Luxshare có thể soán ngôi Foxconn sản xuất iPhone?

Tập đoàn Luxshare, một 'Foxconn Trung Quốc' mua lại nhà máy sản xuất iPhone của Wistron tại Côn Sơn (Giang Tô, Trung Quốc).

Thương vụ này đã làm dấy lên thông tin, phải chăng sẽ có sự soán ngôi trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp iPhone tại Trung Quốc trong thời gian tới?

Bản đồ chuỗi nhà máy sản xuất iPhone trên thế giới.

IPhone được coi là động lực chính biến Apple trở thành tập đoàn công nghệ lớn thế giới. Cũng hiếm có sản phẩm công nghệ nào có được sự chú ý, quan tâm của khách hàng mỗi khi sắp ra mắt sản phẩm mới như iPhone.

Do vậy, mọi động thái liên quan đến iPhone đều được giới công nghệ thế giới theo dõi sát sao. Mới đây, việc Tập đoàn Luxshare, một Foxconn “Trung Quốc” mua lại nhà máy sản xuất iPhone của Wistron tại Côn Sơn, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc đã dấy lên thông tin phải chăng sẽ có sự soán ngôi trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp iPhone tại Trung Quốc trong thời gian tới.

Khả năng soán ngôi

Tạp chí Nikkei châu Á và truyền thông Nhật Bản cho biết Apple đã yêu cầu tập đoàn lắp ráp Airpods tại Trung Quốc là Luxshare Precision đầu tư xây dựng nhà máy cung cấp vỏ kim loại cho iPhone và Macbook để cạnh tranh với Foxconn.

Các thông tin trên cho rằng, nhà sản xuất Trung Quốc là Luxshare Precision đã đàm phán với Kecheng trong hơn 1 năm và gần đây đã có các cuộc thảo luận chuyên sâu hơn về việc cho phép Luxshare sản xuất vỏ kim loại chất lượng cao đồng thời tiến hành lắp ráp điện thoại thông minh gần giống với những mẫu điện thoại gần đây Foxconn sản xuất (phiên bản cho thị trường Trung Quốc).

Trong nhiều thập kỷ qua, Foxconn đã thống trị thị trường điện tử chuyên sâu của thế giới, luôn là một trong những nhà cung cấp, sản xuất lớn nhất của Apple. Kể từ khi iPhone của Apple ra mắt năm 2007, trên 50% sản phẩm này được Foxconn sản xuất.

Nguồn tin trên cũng cho rằng, Apple luôn có ý muốn phá vỡ ưu thế độc quyền trên của Foxconn.

Một giám đốc điều hành có tham gia các cuộc đàm phán trên cho biết, Apple khuyến khích Luxshare đầu tư với mục đích chính là tăng khả năng cạnh tranh của các nhà sản xuất Trung Quốc đồng thời có thêm các nhà cung cấp với giá cả hợp lý hơn.

Hiện nay, Foxconn, Pegatron và Wistron là 3 nhà sản xuất iPhone tại Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy vậy, thương vụ M&A hồi tháng 7/2020 của Luxshare khi mua lại nhà máy sản xuất iPhone của Winstron tại TP. Côn Sơn, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc càng khẳng định tham vọng của tập đoàn này trong chuỗi sản xuất iPhone.

Trong một động thái khác, việc Tập đoàn Catcher Technology (Đài Loan) trong tháng 8/2020 vừa qua đã bán nhà máy sản xuất khung, vỏ kim loại cho iPhone được giới chuyên gia công nghệ đánh giá dường như đang có sự thay thế không chỉ ở sản xuất, lắp ráp iPhone mà còn cả chuỗi cung ứng cho sản phẩm này.

Các chuyên gia nhận định, việc Apple tìm thêm các nhà cung cấp của Trung Quốc cũng có nghĩa về công nghệ của các doanh nghiệp Trung Quốc đã đạt đến một chất lượng nhất định. Ngoài ra, việc có nhiều nhà cung ứng sẽ tốt hơn cho việc giảm chi phí sản xuất.

Mặt khác, Apple có thể đã tính toán, lựa chọn giải pháp tránh các rủi ro từ thương chiến Mỹ - Trung. Trung Quốc cũng sẽ khó lòng “trừng phạt trả đũa” sản phẩm điện thoại của Mỹ nếu như do một công ty trong nước lắp ráp, sản xuất.

Có thể Apple đang bố trí lại chuỗi sản xuất iPhone

Nếu cuộc đối đầu thương mại Trung - Mỹ có khả năng ngày càng trở nên tồi tệ, Apple cũng phải tính toán đến thị trường tại Trung Quốc có bị hạn chế vì điều này hay không?

Bởi thực tế, doanh thu của Apple từ Trung Quốc lên tới 20%. Do đó, không loại trừ Apple đã lên kế hoạch bố trí lại chuỗi sản xuất theo hướng điện thoại tiêu thụ tại Trung Quốc sẽ do nhà sản xuất Trung Quốc sản xuất, cung ứng, còn các thị trường khác trên thế giới sẽ do những cơ sở sản xuất tại Ấn Độ cung cấp.

Vài năm trước, Foxconn và Wistron đã triển khai dự án nhà máy sản xuất iPhone ở Ấn Độ (ở Chennai và Bangalore). Cả hai nhà máy này chủ yếu lắp ráp và sản xuất iPhone đời thấp và phiên bản rẻ.

Năm 2020, Chính phủ Ấn Độ đã đưa ra một kế hoạch khuyến khích mới với 50 tỷ rupee Ấn Độ, mục đích là để quảng bá mạnh mẽ, hiện thực hóa chiến lược “Made in India”.

Rõ ràng, thương chiến Mỹ - Trung đã làm rõ hơn mục tiêu của Apple là dần mở rộng khối lượng sản xuất sản phẩm tại Ấn Độ và thiết lập một chuỗi cung ứng mới.

Nếu khả năng bị soán ngôi trong việc sản xuất iPhone tại Trung Quốc xảy ra, nhiều khả năng bộ ba Foxconn, Pegatron và Wistron sẽ có các động thái để củng cố chuỗi sản xuất tại Ấn Độ.

Tích cực hơn cả là Foxconn. Không chỉ là tập đoàn công nghệ Đài Loan đầu tiên mở nhà máy tại Ấn Độ, Foxconn có thể sẽ bắt đầu sản xuất iPhone 11 từ năm 2020 tại đây, đồng thời mở thêm một nhà máy mới ở Sriperumbudur, miền nam Ấn Độ.

Ngoài ra, theo thông tin trước đó của báo chí Ấn Độ, Wistron đã thành lập một công ty thứ ba tại Ấn Độ vào đầu năm nay, hiện đang tích cực tuyển dụng nhân sự.

Tất nhiên, không thể bỏ qua Pegatron, một nhân tố quan trọng khác trong lĩnh vực sản xuất iPhone. Không ai có thể biết được Pegatron có bán nhà máy sản xuất khung, vỏ điện thoại Kaisheng cho Luxshare hay không. Nhưng điều chắc chắn là, trong làn sóng di chuyển chuỗi cung ứng này, Pegatron cũng khó có thể bỏ qua một bên. Truyền thông Ấn Độ đã tiết lộ kế hoạch thành lập nhà máy tại thành phố Chennai của Pegatron.

Điểm dừng tiếp theo là Việt Nam?

Mặc dù có vẻ như chiến lược tập hợp chuỗi cung ứng của Apple ngày càng trở nên rõ ràng hơn, nhưng thông tin mới nhất được truyền thông nước ngoài tiết lộ là Apple sẽ lên kế hoạch ra mắt iPhone 12 do Ấn Độ sản xuất vào giữa năm 2021.

Mặc dù vậy, trước đây Ấn Độ luôn bị các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá là thiếu thốn cơ sở hạ tầng và khó tìm kiếm quản lý nhân sự cấp cao. Vậy lần này, Apple bố trí lại chuỗi cung ứng theo hướng dịch chuyển sang Ấn Độ liệu có thực sự thành công?

Ngay cả những chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ cũng nói: “Đây là xu hướng, nhưng thật khó để nói Ấn Độ sẽ mất bao lâu để trở thành trung tâm sản xuất iPhone cho toàn cầu”.

Ấn Độ đã vậy, thì các động thái mở rộng liên tục và đầu tư mới tại Việt Nam của “bộ ba” Foxconn, Pegatron, Wistron với mục đích gì? Việt Nam sẽ là một lựa chọn?

Đánh giá về việc Apple AirPods được lắp ráp tại Trung Quốc trước đây, nay đã chuyển một phần dây chuyền lắp ráp sang Việt Nam, thậm chí Luxshare còn đưa tin có thể đặt dây chuyền lắp ráp iPhone tại Việt Nam cũng có thể là một sự tính toán của Apple.

Bất kể việc sản xuất iPhone của Ấn Độ có thể đạt được hay không và điểm dừng tiếp theo sẽ là đâu, thì những thay đổi trong chuỗi cung ứng công nghệ sắp tới là không thể tránh khỏi, và chúng ta hãy chờ xem!

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/luxshare-co-the-soan-ngoi-foxconn-san-xuat-iphone-d129568.html