Lưu ý sâu bệnh hại lúa xuân

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, thời tiết vụ xuân 2019 nóng ấm, nắng nóng đến sớm.

Như vậy sẽ rút ngắn thời gian sinh trưởng của các giống lúa và sâu bệnh có nguy cơ phát sinh sớm, gia tăng số lượng và gây hại nhiều.

 Thăm đồng thường xuyên để xử lý sâu bệnh kịp thời, hiệu quả

Thăm đồng thường xuyên để xử lý sâu bệnh kịp thời, hiệu quả

Để sản xuất vụ xuân đạt hiệu quả, nông dân cần chú ý phòng trừ một số đối tượng dịch hại chính như sau:

Chuột: Thời tiết ấm nóng trước và sau khi gieo cấy đến nay khiến chuột hại gia tăng. Chúng gây hại rải rác trong suốt cả vụ, trong đó hại mạnh nhất vào giai đoạn cây lúa cuối đẻ nhánh đến làm đòng(cuối tháng 3 đầu tháng 4 DL). Phạm vi gây hại rộng và gây hại nhiều nhất trên những chân ruộng vùng gần gò đống, công ty và những cánh đồng không được đánh bắt thường xuyên.

Tổ chức đánh bắt đồng loạt làm nhiều đợt trước và sau gieo cấy theo nhiều phương thức khác nhau như dùng bẫy, bả sinh học, đào hang bắt chuột… Áp dụng và làm theo sự hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn, sự chỉ đạo của chính quyền cơ sở…

Ốc bươu vàng: Vụ đông xuân ấm là điều kiện để loài ốc bươu vàng sinh sản mạnh, gây hại nhiều lúa non. Diệt ốc bươu vàng bằng nhiều biện pháp cộng gộp là việc làm cần thiết và hiệu quả. Trong đó ưu tiên phương pháp thu bắt thủ công nhất là việc thu và diệt trứng ốc.

Sâu cuốn lá nhỏ: Thời tiết vụ xuân năm nay là điều kiện để loài sâu này phát sinh phát triển nhiều hơn các năm trước. Trong 3 lứa sâu xuất hiện và gây hại lúa cần chú ý phòng trừ tốt sâu non lứa 3 sẽ nở rộ vào giữa đến cuối tháng 4 DL. Lúc này đa số các trà lúa đang trong giai đoạn làm đòng nhất là giai đoạn lá đòng còn non. Mật độ sâu cao sẽ gây hại lá đòng làm thiệt hại về năng suất đáng kể.

Theo dõi mật độ bướm vũ hóa vào khoảng giữa tháng 4, dự tính ngày sâu non nở rộ để phòng trừ bằng thuốc hóa học kịp thời nhằm giảm thiểu tỷ lệ lá đòng non bị sâu gây hại. Ưu tiên sử dụng các loại thuốc có hiệu quả cao đặc trị sâu cuốn lá theo khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn.

Rầy nâu và rầy lưng trắng: Trên các giống lúa nhiễm rầy cần lưu ý điều tra và phòng trừ ngay ở lứa thứ 2 (cuối tháng 3 đầu tháng 4 DL) nếu mật độ đến ngưỡng. Đặc biệt chú ý đến lứa rầy thứ 3 sẽ gây hại từ cuối tháng 4 đến giữa tháng 5 DL. Lứa này có nguy cơ gây cháy rầy cao nếu không tổ chức phòng trừ tốt. Việc dùng thuốc hóa học trừ rầy muốn đạt hiệu quả cần làm tốt theo kĩ thuật 4 đúng.

Bệnh khô vằn: Việc gieo cấy lúa xuân năm nay nhất là những chân ruộng gieo thẳng có nguy cơ dày đến quá dày (thời tiết ấm lúa không bị chết rét sau gieo cấy). Cùng với thời tiết giữa đến cuối vụ có nắng mưa xen kẽ là điều kiện tối ưu để nấm khô vằn bùng phát và gây hại nặng. Do đó ngay từ đầu vụ việc tỉa dặm cho lúa gieo thẳng sao cho mật độ vừa phải, chăm bón cân đối và thường xuyên thăm đồng điều tra để phòng trừ kịp thời bệnh khô vằn, tránh để nấm gây hại lên bông làm giảm năng suất đáng kể.

Bệnh đạo ôn: Do thời tiết ấm nên nấm đạo ôn có khả năng gây hại nhẹ hơn vụ xuân năm trước. Song hai thời điểm mẫn cảm của cây lúa với loại bệnh này cần chú ý là giai đoạn lúa cuối đẻ nhánh và giai đoạn thấp thoi trổ. Theo dõi thường xuyên các chương trình dự báo thời tiết của cơ quan chuyên môn, bám sát đồng ruộng để nắm bắt được diễn biến thời tiết vùng, cây trồng mà phòng trừ tốt bệnh này. Vì nấm đạo ôn sẽ phát sinh phát triển mạnh nhất khi thời tiết ưu tiên (ẩm độ > 90% và trời se lạnh).

Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn: Phát sinh khi lúa ở giai đoạn đứng cái trở đi gặp thời tiết mưa to kèm giông. Để giảm thiểu bệnh này cần bón phân cân đối, tăng cường bón phân kali, silic… giai đoạn lúa đứng cái làm đòng. Phun thuốc phòng bệnh cho lúa trước hoặc sau mưa dông.

TRẦN THỊ LIÊN

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/luu-y-sau-benh-hai-lua-xuan-post238056.html