua, những quy định quản lý lỏng lẻo ở Trung Quốc đã giúp các doanh nghiệp công nghệ tài chính phát triển thần tốc. Ant Group của tỷ phú Jack Ma trở thành tập đoàn tài chính khổng lồ với hàng loạt mảng kinh doanh béo bở như bảo hiểm, thanh toán, tín dụng, quản lý tài sản.

Song những quy định mới của chính phủ cho thấy giai đoạn ngành công nghệ tài chính của thị trường 1,4 tỷ dân phải thay đổi đã đến.

Năm 2008, khi còn đang chèo lái tập đoàn Alibaba, tỷ phú Jack Ma than thở rằng các ngân hàng truyền thống của Trung Quốc đang bỏ qua những doanh nghiệp rất cần vốn.

"Nếu các ngân hàng không thay đổi, chúng ta sẽ thay đổi họ", ông khẳng định. Hồi ấy, cựu giáo viên tiếng Anh đã hình dung ra một hệ thống cho vay toàn diện đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp nhỏ.

 Ant Group và những tập đoàn fintech siêu lớn như Tencent có lợi thế lớn nhờ sử dụng dữ liệu lớn và điện toán đám mây. Ảnh: SCMP

Ant Group và những tập đoàn fintech siêu lớn như Tencent có lợi thế lớn nhờ sử dụng dữ liệu lớn và điện toán đám mây. Ảnh: SCMP

Năm 2013, Jack Ma nhắc lại rằng Trung Quốc không thiếu ngân hàng hoặc tổ chức đổi mới, mà cần một tổ chức tài chính có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thập kỷ tới. "Ngành tài chính cần một kẻ ngoại đạo mang đến những thay đổi", Chủ tịch Alibaba phát biểu.

Financial Times dẫn lời giám đốc một ngân hàng quốc tế lớn ở Trung Quốc mô tả Ant Group là "quái vật cần thuần hóa". Theo tờ báo, Ant Group là minh chứng rõ nét cho thấy sự phát triển thần tốc của ngành fintech (công nghệ tài chính) tại Trung Quốc trong những năm qua.

Khai thác triệt để những công nghệ mới, giới startup công nghệ tài chính ở Trung Quốc tập trung khai thác mảng dịch vụ tài chính màu mỡ. Phát biểu tại một hội nghị ở Thượng Hải hồi cuối tháng 10, tỷ phú chỉ trích hệ thống ngân hàng Trung Quốc giống tiệm cầm đồ.

"Các ngân hàng đòi tài sản thế chấp thay vì sử dụng dữ liệu và công cụ công nghệ cao nhằm đánh giá rủi ro tín dụng", ông lập luận.

Hiệp ước Basel của hệ thống ngân hàng toàn cầu, theo ông, là "câu lạc bộ của những người già".

"Tình trạng thiếu một hệ sinh thái tài chính mới là thách thức của Trung Quốc, chứ không phải rủi ro hệ thống", nhà sáng lập Ant Group nhấn mạnh.

Ant Group và những tập đoàn fintech siêu lớn như Tencent có lợi thế lớn nhờ sử dụng dữ liệu lớn và điện toán đám mây. Riêng đối với lĩnh vực cho vay tiêu dùng, các tập đoàn fintech đã giật khách hàng từ những ngân hàng thương mại truyền thống nhờ mang đến khả năng tiếp cận vốn dễ dàng hơn, đặc biệt là nhóm người dùng trẻ có thu nhập thấp.

Với hai nền tảng tín dụng vi mô Huabei (Just Spend) và Jiebei (Just Lend), Ant Groupcung cấp các khoản vay nhỏ, không yêu cầu thế chấp cho khoảng 500 triệu người mỗi năm ở Trung Quốc.

Ant Group bảo lãnh khoảng 1.700 tỷ NDT (259 tỷ USD) tín dụng tiêu dùng, 422 tỷ NDT (64,24 tỷ USD) đối với các khoản vay doanh nghiệp nhỏ cho khoảng 100 ngân hàng và những tổ chức tài chính khác. Phần lớn ngân hàng và những tổ chức tài chính đó có mạng lưới phân phối hẹp.

Với xuất phát điểm là một công ty thanh toán online, Ant Group bành trướng thần tốc sang các mảng kinh doanh màu mỡ của nhóm ngân hàng truyền thống. Nguồn thu lớn nhất của Ant Group là hoạt động tín dụng. Họ tập trung vào đối tượng khách hàng nhỏ mà ngân hàng truyền thống bỏ qua từ lâu.

Hai bộ phận công nghệ tín dụng Huabei và Jiebei là cỗ máy in tiền của Ant Group. Trong 6 tháng đầu năm, doanh thu mảng công nghệ tín dụng tăng 59% lên 29 tỷ NDT (4,38 tỷ USD), đóng góp 40% vào tổng doanh thu tập đoàn.

Trên "mặt trận" huy động tiền gửi, Yue Bao - quỹ tiền tệ của Ant từng có thời điểm đứng đầu thế giới với giá trị tài sản quản lý lên tới 251 tỷ USD. Chỉ với 1 NDT (0,15 USD), người dùng đã có thể mở tài khoản và đầu tư. Giới truyền thông nhà nước từng gọi các quỹ tiền tệ như Yue Bao là "ma cà rồng hút máu", ám chỉ hành vi giành giật tiền gửi từ ngân hàng.

Trong mảng thanh toán béo bở, ứng dụng WeChat của Tencent cũng sở hữu hơn 1 tỷ người dùng mỗi tháng. Với WeChat Pay, người sử dụng có thể thanh toán, đặt vé máy bay, tàu hỏa, mua sắm trực tuyến mà không cần rời khỏi ứng dụng. Tương tự, ứng dụng Alipay của Ant Group có khoảng 700 triệu người dùng mỗi tháng.

Nhã Vy

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/ly-do-khien-gioi-ngan-hang-trung-quoc-coi-ant-group-la-quai-vat-can-thuan-hoa-d16928.html