Luxembourg - từ 'thiên đường thuế' đến 'thiên đường không gian'

Từng được coi là 'thiên đường thuế', nhưng sau khi bị Ủy ban châu Âu (EC) siết chặt về quản lý thuế năm 2015, Luxembourg đã chuyển đổi mô hình thu hút đầu tư. Ngày nay, quốc gia nhỏ bé trong Liên minh châu Âu (EU) đang là điểm đến yêu thích của các công ty khởi nghiệp nước ngoài nghiên cứu về không gian...

Khi giành độc lập vào năm 1839, Luxembourg-quốc gia nhỏ bé có đường biên giới giáp với Bỉ, Pháp và Đức là khu vực khá nghèo về tài nguyên thiên nhiên. Nạn đói triền miên đã đẩy 1/3 dân chúng quốc gia này phải rời bỏ quê hương. Cuối thế kỷ 19, Chính phủ Luxembourg phát hiện ra nguồn tài nguyên màu mỡ nên quyết định mở cửa biên giới nhằm thu hút lao động nước ngoài.

Sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, chấm dứt sự chiếm đóng của Đức quốc xã, nền kinh tế Luxembourg dần hồi phục và trở thành trung tâm sản xuất thép của châu Âu. Vào thập niên 1960, tuy mỏ quặng cuối cùng của Luxembourg bị đóng cửa nhưng ngành công nghiệp gang thép của nước này vẫn tiếp tục phát triển.

 Hình ảnh vệ tinh SES-14 của Luxembourg được phóng lên không gian tháng 1-2018. Ảnh: liberation.fr.

Hình ảnh vệ tinh SES-14 của Luxembourg được phóng lên không gian tháng 1-2018. Ảnh: liberation.fr.

Cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973-1974 được coi như lời cảnh báo cho một đất nước vẫn luôn bị ám ảnh bởi bóng ma của sự nghèo đói. Tuy nhiên, với lợi thế trong việc đưa ra các chính sách tạm thời, cân bằng sự ổn định xã hội và thói quen sống, làm việc với người nước ngoài, Thủ tướng Luxembourg đồng thời là Chủ tịch EC thời kỳ đó-ông Jacques Santer đã quyết định biến quốc gia này thành một trung tâm tài chính-một ý tưởng bị xem là điên rồ vào thời điểm đó.

Thế nhưng, lợi thế dân số ít, hệ thống chính trị và kinh tế ổn định, hệ thống quy định về thuế được đánh giá là rất dễ chịu, hệ thống ngân hàng bảo đảm tính bảo mật cao... đã giúp quốc gia này trở thành điểm đến lý tưởng cho các tập đoàn đa quốc gia. Với 3,7 nghìn tỷ USD tài sản dưới quyền quản lý của ngân hàng và các định chế khác, Luxembourg chỉ kém cạnh Mỹ trong việc hút vốn đầu tư quốc tế.

Năm 2015, trước những quy định chặt chẽ của EC, Chính phủ Luxembourg buộc phải siết chặt các quy định về thuế doanh nghiệp. Trước nguy cơ nguồn thu ngân sách bị cạn kiệt, các nhà lãnh đạo Luxembourg đã tìm mọi cách để đa dạng hóa các hoạt động kinh tế. Nhưng làm thế nào để phát triển quốc gia nhỏ bé này, nơi mà 30% diện tích đất là các vùng bảo tồn tự nhiên và việc đầu cơ dễ gây bùng nổ thị trường bất động sản? “Tôi muốn tìm một lĩnh vực mà Luxembourg là nước tiên phong. Đó chính là nguồn tài nguyên không gian”, ông Etienne Schneider, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Luxembourg khẳng định.

Trên thực tế, Luxembourg đã có một số kinh nghiệm về khai thác không gian. Vào thập niên 1980, khi không có công ty nào muốn tham gia dự án phóng vệ tinh Astra, Chính phủ Luxembourg đã có một quyết định mạo hiểm là tài trợ 30% số vốn cho Hiệp hội Vệ tinh châu Âu (SES). “Ván cược” thành công, SES trở thành nhà khai thác vệ tinh viễn thông lớn nhất thế giới. Cũng kể từ đó, lĩnh vực không gian chiếm 2% GDP của Luxembourg và đây là tỷ lệ cao nhất trong EU. Hiện nay, Chính phủ Luxembourg đang đầu tư vào một dự án thám hiểm Mặt Trăng với tổng số tiền lên tới 80 triệu euro. Dự án này dự kiến sẽ triển khai vào năm 2021 với mục tiêu là tìm nguồn nước trên Mặt Trăng.

Theo tờ Liberation của Pháp, Hiệp ước ngoài không gian của Liên hợp quốc với hơn 100 nước phê chuẩn năm 1967 được cho là nền tảng pháp lý cơ bản cho các hoạt động ngoài không gian. Nền tảng trung tâm của hiệp ước này là bảo đảm rằng không gian vũ trụ không thuộc chủ quyền hay sở hữu của bất cứ quốc gia nào. Hiệp ước cũng cấm thử nghiệm các loại vũ khí hạt nhân trong không gian và không hạn chế việc sử dụng Mặt Trăng cũng như các thực thể khác trong không gian vào mục đích hòa bình.

Tuy nhiên, hiệp ước này không quy định rõ ràng về việc khai thác tài nguyên từ không gian. Đó là lỗ hổng để năm 2017, Mỹ và Luxembourg thông qua một đạo luật khác cho phép các công ty cư trú trên lãnh thổ của mình được quyền sở hữu hợp pháp các tài nguyên mà họ lấy được từ không gian.

Ngoài quy định không rõ ràng trong Hiệp ước ngoài không gian của Liên hợp quốc, sự hấp dẫn từ nguồn quỹ 200 triệu euro hỗ trợ các công ty tư nhân nghiên cứu trong lĩnh vực không gian là nguồn động lực thôi thúc 30 công ty khởi nghiệp nhanh chóng thành lập ở Luxembourg trong vòng vài tháng. Ngoài ra, còn khoảng 100 công ty khác cũng đang đàm phán để có được giấy phép. Các lĩnh vực mà các công ty này nhắm tới là du lịch vũ trụ, đào tạo các “công nhân” không gian tương lai, tái chế các mảnh vỡ thiên thạch, nông nghiệp phi trọng lượng... Từ một "thiên đường thuế", giờ đây Luxembourg đang trở thành một "thiên đường không gian" nhờ vào sự linh hoạt của các loại thuế ưu đãi cho các công ty nước ngoài.

VŨ PHƯƠNG LINH (lược dịch)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/luxembourg-tu-thien-duong-thue-den-thien-duong-khong-gian-583514