Luyện ngủ cho con mãi không thành, tiết lộ 9 nguyên nhân khiến mẹ bất ngờ

Người mẹ trẻ không hiểu vì sao cậu con trai út dù đã 15 tháng tuổi và được luyện tự ngủ nhưng bé vẫn không thể ngủ xuyên đêm và thức giấc 3-4 lần mỗi đêm.

Đón thêm thành viên mới trong gia đình là hạnh phúc vô bờ của bất cứ ông bố bà mẹ nào nhưng hạnh phúc dễ biến thành cơn ác mộng nếu bé thức quấy hàng đêm và bố mẹ thì bơ phờ vì thiếu ngủ. Rất nhiều mẹ đã bắt tay ngay vào công cuộc luyện ngủ cho con ngay từ nhỏ bằng một số phương pháp thịnh hành hiện nay như phương pháp không khóc (No cry/No tears), bế lên đặt xuống (Pick up put down), để con khóc (Cry it out), khóc có kiểm soát (Controlled crying), tuy nhiên trên thực tế thì cũng có không ít mẹ thất bại trong cách luyện ngủ cho con.

Trên thực tế thì cũng có không ít mẹ thất bại trong cách luyện ngủ cho con (Ảnh minh họa)

Một bà mẹ trẻ mới đây quyết định đăng đàn chia sẻ về câu chuyện của chính mình khi luyện ngủ cho con thất bại. Chị cho biết: "Tôi luyện ngủ cho con từ lúc bé được 6 tháng tuổi. Tôi đã từng nghe kể rất nhiều câu chuyện luyện ngủ thành công cho con từ các mẹ có kinh nghiệm. Thông thường bé mất 3-4 đêm khủng hoảng nhưng sau đó thì kết quả khá tốt, các bé tự ngủ và ngủ xuyên đêm không còn bị thức giấc giữa chừng. Nhưng với con trai tôi thì không hiểu lí do tại sao mặc dù đã 15 tháng tuổi nhưng bé vẫn thức giấc vài lần trong đêm, vào lúc 11:30 đêm, 3 giờ sáng và 5 hoặc 6 giờ sáng".

Từ một ví dụ điển hình trên, bà Erin Junker, chuyên gia tư vấn giấc ngủ cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, người sáng lập Công ty Happy Sleep (Canada) đã giúp các bà mẹ xác định những lý do chính khiến việc luyện ngủ cho con không thành công như sau:

1. Chỉ tập trung luyện ngủ xuyên đêm và bỏ qua giấc ngủ ngắn ban ngày

Một số mẹ thường ngăn con ngủ ngày với mong muốn bé sẽ ngủ đêm nhiều hơn. Điều này thực ra không hiệu quả vì bé sẽ khó ngủ vì quá mệt và gắt ngủ nhiều hơn. Bà Erin cho hay: "Sai lầm lớn nhất là mẹ chỉ tập trung luyện cho con ngủ xuyên đêm và bỏ qua giấc ngủ ngắn ban ngày. Mẹ có thể bắt đầu luyện ngủ vào giờ ngủ tối, nhưng con cũng cần có giấc ngủ ngon vào ban trưa. Bởi giấc ngủ ngắn cũng rất quan trọng, bé sẽ bị rối loạn nếu mẹ có sự phân biệt giấc ngủ ngày và đêm. Nếu mẹ quá tập trung luyện ngủ đêm mà bỏ qua giấc ngủ ngày, bé dễ mệt mỏi, cáu gắt và không thể ngủ ngoan buổi đêm".

Chỉ tập trung luyện ngủ đêm và bỏ qua giấc ngủ ngắn sẽ khiến bé thêm khó ngủ vì quá mệt và gắt ngủ nhiều hơn (Ảnh minh họa)

2. Các giấc ngủ ngày quá ít

Theo bà Erin, tại một số nước phát triển như Canada, các bé được mẹ cho ngủ 1 giấc trưa từ khi tròn 1 tuổi thay vì chia nhỏ thành các giấc ngắn buổi sáng, xế chiều. Nguyên nhân thì có nhiều, chẳng hạn như hạn chế về mặt thời gian chăm sóc con, tâm lý lo sợ con không còn muốn ngủ trưa để bố mẹ được nghỉ ngơi. Nhưng bà Erin gợi ý cha mẹ muốn luyện con tự ngủ thành công thì không nên bỏ qua các giấc ngủ ngắn hay hạn chế số lượng giấc ngủ ngắn của con. Mẹ có thể áp dụng 1 giấc ngủ trưa duy nhất cho buổi ban ngày với bé từ 15-18 tuổi trở lên, thay vì 12 tháng tuổi như một số mẹ đang làm.

3. Không nhất quán trong phương pháp và hành động

Theo các chuyên gia, sự nhất quán trong phương pháp luyện ngủ và cách thực hiện đóng vai trò quan trọng quyết định rất lớn tới sự thành công. Mẹ hãy chọn một phương pháp luyện ngủ mà mẹ có thể chấp nhận và theo đuổi. Nếu mẹ có kế hoạch luyện ngủ xuyên đêm cho con thì mọi thành viên trong gia đình cần phối hợp để cùng thực hiện, bám sát kế hoạch đã đặt ra. Mẹ sẽ thành công hơn bắt đầu luyện ngủ đêm sau khi bé đã có giấc ngủ ổn định ban ngày, chủ yếu ngủ ở nhà thay vì ngủ trưa trong xe hơi, địu hay xe đẩy. Hãy linh hoạt khi áp dụng và cân nhắc cẩn thận việc bé phản ứng lại thế nào. Nếu bé kiên quyết phản đối và bạn thấy tâm trạng và hành vi của bé đang dần tồi tệ hơn, hãy dừng lại và đợi vài tuần trước khi thử lại hoặc áp dụng phương pháp khác.

Nếu mẹ có kế hoạch luyện ngủ xuyên đêm cho con thì mọi thành viên trong gia đình cần phối hợp để cùng thực hiện, bám sát kế hoạch đã đặt ra (Ảnh minh họa)

4. Để con ngủ say trên tay mới đặt xuống cũi

Cách bố mẹ dỗ bé ngủ rất quan trọng, nó sẽ hình thành thói quen trong những năm tháng đầu đời. Mẹ nên đặt bé vào giường, cũi khi bé đã buồn ngủ nhưng vẫn còn thức, đừng để con ngủ say trên tay mẹ rồi mới để bé vào. Điều này sẽ tạo thói quen để bé tự xoay sở, mẹ sẽ không cần dỗ nếu con thức giấc nửa đêm. Nếu mẹ để con quá buồn ngủ hoặc ngủ say trên tay mới đặt vào cũi thì bé có xu hướng tỉnh giấc sau một chu kỳ ngủ và bất ngờ vì không thấy mẹ đâu nữa.

5. Vội vàng dỗ dành khi con tỉnh giấc

Mẹ cần lưu ý rằng khi bé tỉnh dậy ban đêm thì đừng vội chạy đến và dỗ dành bé ngay mà hãy theo dõi biểu hiện của bé và chờ bé tự ngủ lại. Nếu bé vẫn thức và quấy khóc, mẹ hãy kéo dài thời gian chờ đợi của mình rồi mới dỗ con. Bé sẽ dần thích nghi và có thể ngủ xuyên đêm. Mẹ cần đảm bảo biết rõ nguyên nhân mà bé quấy khóc để có phương án thích hợp nhất.

Vội vàng chạy đến dỗ dành khi con tỉnh giấc là một nguyên nhân khiến bé không thể tự lập và xoay sở để ngủ lại (Ảnh minh họa)

6. Không tách bạch ăn và ngủ

Trong vài tuần đầu bé thường cần được bú sữa trước khi ngủ. Nhưng dần dần mẹ cũng có thể cho bé ăn sớm lên để bé không phụ thuộc việc phải ti sữa mới ngủ được. Nếu bé không có vấn đề gì về cân nặng và chiều cao cần bổ sung dinh dưỡng vào buổi đêm thì mẹ hãy tách bạch việc cho bé ăn và cho bé ngủ, loại bỏ dần thói quen vừa ngủ vừa ăn để đảm bảo giấc ngủ xuyên đêm cho bé.

7. Ôm ấp, dỗ dành bé quá mức

Khi luyện bé tự ngủ, nhiều bố mẹ chọn phương án thường xuyên, liên tục đến chỗ con ngủ để kiểm tra, hoặc ngồi ngay tại phòng con để trông chừng bé. Nhưng hãy nhớ tránh không để bé bị kích thích vì sự có mặt liên tục của mẹ như vậy. Khi bế bé lên mẹ hãy thao tác thật nhanh gọn, không nên âu yếm hoặc vỗ về quá mức mà hãy nhanh chóng đặt bé trở lại giường, cũi. Hãy để bé biết là có mẹ ở đó nhưng không để trẻ ngủ gục trên người mẹ. Mẹ có thể xoa lưng, xoa bụng cho bé dễ chịu nhưng không để tay cho đến khi con ngủ.

Mẹ có thể xoa lưng, xoa bụng cho bé dễ chịu nhưng không để tay cho đến khi con ngủ (Ảnh minh họa)

8. Để phòng ngủ quá sáng, ồn ào

Mẹ hãy dạy con sự khác biệt giữa ngày và đêm, đảm bảo môi trường ngủ của bé một cách thoải mái và dễ chịu nhất. Trong ngày, hãy cứ để bé tiếp xúc với sự hối hả và mọi nhịp sống nhưng đêm đến nên tránh kích thích thần kinh bé bằng cách giữ giọng thật thấp khi nói và hạn chế tối đa tiếp xúc bằng ánh mắt với bé, kết hợp với hiệu ứng bóng tối và sự im lặng, bé sẽ học được rằng bóng tối, ban đêm là thời gian để ngủ. Ngược lại, nếu phòng ngủ của bé quá ồn ào và nhiều ánh sáng sẽ ảnh hưởng tới giấc ngủ của bé, bé hay thức giấc và không thể ngủ sâu.

9. Cho bé đi ngủ muộn

7 giờ tối là khung giờ đi ngủ rất bình thường đối với trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi (Ảnh minh họa)

Để đảm bảo bé có giấc ngủ ngon và sâu, mẹ hãy lưu ý không nên cho bé ngủ muộn. Nhiều mẹ cho rằng cho bé ngủ từ 7 giờ tối là quá sớm nhưng theo bà Erin, trên thực tế 7 giờ tối là khung giờ đi ngủ rất bình thường đối với trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi. Vẫn biết đây là khoảng thời gian mà nhiều gia đình còn bận rộn với việc chuẩn bị bữa tối, tắm rửa nhưng các chuyên gia vẫn khuyến khích mẹ cho bé ngủ sớm.

Nguồn: Parent

THU PHƯƠNG, THEO HELINO

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/luyen-ngu-cho-con-mai-khong-thanh-tiet-lo-9-nguyen-nhan-khien-me-bat-ngo-528652.htm