Luxstay - Kết nối chủ nhà với người có nhu cầu thuê nhà ngắn hạn

Được thành lập cuối năm 2016 bởi chàng trai Nguyễn Văn Dũng (1989), Luxstay là mô hình áp dụng kinh tế chia sẻ vào ngành bất động sản và du lịch kết nối các chủ nhà với người có nhu cầu thuê nhà ngắn hạn, trong đó có khách du lịch hoặc người kinh doanh. Đến nay, ứng dụng đã xây dựng được mạng lưới gần 10.000 chỗ ở hầu hết các tỉnh thành, điểm du lịch tại Việt Nam.

Bỏ thi đại học để khởi nghiệp

Bỏ thi đại học, khởi nghiệp từ năm 18 tuổi, lăn lộn thương trường sau một thời gian dài, Nguyễn Văn Dũng đã trở thành triệu phú với Công ty Netlink. Anh còn là Chủ tịch Metub Network - mạng lưới Youtube MCN (đa kênh) lớn nhất Việt Nam hiện nay. Vậy nhưng, Dũng từng bị coi như “một phiên bản lỗi của gia đình” vì đã không đi thi đại học. “Vì bỏ thi đại học mà từ đó, tôi như biến mất trong mắt bố mẹ, trở thành phiên bản lỗi của gia đình. Mọi cánh cửa dường như sập đóng trước mắt”, CEO Luxstay chia sẻ.

CEO Nguyễn Văn Dũng

CEO Nguyễn Văn Dũng

Với thế mạnh của mình là Internet đã thôi thúc vị CEO trẻ tuổi tìm kiếm và phát triển một dự án khởi nghiệp với mục tiêu phải trở thành số một thị trường. Đó chính là Luxstay, một mô hình áp dụng kinh tế chia sẻ (sharing economy) vào ngành bất động sản và du lịch. Luxstay một nền tảng trực tuyến kết nối các chủ nhà với người có nhu cầu thuê nhà trong ngắn hạn.

Nền tảng Luxstay ra đời có 2 lợi thế. Lợi thế đầu tiên là ngành bất động sản Việt Nam đang bùng nổ. Đó là các chung cư, biệt thự, nhà ở được mua để đầu tư và cho thuê. CEO Nguyễn Văn Dũng đánh giá, nguồn tài nguyên này sẵn có và dồi dào hơn mô hình truyền thống là khách sạn, resort.

Lợi thế thứ hai là hiện Việt Nam chưa có một doanh nghiệp nào đủ lớn để dẫn dắt thị trường. Các hình thức cho thuê nhà, cho thuê homestay còn nhỏ lẻ và làm rời rạc. Luxstay ra đời có cơ hội xây dựng một ngành công nghiệp mới, đúng với mục tiêu tiên phong và trở thành số một như đã đề ra.

Hiện nay, Luxstay đã xây dựng được mạng lưới gần 10.000 chỗ ở hầu hết các tỉnh thành, điểm du lịch tại Việt Nam. Mục tiêu của Luxstay là xây dựng nền tảng có khả năng phát triển ở quy mô lớn, chứ không chỉ dừng lại là một công ty dịch vụ. Bởi vậy, Luxstay đang đầu tư xây dựng hệ thống có khả năng xử lý tự động hàng trăm ngàn đơn hàng mỗi ngày. Để làm được điều này, bắt buộc phải có công nghệ dẫn dắt.

Trong ngắn hạn, việc Luxstay am hiểu thị trường và người tiêu dùng Việt Nam hơn sẽ là một lợi thế. Nhưng chắc chắn, lợi thế này sẽ không tồn tại lâu, vì các doanh nghiệp nước ngoài hoàn toàn có thể tuyển dụng các nhân sự Việt Nam để điều hành kinh doanh.

CEO Luxstay cho biết, startup này đang lên kế hoạch liên kết với các doanh nghiệp khác để mở ra một hệ sinh thái xoay quanh hoạt động thuê và cho thuê nhà. Về hoạt động cho thuê nhà, Luxstay sẽ hợp tác với các đơn vị thiết kế, trang trí nội thất, dịch vụ dọn phòng để tư vấn cho chủ nhà. Bên cạnh đó, công ty còn tổ chức các khóa học về bán hàng, marketing, làm sao giúp chủ nhà tối ưu hiệu quả kinh tế. Bên cạnh đó, công ty sẽ đưa vào các gợi ý về dịch vụ ăn uống, đặt chỗ, đặt bàn, để làm sao khách lưu trú tại các homestay, biệt thự, nhận được những trải nghiệm tốt nhất.

“Người ta hay so sánh về các dịch vụ, tiện ích giữa khách sạn và homestay. Do đó, nếu Luxstay có thể cung cấp cho chủ nhà lẫn khách thuê những trải nghiệm, tiện ích tốt nhất, sự so sánh này sẽ không còn nữa. Do đó, mục tiêu của Luxstay là tạo ra một hệ sinh thái đủ lớn để đáp ứng mọi yêu cầu về lưu trú của khách hàng. Luxstay không chỉ cho thuê chỗ ở, mà là khám phá những trải nghiệm mới”, Nguyễn Văn Dũng khẳng định.

Tham vọng trở thành biểu tượng của Việt Nam về startup công nghệ

Sau gần 3 năm triển khai, Luxstay hiện đã có mặt trên toàn quốc và đang đi theo hướng riêng nhằm tạo cho mình một “vũ khí” lợi hại trước các đối thủ nước ngoài. Trong khi các ứng dụng đặt phòng phổ biến như Airbnb, Traveloka, Booking, Agoda thường nhắm đến các thành phố lớn, thì Luxstay hướng tới thị trường homestay tại các điểm du lịch nổi tiếng như một bàn đạp để từ đó chiếm lĩnh thị trường Việt Nam. CEO Nguyễn Văn Dũng cho biết: So với Airbnb, số lượng homestay chúng tôi đang có là một khoảng cách khá xa. Nhưng tôi cho rằng, đây không phải yếu tố cốt lõi. Bởi Airbnb nhiều chỗ ở nên sẽ khó kiểm soát chất lượng dịch vụ. Trong khi đó, Luxstay sẽ chắt lọc rất kĩ càng, và hướng tới tiêu chí giàu trải nghiệm”.

Một trong những căn hộ đang được cho thuê tại Luxstay

Tháng 3 năm 2018, Luxstay đã gọi vốn thành công thêm 2,5 triệu USD từ các nhà đầu tư Genesia Ventures, Founders Capital, Y1 Ventures và 2 nhà đầu tư khác. Tháng 1 năm 2019, công ty gọi vốn thành công khoản tiền 3 triệu USD từ quỹ CyberAgent và các nhà đầu tư khác. Tháng 5 năm 2019, sau chuyến đi 5 ngày gặp nhà đầu tư tại Hàn Quốc, Luxstay công bố hoàn tất vòng gọi vốn Bridge với sự tham gia của hai nhà đầu tư mới đến từ Hàn Quốc là GS Home Shopping (GS Shop) và Bon Angels. Thương vụ trị giá 4,5 triệu USD này có thể coi là một trong những khoản rót vốn early stage lớn nhất từ trước đến nay dành cho một startup công nghệ Việt Nam.

Trong Shark Tank Việt Nam mùa 3, CEO Nguyễn Văn Dũng (Steven Nguyễn) đã gọi vốn thành công 6 triệu USD từ 3 nhà đầu tư của chương trình là Shark Việt, Shark Hưng và Shark Thủy, tạo nên một kỷ lục chưa từng có trên chương trình truyền hình thực tế này.

Dù vẫn trong giai đoạn “đốt tiền” cho những kế hoạch chiến lược, nhưng CEO Nguyễn Văn Dũng kỳ vọng, Luxstay sẽ đạt điểm hòa vốn vào giữa năm 2022, đồng thời trở thành start-up kỳ lân biểu tượng của Việt Nam, có khả năng đánh chiếm các thị trường trong khu vực.

Thời gian tới, công ty sẽ phối hợp với các đối tác chiến lược để mở rộng sản phẩm cung cấp tại nhiều quốc gia trong khu vực như Nhật bản, Đài loan, Thái Lan và Hàn Quốc. Từ thành công của Grab tại thị trường Đông Nam Á, tôi hy vọng Luxstay có thể nắm giữ được thị phần trong mảng du lịch trực tuyến và đặc biệt là "home-sharing" hoặc trở thành biểu tượng của Việt Nam trong các startup về công nghệ - CEO Nguyễn Văn Dũng chia sẻ.

Theo thống kê của AirDNA, thị trường kinh doanh homestay tại Việt Nam đang tăng trưởng nóng với tốc độ 450% về số lượng nguồn cung chỗ ở trong 1 năm qua, lớn hơn so với mức tăng trưởng trung bình toàn cầu 140/%. Miếng bánh bị bỏ ngỏ đang bùng nổ khiến các doanh nghiệp trong nước cũng không thể đứng ngoài cuộc đua. Trong đó có tại cái tên nổi bật trên thị trường đặt phòng trực tuyến như: Booking.com, Agoda, Airbnb, Luxstay…; 2 nền tảng đặt phòng khác là RedDoorz (Singapore) và OYO (Ấn Độ) cũng mới chào sân tại thị trường Việt Nam, báo hiệu một cuộc đua dài hơi trên thị trườngs trị giá 2 tỷ USD vào năm 2025.

Ly Ly

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/luxstay-ket-noi-chu-nha-voi-nguoi-co-nhu-cau-thue-nha-ngan-han-126304.html