Lưu ý khi sử dụng dung dịch sát khuẩn tay ở trẻ em

Trong đại dịch COVID - 19, việc sát khuẩn tay bằng xà phòng với nước và dung dịch rửa tay khô là rất cần thiết để giúp phòng ngừa bệnh. Mặc dù đơn giản nhưng người dân cũng cần lưu ý khi sử dụng, đặc biệt là đối với trẻ em, để dùng sao cho an toàn.

Mỗi người trong chúng ta có thể giúp ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19 bằng cách rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước trong 20 giây, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn và sau khi ho, hắt hơi hoặc xì mũi. Nếu không có xà phòng và nước, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh khuyến nghị người tiêu dùng sử dụng chất khử trùng chứa cồn có chứa ít nhất 60% cồn.

Dung dịch sát khuẩn tay (còn gọi là dung dịch rửa tay khô) thường ở dạng xịt hoặc gel, được bổ sung thêm các mùi dễ chịu, tiện dùng với khuyến cáo thoa đều trong vòng 30 giây cho tới khi khô hẳn và không rửa lại bằng nước, thường chứa ethanol, nước tinh khiết, chất dưỡng ẩm, chất diệt khuẩn và hương liệu.

Dung dịch rửa tay khô có tác dụng tốt nhất khi bạn chà đều chất trên khắp bàn tay, đảm bảo cả phần giữa các ngón tay và trên mu bàn tay đều được tiếp xúc với dung dịch này. Và bạn cần lưu ý một điều là không lau hoặc rửa trôi phần dung dịch rửa tay khô trước khi nó khô hoàn toàn. Không sử dụng dung dịch rửa tay khô nếu tay bạn bị bẩn hoặc dính dầu mỡ vì lúc này có nhiều loại vi sinh vật nằm dưới các vết bẩn và dung dịch không chạm tới để làm sạch. Lúc này bạn cần rửa tay bằng xà phòng và nước. Tốt nhất nên hỗ trợ trẻ em để đảm bảo an toàn và sử dụng đúng cách để đạt được hiệu quả sát khuẩn. Nếu bạn sử dụng dung dịch rửa tay khô chứa cồn thì cần lưu ý các thông tin sau:

Cẩn trọng vì trẻ em có thể nuốt phải dung dịch rửa tay khô

Trong đại dịch COVID - 19 này, các trung tâm kiểm soát dịch bệnh trên thế giới đã thấy có sự gia tăng các cuộc gọi thông báo về việc vô tình uống dung dịch rửa tay khô, vì vậy điều này rất quan trọng, không được xem nhẹ và người lớn phải tuyệt đối cẩn thận và theo dõi trẻ em khi sử dụng. Cất giữ dung dịch rửa tay khô ngoài tầm với của trẻ em. Trẻ em chỉ được sử dụng khi có sự giám sát của người lớn.

Tuyệt đối không uống dung dịch rửa tay khô. Điều này đặc biệt quan trọng với trẻ nhỏ, nhất là với trẻ mới biết đi thường dễ bị thu hút bởi mùi thơm dễ chịu, hoặc những chai nước rửa tay khô có màu sắc rực rỡ. Kể cả khi chỉ một lượng nhỏ nước rửa tay khô bị uống vào dạ dày cũng có thể gây ngộ độc ở trẻ. Tuy nhiên bạn không cần lo lắng nếu con bạn ăn hay liếm tay sau khi sử dụng nước rửa tay khô.

Dung dịch rửa tay khô chứa cồn có nồng độ rất cao, thông thường là 60% ethanol trong khi các loại rượu mạnh nhất cũng chỉ có 45 độ. Một trẻ nhỏ nuốt phải một lượng nhỏ cũng có thể có nguy cơ ngộ độc cồn nghiêm trọng. Trên thế giới đã có báo cáo về trường hợp trẻ em phải nhập viện vì ngộ độc cồn sau khi nuốt phải dung dịch rửa tay khô.

Cần hướng dẫn trẻ em dùng dung dịch sát khuẩn tay an toàn.

Cần hướng dẫn trẻ em dùng dung dịch sát khuẩn tay an toàn.

Không tự ý điều chế dung dịch rửa tay khô

Mặc dù nhiều siêu thị và hiệu thuốc bán dung dịch rửa tay khô nhưng trong đợt cao điểm về bệnh dịch, nhiều lúc dung dịch rửa tay khô không được sản xuất kịp và khó tìm mua, nhưng FDA không khuyến khích người tiêu dùng tự làm dung dịch này. Lý do là vì nếu làm không đúng cách thì chất khử trùng tay không có hiệu quả, hoặc tệ hơn là đã có những trường hợp báo cáo về bỏng da từ những chai dung dịch rửa tay tự chế.

Ngoài ra, các sản phẩm được gọi là dung dịch xịt kháng khuẩn cho các bề mặt và đồ vật thì tuyệt đối không dùng trên người, vì có thể gây kích ứng da và mắt.

Ưu tiên sử dụng xà phòng hơn

Xà phòng không chỉ có khả năng tiêu diệt vi khuẩn mà còn có thể phá vỡ các cấu trúc hữu cơ như các vết bẩn, vết dầu mỡ dính trên tay, sau đó được rửa trôi dưới vòi nước chảy nên nếu có điều kiện sử dụng xà phòng thì bạn hãy lựa chọn phương pháp này thay cho dung dịch rửa tay khô, đặc biệt là với trẻ nhỏ.

Dung dịch rửa tay khô có thể

gây cháy nổ

Do thành phần của dung dịch rửa tay khô có nồng độ cồn cao nên một lượng nhỏ dung dịch này nếu được đốt cháy (gần nguồn lửa) thì có thể cháy rất nhanh và rất nóng, dẫn đến thương tích hoặc cháy đồ vật. Để tránh nguy cơ hỏa hoạn, tuyệt đối không bao giờ để các chai dung dịch này gần nguồn nhiệt hoặc ngọn lửa.

Hãy nhớ rằng, vi khuẩn, virus chỉ chờ cơ hội để tấn công nên hãy chắc chắn làm sạch tay đầy đủ, bao gồm cả phần giữa các ngón tay và dưới móng tay, cổ tay đảm bảo không bỏ sót bất kỳ chỗ nào trên tay, và kiểm tra để biết chắc rằng chai dung dịch rửa tay khô chưa hết hạn sử dụng. Trẻ em khi sử dụng dung dịch rửa tay khô, và ngay cả khi rửa tay bằng xà phòng, tốt nhất cần có sự hỗ trợ và giám sát từ người lớn để để đảm bảo an toàn và sử dụng đúng cách để đạt được hiệu quả sát khuẩn.

ThS.DS. Nguyễn Trang

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/luu-y-khi-su-dung-dung-dich-sat-khuan-tay-o-tre-em-n179492.html