Lý Bạch và áng thiên cổ biệt ly

Lý Bạch (701 – 762), quê ở Cam Túc là nhà thơ lãng mạn vĩ đại của Trung Quốc. Cả cuộc đời, Lý Bạch luôn khao khát lập công danh sự nghiệp nhưng công chưa thành thì thân đã thoái.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Thơ Lý Bạch mang đậm sắc thái lãng mạn và tâm hồn bay bổng, có sức mạnh phản kháng và ước mơ đưa tới lý tưởng cao cả và khát vọng giải phóng cá tính, bất bình với thực tại tầm thường. Bút pháp tài hoa trong thơ ông gắn liền với cách xây dựng hình ảnh và sử dụng ngôn ngữ. Ông được xem là Thi tiên của thơ Đường.

Nhiều giá trị gợi mở

“Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng” là bài thơ hay của Lý Bạch viết về tình bạn cao đẹp giữa hai người. Bài thơ ấn tượng với một nhan đề dài, chiếm 10 chữ trong tổng thể 28 chữ của một bài thơ thất ngôn tuyệt cú. Nhan đề có tính chất là một câu kể, một câu tường thuật. Nhan đề đó gợi ra lộ trình di chuyển của Mạnh Hạo Nhiên (người ra đi) từ lầu Hoàng Hạc đến địa điểm dừng chân Quảng Lăng. Đó là hành trình từ một thắng cảnh thần tiên ở thành phố Hán, tỉnh Hồ Bắc đến một thủ phủ bé nhỏ (Quảng Lăng) nằm trong quận Dương Châu, địa điểm được xem là phồn hoa, đô hội bậc nhất lúc bấy giờ.

Nhan đề trên đã xác lập mối quan hệ giữa cõi tiên và cõi tục. Trong nhan đề, cái bé nhỏ của Quảng Lăng hòa vào cái rộng lớn của Dương Châu. Nhan đề vừa gợi đến một địa điểm vừa cụ thể, vừa không cụ thể, từ đó gợi ra một hành trình dài mà ngay cả người đi cũng chưa biết trước được tương lai. Nhan đề dài, nhưng án ngữ ở đầu và cuối nhan đề ấy là hai địa danh. Nối dài hai địa danh lầu Hoàng Hạc và Quảng Lăng là dòng Trường Giang vô tận, vô cùng. Đó là không gian của sự vận động vĩnh hằng và một chiều. Nhan đề ám gợi hình ảnh người ra đi, đi mãi, “cố nhân” như cánh hạc vàng... Giá trị gợi mở ấy xác lập mối quan hệ đặc biệt nhằm làm nổi bật sự đối lập giữa cái ra đi mãi mãi và cái còn lại, giữa mất và còn. Trong nhan đề đã chứa đựng một tứ thơ kín đáo, hé mở rất nhiều các mối quan hệ và gợi ra ý niệm của sự mất mát, chia phôi.

Cảnh biệt ly

Hai câu đầu, Lý Bạch kể, tả một cách khách quan, cung cấp đầy đủ thông tin về một cuộc đưa tiễn thông thường:

Cố nhân Tây từ Hoàng Hạc lâu

Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu

(Bạn cũ giã từ lầu Hoàng Hạc, ở phía Tây

Xuôi về Dương Châu giữa tháng Ba, mùa hoa khói)

Ngay ở hai câu đầu, Lý Bạch đã đem đến những lượng thông tin khách quan, chi tiết, cụ thể, chính xác đến người đọc: “Tại lầu Hoàng Hạc ở phía Tây, vào tháng Ba giữa mùa hoa khói có người bạn cũ theo thuyền về Dương Châu”. Nằm trong mô típ “đăng cao ức hữu”, hai câu thơ gợi ra được khoảng cách địa lí dằng dặc vừa gợi được nỗi nhớ thương lưu luyến của nhân vật trữ tình.

Chủ thể trữ tình gọi người bạn của mình là Cố nhân, đó là cách gọi thể hiện sự thân thiết của một người bạn đã gắn bó từ rất lâu. Trong thơ xưa, quá khứ luôn đồng nghĩa với những giá trị xưa cũ như “cố quốc”, “cố hương”, “cố viên tâm”... Bởi thế mà việc gọi người bạn của mình là cố nhân (bạn cũ), biết bao trìu mến và thân thương mà Lý Bạch gửi gắm qua cách nói này.

Thời gian xuất hiện trong câu thơ là tháng Ba. Tháng Ba là khoảng thời gian mùa xuân trong năm. Thông thường đó là thời gian của hội hè, gặp gỡ, sum vầy, đoàn tụ. Nhưng trong câu thơ, khoảng thời gian ấy lại đại diện cho sự giã biệt và chia phôi. Ý niệm về thời gian diễn tả một thực tế và một nghịch lý: “Ngày vui chưa tàn mà tình đã đứt đoạn”. Nỗi buồn cứ thế mà nhân lên.

Ở câu thơ thứ hai, thời gian hé mở gợi ra nỗi buồn, sự cô lẻ của người ra đi. Câu thơ còn xác lập sự đối lập trong chiều không gian giữa cái hữu hạn và vô hạn. Dòng Trường Giang rộng lớn, tấp nập lung linh giữa mùa hoa khói và một con thuyền chở bạn về Dương Châu đầy nhỏ bé, côi cút, lạc lõng.

Hai câu thơ còn gửi gắm nỗi niềm và xúc cảm của Mạnh Hạo Nhiên. Nếu hiểu câu thơ mang nghĩa ẩn dụ thì đó chính là một sự nuối tiếc ngậm ngùi của người đi. Giã từ lầu Hoàng Hạc chẳng khác nào Mạnh phu tử từ giã quá khứ và lối sống cũ, xuôi về chốn phồn hoa đô hội để đón nhận một lối sống mới. Trước 40 tuổi, Mạnh Hạo Nhiên vẫn ở ẩn, đọc sách, làm thơ, sau ông đến kinh đô Trường An mưu cầu công danh nhưng không toại nguyện lại đành tìm về chốn lạc thú của núi non. Hình ảnh gợi lên cuộc đưa tiễn với chính mình. “Cố nhân” không chỉ chia tay với Lý Bạch mà còn chia tay với một Mạnh Hạo Nhiên lúc trước. Câu thơ nhuốm một màu hoài niệm về quá khứ và nỗi suy tư về hiện tại. Nỗi niềm người đi và người tiễn như hòa làm một. Ý thơ gợi cho ta liên tưởng đến những câu thơ nặng trĩu tâm trạng của Thâm Tâm trong “Tống biệt hành”:

“Đưa người ta không đưa qua sông

Sao có tiếng sóng ở trong lòng

Bóng chiều không thắm, không vàng vọt

Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?”

Nếu hai câu đầu bài thơ nặng về kể sự thì hai câu cuối nặng về tả cảnh:

Cô phàm viễn ảnh bích không tận

Duy kiến Trường Giang thiên tế lưu

(Bóng cánh buồm lẻ loi xa dần, mất hút vào khoảng không xanh biếc

Chỉ thấy sông Trường Giang chảy vào cõi trời).

Câu thơ xuất hiện với hình ảnh “cô phàm viễn ảnh”: Hình ảnh cánh buồm đơn độc, lẻ loi, hình ảnh cánh buồm xa dần và mất hút vào khoảng không xanh biếc của trời, sông, nước ở Trường Giang. Phát huy hiệu quả, tối đa các mối quan hệ giữa cận cảnh và viễn cảnh, ý thơ gợi ra hình ảnh cánh buồm chuyển động trong không gian từ gần, đến xa rồi khuất dần trong nhãn giới. Câu thơ xác lập mối quan hệ tương phản đối lập vô hạn của thiên nhiên đất trời với cái hữu hạn nhỏ nhoi của con người, sự đối lập giữa cái tĩnh muôn đời của cảnh vật không gian và cái động của con thuyền chở bạn chỉ là một chấm nhỏ giữa dòng nước.

Ảnh minh họa.

Tình ly biệt

Sông Trường Giang là huyết mạch giao thông, thương nghiệp của cả vùng Hoa Trung và Hoa Nam. Vào mùa xuân thanh bình, giữa tháng Ba mùa hoa khói hẳn con sông có nhiều thuyền bè xuôi ngược, thuyền qua lại như mắc cửi, vậy tại sao Lý Bạch chỉ thấy mỗi “cánh buồm lẻ loi” chở người bạn cũ “cố nhân”?

Phải chăng, vì Lý Bạch quá tập trung vào con thuyền chở bạn nên những con thuyển khác bị mờ và nhòe đi trong nhãn giới. Nhưng còn có một nguyên nhân tâm lý khác: Chính tấm lòng đã định hướng đôi mắt, cái nhìn đã hóa tâm trạng. Ở đây, có một người ra đi cô đơn, một người ở lại cô đơn đưa tiễn nhìn theo một cánh buồm cô đơn, xa dần, dần xa rồi thấp thoáng và mất hút trong không gian. Câu thơ không chỉ được kiến tạo bằng cái nhìn thị giác mà còn được nhìn bằng cả tâm hồn. Cảnh đã thấm vào tình, vừa gợi được sự cô đơn của người đi vừa gợi được nỗi niềm lưu luyến, bâng khuâng của người ở lại.

Sự xê dịch của cánh buồm giữa khoảng không xanh biếc thể hiện đôi mắt đăm đăm dõi theo bằng cả nỗi nhớ thương, bằng cả tình li biệt của Lý Bạch. Trong bài thơ “Không đề”, Nguyễn Bính cũng đã từng có cảm xúc đó:

“Ai đi đó, ai về đâu

Cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm”

Câu thơ cuối nặng về tả cảnh, trong ý thơ tả cảnh còn xuất hiện ngôn ngữ của người đưa tiễn “Duy kiến Trường Giang thiên tế lưu”. “Duy kiến” là cái nhìn chứa đựng sự lưu luyến và không muốn rời xa. Nhãn tự trong câu thơ chứa đựng một nghịch cảnh nhưng lại diễn tả một điều có lý: Tấm lòng người đưa tiễn định hướng đôi mắt. Giá trị biểu cảm của từ “Duy kiến” (chỉ thấy) gợi ra trạng thái bàng hoàng ngơ ngác của nhà thơ giữa khoảng trời nước mênh mang. Dòng Trường Giang là một giới hạn không thể nào vượt qua và giới hạn này càng lớn bao nhiêu thì nỗi cô đơn, nhớ bạn càng sâu sắc bấy nhiêu. Ý thơ diễn tả sự thua cuộc đẫm lệ của Lý Bạch. Bút pháp cực tả, cực điệu được sử dụng miêu tả được cái tình thâm viễn của người ở lại. Ở đây, cảnh và tình đồng nhất là một.

Bài thơ kết thúc bằng hình ảnh dòng Trường Giang chảy vào cõi trời. Cánh buồm, dòng Trường Giang, bầu trời có mối quan hệ đồng nhất, hòa làm một, làm bật nổi tình cảm mênh mang, không thể đo đếm được của tình bạn giữa Lý Bạch và Mạnh Hạo Nhiên. Hình ảnh được kiến tạo bằng bút pháp tả động, phù hợp với bút pháp trong thơ Lý Bạch mọi hình ảnh đều hướng đến hình ảnh kì vĩ, phóng khoáng và bay bổng. Qua đó, thể hiện hùng tâm tráng chí của thi nhân.

Xây dựng được một tứ thơ kín đáo, mới lạ dựa trên các mối quan hệ tương phản đối lập, ngôn ngữ thơ trang nhã, hàm súc, hình ảnh giàu giá trị biểu cảm, bài thơ tiêu biểu cho phong cách thơ Lý Bạch với sự thống nhất giữa cái cao cả và cái đẹp.

Trong quan niệm về tứ thú (bốn điều thú vị) của người Trung Hoa bao gồm “thắng sự” (sự kiện hay), “giai thì” (thời tiết đẹp), “mỹ cảnh” (cảnh đẹp), “lương bằng” (người bạn tốt) thì bài thơ chỉ có ba, thiếu mất “sự” thì “bất thắng” – ly biệt. Thế nhưng, tam thú còn lại là cái nền cho nỗi biệt ly trở nên sâu sắc. Thi phẩm của Lý Bạch trở thành một bài thơ duy cảnh nhưng vẫn thấm đượm tình, thứ tình cảm chân thành, gắn bó tha thiết của Lý Bạch và Mạnh Hạo Nhiên, hai nhà thơ lớn thời Thịnh Đường.

Trong bốn chủ đề của thơ Đường, chủ đề “tống biệt” chiếm tỉ lệ khá cao. Các nhà thơ thời Đường đều trân trọng và ngợi ca tình bằng hữu:

Hoàng kim vạn lạng dung dị đắc

Nhân sinh tri kỉ tối nan tầm

(Vạn lạng hoàng kim còn dễ kiếm

Thế gian tri kỉ thật khó tìm)

Lý Bạch là nhà thơ của tình bằng hữu. Với gia tài hơn 1.000 bài thơ, Lý Bạch có khá nhiều các bài thơ nằm trong thi đề “tống biệt”. Lý Bạch quan niệm rằng “Ở đời biết nhau quý/ Cần chi bạc với tiền”. Bằng một xúc cảm chân thành và lắng đọng gói trong một hình thức nghệ thuật hàm súc, “Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng” nói đến cảnh biệt ly nhưng hướng đến tình ly biệt, đến ngàn đời sau bài thơ vẫn được xem là áng “thiên cổ biệt ly” của thơ Đường.

Mạnh Hạo Nhiên (689 – 740) là nhà thơ nổi tiếng của Trung Quốc và là người bạn văn chương của Lý Bạch. Ông hơn Lý Bạch 12 tuổi. Ông có nhiều điểm tương đồng với Lý Bạch như phóng khoáng, ham ngao du sơn thủy, sống ẩn dật và không ra làm quan. Lý Bạch dành nhiều tình cảm đặc biệt cho Mạnh Hạo Nhiên. Trong một ý thơ của mình, ông viết “Ngô ái Mạnh phu tử/ Phong lưu thiên hạ văn” (Ta yêu Mạnh phu tử/ Đã nổi tiếng phong lưu khắp thiên hạ).

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/trao-doi/ly-bach-va-ang-thien-co-biet-ly-3PEN97eGg.html